Thế giới

“Căng thẳng chưa từng có” đối với tài nguyên nước gây ra khủng hoảng toàn cầu

ClockThứ Năm, 17/10/2024 15:01
TTH.VN - Một nửa sản lượng lương thực của thế giới và 15% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các quốc gia có thu nhập thấp hơn đang gặp rủi ro do cuộc khủng hoảng nước đang diễn ra, theo Ủy ban Kinh tế Nước toàn cầu (GCEW).

2/3 nguồn cung nước của châu Âu bị ô nhiễm hóa chấtThúc đẩy chủ nghĩa đa phương vì một tương lai hòa bình, thịnh vượng và bền vững

 Trẻ em lấy nước từ một vòi nước công cộng tại Niger. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Các chuyên gia cảnh báo, cần có sự thay đổi mạnh mẽ trong quản lý nguồn nước toàn cầu để tránh một "thảm kịch" có thể gây tổn hại đến các nền kinh tế, đe dọa sản xuất lương thực và làm suy yếu phúc lợi của con người.

Trong một báo cáo mới do GCEW công bố ngày hôm nay (17/10), các chuyên gia độc lập hàng đầu về khoa học, kinh tế và hoạch định chính sách cho biết, “căng thẳng chưa từng có” đối với các hệ thống nước gây ra một cuộc khủng hoảng sẽ trở nên tồi tệ hơn trong những thập kỷ tới.

Qua đó, ông Tharman Shanmugaratnam, Tổng thống Singapore, đồng Chủ tịch của GCEW, kêu gọi những quan điểm rộng hơn khi giải quyết các vấn đề về quản lý nước. “Chúng ta chỉ có thể giải quyết cuộc khủng hoảng này nếu suy nghĩ theo hướng rộng hơn về cách chúng ta quản lý nước”, ông Tharman Shanmugaratnam cho biết trong một tuyên bố.

Theo phát hiện của các chuyên gia, chu trình nước toàn cầu đã liên tục được quản lý chưa tốt và tiếp tục bị đe dọa bởi tình trạng biến đổi khí hậu và cách sử dụng đất.

“Khi nguồn tài nguyên quan trọng này ngày càng trở nên khan hiếm, an ninh lương thực và sự phát triển của con người đang bị đe dọa”, ông Johan Rockström, Giám đốc Viện Nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam (PIK), 1 trong 4 đồng Chủ tịch của GCEW nhận định trong một tuyên bố.

Những tác động này có thể ảnh hưởng nặng nề đến nông nghiệp và hệ thống thủy lợi, với một nửa sản lượng lương thực của thế giới, ở những khu vực có 3 tỷ người sinh sống, đối mặt với nguy cơ vào giữa thế kỷ này.

Đến năm 2050, báo cáo phát hiện rằng, các quốc gia có thu nhập cao sẽ mất trung bình 8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của họ, do các mô hình mưa thay đổi, nhiệt độ gia tăng và mức dự trữ nước sụt giảm.

Trong khi đó, ở các quốc gia có thu nhập thấp hơn, tổn thất GDP có thể lên tới 15%, báo cáo lưu ý; đồng thời nêu bật các điểm nóng có mật độ dân số cao, bao gồm Tây Bắc Ấn Độ, Đông Bắc Trung Quốc, Nam và Đông Âu là những khu vực đặc biệt dễ bị tổn thương.

Các tác giả của báo cáo đã đưa ra 5 "sứ mệnh" để giải quyết những thách thức quan trọng nhất của cuộc khủng hoảng nước toàn cầu, bao gồm: phát động một cuộc cách mạng mới trong hệ thống lương thực, bảo tồn và phục hồi môi trường sống tự nhiên quan trọng để bảo vệ nước “xanh”, thiết lập nền kinh tế nước tuần hoàn, mở ra một kỷ nguyên năng lượng sạch và giàu công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) với cường độ nước thấp hơn nhiều, đảm bảo không có trẻ em nào tử vong vì nước không an toàn vào năm 2030.

