Các ngành chức năng thường xuyên tổ chức tuyên truyền, xử phạt; hỗ trợ, hướng dẫn người dân các biện pháp thu gom, xử lý rơm rạ sau thu hoạch nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, gây cản trở và mất an toàn giao thông; tăng hiệu quả sử dụng phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, nhưng tình trạng đốt rơm rạ vẫn tái diễn. Chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch hè thu, ngày 25/4 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục có Công văn 3937/UBND-NN chỉ đạo các ngành, địa phương cương quyết xử lý vi phạm nhằm hạn chế tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch.
Tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch diễn ra khá phổ biến ở các nước sản xuất lúa gạo, xuất phát từ tập quán canh tác lâu đời để đáp ứng khung lịch thời vụ, giảm chi phí sản xuất. Hệ lụy của tình trạng trên là ô nhiễm môi trường, gây cản trở và mất an toàn giao thông. Có thể lấy một vài ví dụ để minh chứng. Ngày 24/3 vừa qua, hàng loạt chuyến bay đến tỉnh Điện Biên đã bị hủy, do khói rơm rạ của người dân đốt nương che khuất tầm nhìn của phi công khi cất, hạ cánh. Trước đó, ngày 28/2/2022, do khói đốt rơm rạ của người dân khiến hàng chục ô tô gặp nạn liên hoàn trên cao tốc Rạch Sỏi - Lộ Tẻ (nối từ Cần Thơ về Kiên Giang)…
Liệu rơm rạ có phải là thứ bỏ đi, là gánh nặng với người nông dân hay không? Tôi vẫn còn nhớ, thời bao cấp, đến mùa thu hoạch không chỉ những gia đình nuôi trâu bò lo chuẩn bị cây rơm, mà hầu như nhà nào cũng thu thêm rơm, cắt thêm rạ phần để làm chất đốt, phần để lót chuồng cho heo, gà. Sau đó chất thải chăn nuôi trở thành phân bón trở lại cho đồng ruộng. Có thể nói, rơm rạ được tận dụng tối đa, phát huy hiệu quả kép.
Hiện nay, khi đời sống ngày càng nâng cao, người dân không còn dùng rơm rạ làm chất đốt; việc cơ giới hóa đồng ruộng khiến đàn trâu bò giảm sút; thói quen sử dụng các loại phân bón hóa học thay thế phân hữu cơ… khiến rơm rạ không còn được sử dụng nhiều như trước. Chính vì vậy, đốt rơm rạ sau thu hoạch trên đồng ruộng là giải pháp tối ưu. Hơn nữa, không ít người cho rằng, tro đốt từ rơm rạ cũng là loại phân bón, không nhiều thì ít cũng tốt cho cây trồng.
Nhưng thực tế, cái lợi của đốt rơm rạ thì ít, cái hại lại nhiều. Cách làm này khiến đất đai ngày càng thoái hóa, làm mất cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, gây ô nhiễm môi trường, tác hại nhiều mặt đến hoạt động kinh tế - xã hội, sức khỏe, đời sống của người dân.
Hạn chế vấn nạn đốt rơm rạ, sử dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm nông nghiệp này là hai mặt của một giải pháp tổng thể mới có thể phát huy hiệu quả. Tuyên truyền, vận động, xử lý các trường hợp vi phạm đã được triển khai nhiều năm nay; khung pháp lý cũng đã hoàn thiện. Vấn đề cần thiết lúc này là tiếp tục có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các HTX, người dân đầu tư phát triển các mô hình sản xuất sử dụng nguyên liệu đầu vào là rơm rạ; các giải pháp khoa học công nghệ giảm chi phí, công sức thu gom và xử lý rơm rạ thành các sản phẩm phân bón, chất đốt.
Hướng đi này cũng đã được Thừa Thiên Huế triển khai từ vài năm nay và khá đa dạng, như dùng rơm để làm nấm ở Phú Lương, Phú Đa (Phú Vang); đầu tư máy cuộn rơm, mô hình chế biến rơm thành thức ăn vỗ béo bò thịt (Phong Hiền, Phong Điền); mô hình ứng dụng các biện pháp canh tác tổng hợp để xử lý rơm rạ sau thu hoạch của Trung tâm Khuyến nông tỉnh tại 11 HTX trên địa bàn tỉnh… Các mô hình, ứng dụng trên đều khẳng định tính hiệu quả nhiều mặt, nhưng việc triển khai nhân rộng hiện vẫn gặp một số khó khăn nhất định.
Để nâng cao hiệu quả việc xử lý rơm rạ sau thu hoạch cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tăng cường các chính sách khuyến khích hỗ trợ; tiếp tục nghiên cứu, chuyển giao các mô hình ứng dụng hiệu quả; quy hoạch các vùng sản xuất tập trung để thuận tiện trong thu gom, xử lý rơm rạ… Chỉ khi người nông dân thấy rõ hiệu quả và nguồn lợi to lớn từ rơm rạ thì họ sẽ tự giác chuyển đổi phương thức canh tác, tận thu, chế biến rơm rạ hiệu quả.