Kiểm tra chéo là một giải pháp nhằm đánh giá khách quan, chính xác tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Chẳng hạn, ngành giáo dục thực hiện coi thi và chấm điểm chéo giữa các trường, các địa phương từ khá lâu; các khối thi đua ở địa phương hàng năm đều kiểm tra chéo, chấm điểm lẫn nhau, hoặc kiểm tra chéo giữa các bộ phận trong thực thi cùng một nhiệm vụ... Tuy nhiên, việc kiểm tra chéo lâu nay vẫn còn nặng tính hình thức. Nguyên nhân có nhiều, nhưng chủ yếu do cả nể “dễ tôi, dễ anh”, nhường nhau và thiếu quy chuẩn, phương tiện để phân tích, tổng hợp. Chưa kể, người được giao nhiệm vụ thiếu chuyên môn, tiêu cực... làm giảm hiệu quả của việc kiểm tra chéo, mất đi ý nghĩa của việc thi đua, khen thưởng. Thực tế cho thấy, vì thiếu kiểm tra chéo số liệu giữa các ngành, đơn vị mà dẫn đến nhiều hệ luỵ tiêu cực, như việc cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế cho nhiều đối tượng, trên phạm vi cả nước...
Trở lại vấn đề tai nạn giao thông ở nước ta, năm 2014 là năm thứ 3 liên tiếp, TNGT giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương. Cụ thể, từ ngày 16-12-2013 đến 15-12-2014, toàn quốc xảy ra 25.322 vụ, làm chết 8.996 người, bị thương 24.417 người. So với cùng kỳ năm 2013 giảm 4.063 vụ, giảm 373 người chết, giảm 5.083 người bị thương. Tại Thừa Thiên Huế, theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, năm 2014 trên địa bàn tỉnh xảy 843 vụ TNGT, làm chết 168 người, bị thương 840 người; so với cùng kỳ năm 2013, giảm 153 vụ (15,3%), giảm 3 người chết (1,75%), giảm 153 người bị thương.
Tuy nhiên, nhiều người lại tỏ ra nghi ngờ tính chính xác của các số liệu thống kê khi số lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng, TNGT diễn ra hàng ngày và mỗi một cơ quan đưa ra một con số khác nhau. Lý giải vấn đề trên, chủ yếu do mỗi cơ quan có chức năng khác nhau và họ chỉ thống kê những con số liên quan đến ngành, lĩnh vực mình. Chẳng hạn, lực lượng công an chỉ nắm được những vụ TNGT được báo, còn những trường hợp người gây tai nạn và người bị nạn tự thoả thuận giải quyết với nhau thì đành bó tay. Hoặc, ngành bảo hiểm chỉ nắm được số liệu các vụ TNGT mà họ phải thanh toán bảo hiểm; bệnh viện nắm số người bị TNGT phải nhập viện...
Theo đề án trên, cơ sở dữ liệu của các Bộ Công an, Giao thông Vận tải, Y tế và Cơ quan Bảo hiểm sẽ được kết nối để chia sẻ thông tin về tai nạn giao thông trên cả nước. Các kênh số liệu về TNGT từ Cảnh sát giao thông và Ban ATGT của các địa phương sẽ được cập nhật để kiểm tra chéo trong năm 2015; thống kê TNGT theo tiêu chuẩn quốc tế để khớp vào hệ thống chung. Khi đề án được triển khai, chắc chắn sẽ không còn đất cho các địa phương, các ngành muốn “ém” số liệu để đẹp bản thành tích.