Để chống lại cuộc khủng hoảng này, báo cáo nêu rõ cần xem xét một cách tiếp cận được hiệu chỉnh lại đối với nền kinh tế nguồn nước để điều chỉnh các "chính sách không phù hợp" hiện đang tồn tại.

"Cuộc khủng hoảng nước toàn cầu là một thảm kịch, nhưng cũng là cơ hội để chuyển đổi kinh tế nguồn nước, và bắt đầu bằng cách định giá nước một cách hợp lý để nhận ra sự khan hiếm của nước và nhiều lợi ích mà nguồn tài nguyên này mang lại", bà Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đồng Chủ tịch của Ủy ban nói trên nhận định.

Báo cáo cũng ủng hộ việc giải quyết tình trạng đầu tư không đầy đủ vào các hệ thống nước, cả từ các nguồn công và tư nhân, cũng như việc chuyển hướng các khoản trợ cấp có hại trong lĩnh vực nước có thể dẫn đến tình trạng khai thác quá mức và lãng phí nguồn nước.

Bên cạnh đó, việc tiếp tục áp dụng năng lượng sạch và trí tuệ nhân tạo đã đặt ra một thách thức quan trọng để đảm bảo những công nghệ mới này không góp phần gây ra tình trạng sử dụng nước sai mục đích hơn nữa. Lĩnh vực này có thể sử dụng rất nhiều nước, và nhu cầu đang tăng lên. Ví dụ, dựa trên nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Cornell vào năm ngoái, các trung tâm dữ liệu của Google đã sử dụng khoảng 20 tỷ lít nước ngọt trong năm 2022.

Nghiên cứu cũng cho thấy, "quản lý đa phương về nguồn nước bị phân mảnh, không đầy đủ và không hiệu quả", mặc dù nước là nguồn tài nguyên vượt qua các đường biên giới và giao thoa rộng rãi giữa các cộng đồng và nền kinh tế.

Đáng chú ý, nước liên quan đến hầu hết mọi khía cạnh của các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc, các mục tiêu chung nhằm xóa bỏ nghèo đói, thúc đẩy thịnh vượng và bảo vệ hành tinh.

Từ đó, các phát hiện kêu gọi các chính phủ trên thế giới "tái tạo" hợp tác quốc tế để tìm ra câu trả lời cho những thách thức chung thông qua việc thành lập một Hiệp ước toàn cầu về nước. Một hiệp ước như vậy sẽ đặt ra các mục tiêu và bảo vệ nguồn nước để sử dụng bền vững trong tương lai.

LÊ THẢO (Lược dịch từ CNA)
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thúc đẩy khởi nghiệp từ tài nguyên dược liệu bản địa

Khai thác tài nguyên bản địa, đầu tư phát triển vùng nguyên liệu và chế biến dược liệu là một trong những nhiệm vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế, trên cơ sở sử dụng có hiệu quả những lợi thế về điều kiện tự nhiên và xã hội. Đây còn là tiềm năng, cơ hội để thúc đẩy khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh vào lĩnh vực dược liệu của các tổ chức, doanh nghiệp, startup.

Thúc đẩy khởi nghiệp từ tài nguyên dược liệu bản địa
Phân loại và biến rác thành tài nguyên

Những tưởng sẽ "chết yểu" như cách đây mười mấy năm, nhưng hoạt động "phân loại rác tại nguồn" đang được nhân rộng và dần triển khai đại trà trên toàn tỉnh. Phân loại rác tại nhà, tại nguồn còn được ứng dụng "công nghệ số" để tăng tính tiện ích và hiệu quả, góp phần cùng phong trào "Ngày Chủ nhật xanh" đi vào khuôn khổ, thường xuyên.

Phân loại và biến rác thành tài nguyên
Công dân Việt Nam tại Trung Đông vẫn an toàn

Ngày 14/4, theo thông tin của Đại sứ quán Việt Nam tại Israel và Đại sứ quán Việt Nam tại Iran, căng thẳng leo thang giữa Israel - Iran trong những ngày qua diễn biến phức tạp, tiếp tục leo thang.

Công dân Việt Nam tại Trung Đông vẫn an toàn
Return to top