ClockThứ Hai, 27/06/2022 15:47

Làm giàu bằng di sản

Sau thời gian dài gián đoạn do dịch bệnh COVID-19, cuối tuần qua, Festival Huế 2022 đã được khai màn với chương trình nghệ thuật mà ở đó, một lần nữa, những giá trị văn hóa, di sản đặc sắc lại được đánh thức, khơi gợi, lan tỏa.

Trước thềm lễ khai màn, trả lời phỏng vấn Báo Thừa Thiên Huế về tuần lễ Festival Huế 2022 (diễn ra từ 25 - 30/6), UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Festival Huế 2022 Nguyễn Thanh Bình thông tin, đây là kỳ festival đầu tiên được tổ chức theo hình thức bốn mùa.               

Việc chuyển Festival Huế sau 9 lần khai hội sang hình thức lễ hội bốn mùa trong năm 2022 được đánh giá là bước đi mới, có tính sáng tạo, nhằm khai thác hiệu quả hơn, hợp lý hơn tiềm năng, sản phẩm dịch vụ du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho công chúng thưởng lãm; thu hút du khách đến Huế vào nhiều thời điểm khác nhau trong năm. Theo đó, người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều hơn, khi lễ hội được tổ chức thường xuyên hơn thay vì chỉ có một mùa trong năm như trước.

Sau 10 lần tổ chức, có gì mới luôn là câu hỏi áp lực đối với thương hiệu Festival Huế. Không chỉ yêu cầu về tính mới lạ, câu hỏi về hiệu quả mà festival mang lại cho Huế và người dân được thụ hưởng đang là một trăn trở.

Mới đây, thông tin từ ngành du lịch cho thấy, 6 tháng đầu năm 2022, du lịch có bước phục hồi, với tổng thu từ du lịch ước đạt 1.119 tỷ đồng, tăng 20,8% so với cùng kỳ. Một tín hiệu vui khi lãnh đạo ngành du lịch cho rằng, các sự kiện, lễ hội được tổ chức thường xuyên, có tính định kỳ trong năm 2022 không chỉ giúp các loại hình nghệ thuật, văn hóa đặc trưng của Huế được quảng bá, giới thiệu mà còn giúp các hộ kinh doanh, cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch có thêm cơ hội để phát triển, mở rộng sản xuất, thu hút khách. Khi du lịch tăng sẽ kéo theo chuỗi các dịch vụ có cơ hội phục hồi, giúp người dân được hưởng lợi từ nông dân, tiểu thương, người lái xích lô, đến người bán hàng lưu niệm…

Là vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử, văn hóa và truyền thống, Huế đang lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật chất và tinh thần phong phú, đa dạng, đặc sắc. Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị xác định, xây dựng Huế thành đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường mà hạt nhân là TP. Huế - thành phố di sản văn hóa thế giới, thành phố festival, thành phố văn hóa ASEAN, thành phố xanh - sạch - sáng và thông minh...

Trên lộ trình này, việc tổ chức thành công các kỳ Festival Huế với quy mô quốc tế đã góp phần nâng cao vị thế văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế ở khu vực và quốc tế. Qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy nguồn tiềm năng lớn của Huế về di sản, văn hóa. Cùng với thương hiệu Festival Huế, nhiều giá trị văn hóa di sản của vùng đất Cố đô đã được đánh thức, tôn vinh, từ áo dài, nón lá, ẩm thực, âm nhạc cung đình, gốm Phước tích, nghề đan lát ở làng Bao La hay địa danh Cầu ngói Thanh Toàn cùng sản phẩm “Chợ quê ngày hội”…

Tuy nhiên, cùng với mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, trọng trách đặt lên vai mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế lớn hơn, đặc biệt trong việc tạo bước đột phá góp phần tạo nguồn thu, tạo công ăn việc làm, tăng trưởng ngân sách.

Làm gì để Huế có thể giàu lên một cách sang trọng bằng di sản văn hóa là yêu cầu cũng là mục tiêu đang dặt ra cho Huế mà việc tổ chức các lễ hội bốn mùa mới chỉ là bước đầu, của một lộ trình đòi hỏi sự đầu tư về cơ chế, chính sách, chiến lược… mà ở đó, vai trò chủ thể và sức sáng tạo của người dân phải thực sự được kích hoạt, trong chuỗi công nghệ văn hóa mà Huế hướng đến. 

KIM OANH 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hào quang thành phố di sản của Việt Nam

Việc xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương là quá trình nỗ lực, phấn đấu lâu dài từ năm 1996 của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thừa Thiên Huế. Và sau gần 30 năm, giờ đây ước nguyện và niềm mong mỏi ấy đã trở thành hiện thực.

Hào quang thành phố di sản của Việt Nam
Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế

Quyết định số 3979/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận "Nghề làm bún Vân Cù" trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc lĩnh vực Nghề thủ công truyền thống. Đây là tiền đề xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể với tầm nhìn quốc gia và quốc tế về di sản văn hóa ẩm thực Bún Huế trong thời gian tới.

Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế
Return to top