Ngay khi nhận được thông tin về các vết nứt bên trong hầm Hải Vân, BQL dự án đã cử các kỹ sư chuyên môn đến tại hiện trường để kiểm tra
Các vết nứt có từ trước
Trước đó, đơn vị này đã triển khai thí điểm đóng cửa hầm Hải Vân từ 13h15 - 13h45 bắt đầu từ ngày 11/7 để thi công nổ mìn mở rộng hầm Hải Vân 2. Dự kiến thời gian đóng hầm Hải Vân diễn ra trong vòng 1 tháng. Thế nhưng, những ngày qua đã có thông tin cho rằng trong quá trình nổ mìn đơn vị thi công gây nứt hầm Hải Vân, có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn giao thông, an toàn vận hành trong hầm…
Đại diện BQL dự án cho rằng, hầm đường bộ Hải Vân được thiết kế và thi công theo công nghệ đào hầm hiện đại của Áo, trong đó sử dụng nguyên tắc thiết kế về khả năng tự ổn định của cấu trúc đất đá sau khi đào, gia cố. Do vậy, phần bê tông vỏ hầm không phải là kết cấu chịu lực. Việc xuất hiện các vết nứt trên vỏ hầm Hải Vân đã được phát hiện trước khi Công ty CPĐT Đèo Cả tiếp nhận quản lý vận hành và được các chuyên gia nhận định “đây là các vết nứt vật lý”.
Các vết nứt này có nguyên nhân từ các vấn đề của vật liệu như co ngót bê tông, tác động của thay đổi nhiệt độ môi trường. Các cơ quan quản lý ngành GTVT và đơn vị trực tiếp quản lý vận hành thường xuyên theo dõi và báo cáo các cấp có thẩm quyền. Cuối năm 2015, hội đồng nghiệm thu kết quả kiểm tra, quan trắc đánh giá toàn bộ kết cấu hầm chính sau 8 năm hoạt động do Cục Quản lý đường bộ III (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) chủ trì kết luận: tình trạng nứt của hầm Hải Vân vẫn đảm bảo an toàn cho giao thông trong hầm và trong tầm kiểm soát.
Ngay sau khi tiếp nhận quản lý khai thác hầm Hải Vân vào tháng 11/2015, Công ty CPĐT Đèo Cả đã khẩn trương thực hiện đầu tư nâng cấp, sửa chữa và thay thế các thiết bị vận hành đảm bảo an toàn công trình, an toàn giao thông trong khai thác. Đồng thời, thuê nhà thầu của CHLB Đức thực hiện khảo sát, phân tích các vết nứt toàn diện vỏ hầm bằng công nghệ quét hình ảnh ATIS Viewer lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam.
Kết quả cho thấy hầu hết các vết nứt đều không đáng lo ngại và không đáng kể. Một số vết nứt kéo dài ảnh hưởng đến mỹ quan vòm hầm đã được chủ đầu tư sửa chữa theo hồ sơ được Bộ GTVT thẩm định. Trong quá trình thi công và khai thác chủ đầu tư vẫn đang tiếp tục theo dõi, đánh giá sự phát triển của các vết nứt này để có giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời.
Kiểm tra tường hầm
Trong tầm kiểm soát
Tháng 12/2016, chủ đầu tư bắt đầu triển khai thi công mở rộng hầm đường bộ Hải Vân 2 theo tiến độ được Bộ GTVT chấp thuận và đến tháng 03/2017 tiến hành thi công nổ mìn 1 lần/ngày vào khung giờ đóng hầm hàng ngày từ 3h - 4h sáng tại phía bắc hầm Hải Vân 2, đến nay đã thi công mở rộng hơn 420m. Trong quá trình thi công, chủ đầu tư đã yêu cầu các đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu thi công thiết kế biện pháp thi công nổ mìn theo tiêu chuẩn Nhật Bản và quy chuẩn Việt Nam, giảm thiểu rung chấn và không ảnh hưởng đến kết cấu, hệ thống máy móc thiết bị của hầm và đảm bảo khai thác hầm Hải Vân an toàn.
Hội Kỹ thuật nổ mìn Việt Nam đã thực hiện việc đo quan trắc dao động định kỳ tại các vị trí trong hầm khi thi nổ mìn. Kết quả cho thấy, sau khi giám sát chấn động nổ mìn của các đợt nổ mìn từ tháng 3/2017 đến nay thì không có trường hợp nào vượt quy định và không có hiện tượng kết cấu vỏ hầm Hải Vân và các công trình khác trong hầm bị hư hại, mọi việc đều trong tầm kiểm soát.
Ông Đỗ Văn Nam, Giám đốc BQL dự án cho hay, trên cơ sở hồ sơ thiết kế đảm bảo an toàn giao thông, biện pháp thi công nổ mìn, kết quả quan trắc rung chấn, chủ đầu tư đã trình và được Bộ GTVT chấp thuận cho phép Công ty CPĐT Đèo Cả thực hiện nổ mìn thí điểm lần 2 trong ngày vào khung giờ từ 13h15 - 13h45 từ ngày 11/7/2017.
Đến nay, các đợt nổ mìn đang chỉ được thực hiện tại phía bắc hầm Hải Vân 2 và chưa tiến hành thi công nổ mìn phía nam hầm Hải Vân 2 bởi điều kiện địa chất yếu nên chưa phải nổ mìn thi công đào đá, do đó không có việc ảnh hưởng bởi nổ mìn đến các vết nứt vỏ phía nam hầm Hải Vân.
Cũng theo ông Nam, thời gian tới chủ đầu tư tiếp tục thực hiện quan trắc vết nứt, đo giám sát rung chấn và phối hợp với Ban QLDA 85 (đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền), các chuyên gia trong và ngoài nước xác định chính xác các nguyên nhân xuất hiện các vết nứt đã có từ trước hoặc nếu xảy ra các hiện tượng bất thường để có giải pháp xử lý kịp thời, phù hợp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình hầm Hải Vân.
Hầm Hải Vân chiều dài 6,28km, là hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á, nối liền Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng, trung bình hầm tiếp nhận hơn 7.500 lượt xe/ngày đêm; thời gian cao điểm lên tới khoảng 14.500 lượt xe/ngày đêm. Do lưu lượng giao thông hiện tại đã vượt quá dự trù thiết kế ban đầu, gây quá tải và tiềm ẩn nguy hiểm vì 2 làn xe ngược chiều cùng đi trong một hầm, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương đầu tư mở rộng hầm đường bộ Hải Vân và giao cho Công ty CPĐT Đèo Cả thực hiện với tổng kinh phí của toàn dự án là 7.295 tỷ đồng. Dự án bao gồm sửa chữa, nâng cấp hầm Hải Vân 1 và đoạn tuyến QL1 qua đèo Hải Vân; đầu tư xây dựng mở rộng hầm Hải Vân 2 và đường dẫn (mở rộng đường hầm lánh nạn dài 6,2km với 4 làn xe, xây dựng đường dẫn phía bắc dài 2,1km và đường dẫn phía nam dài 4,3km). Theo kế hoạch dự kiến toàn bộ dự án này sẽ hoàn thành vào tháng 12/2020. |
PHAN THÀNH