ClockThứ Sáu, 02/06/2023 10:20
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV:

Làm rõ hơn những thách thức và triển vọng để định hướng điều hành

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV đã dành 1,5 ngày thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. Đây là một trong những nội dung được đông đảo cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, theo dõi.

Ngày 1/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế xã hội và nhiều nội dung quan trọng khácNgày 31/5, Quốc hội dành cả ngày thảo luận về kinh tế - xã hộiTạo cơ chế để Thành phố Hồ Chí Minh phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, đã có 75 đại biểu Quốc hội phát biểu, có 13 đại biểu tham gia tranh luận, 6 Bộ trưởng các Bộ đã tham gia phát biểu giải trình thêm một số vấn đề có liên quan.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên họp sáng 1/6. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Làm rõ hơn những thách thức và triển vọng

Nhìn chung, không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm, các ý kiến phong phú, toàn diện, sâu sắc, thể hiện tâm huyết của các vị đại biểu đối với các vấn đề quan trọng của đất nước và các vấn đề mà đông đảo cử tri quan tâm.

Kinh tế nước ta đạt kết quả khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, năm 2022 GDP tăng trưởng 8,02%, cao nhất trong 10 năm qua. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế nhìn chung được bảo đảm; thu ngân sách nhà nước, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng.

Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt kết quả nổi bật. An sinh xã hội, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp được quan tâm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng được bảo đảm.

Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất với nhiều nội dung nêu trong Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, các tháng đầu năm 2023; đồng thời đề nghị triển khai các giải pháp thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023...

Trong thời gian họp, nhiều đại biểu nêu ra thực trạng nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với khó khăn, thậm chí phải rút khỏi thị trường lao động, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người lao động; những bất cập, hạn chế nổi lên từ quý IV/2022 và những tháng đầu năm 2023, đề nghị làm rõ hơn những thách thức và triển vọng của kinh tế Việt Nam năm 2023 để định hướng điều hành kinh tế vĩ mô phù hợp, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng và các mục tiêu kinh tế-xã hội năm 2023…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã giải trình, làm rõ về tình hình thực hiện các giải pháp và mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển thị trường, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, hỗ trợ phát triển xuất khẩu, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công đối với các chương trình mục tiêu quốc gia; thời gian và tiến độ hoàn thành các quy hoạch.

Liên quan đến nội dung được nhiều đại biểu quan tâm về giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là vấn đề bức xúc kéo dài, liên quan đến rất nhiều kỳ họp; đồng thời đã nêu một số giải pháp như: Rà soát lại quy định pháp luật, trong đó có Luật Đầu tư công và các nghị định hướng dẫn, những khâu có thể đẩy nhanh và rút ngắn, sẽ kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; đẩy mạnh hoạt động của các tổ công tác; đẩy nhanh tiến độ công việc liên quan đến kiểm đếm, giải phóng mặt bằng; kịp thời rà soát, điều chuyển vốn dự án triển khai chậm sang dự án triển khai nhanh; điều chuyển cán bộ có tâm lý né tránh, đùn đẩy trách nhiệm...

Bộ trưởng cũng đề nghị đại biểu Quốc hội tăng cường công tác giám sát tại địa phương mình, ngành mình, đơn vị mình để cùng Chính phủ cải thiện tốt công tác này trong thời gian tới.

Về ý kiến của một số đại biểu đề nghị kéo dài thời gian thực hiện chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chỉ có hiệu lực cho đến hết năm nay. Theo Bộ trưởng, vấn đề là phải làm mọi cách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tăng cường năng lực của doanh nghiệp, tăng năng lực của nền kinh tế. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả bằng việc tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, tạo ra thị trường tốt hơn sẽ có tác dụng lớn hơn việc giảm thuế.

Liên quan đến đề xuất đưa ô tô vào diện được giảm thuế VAT 2%, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, ô tô là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, không thuộc phạm vi của Nghị quyết 43 nên không nằm trong diện được giảm thuế. Chính sách này tập trung giảm thuế cho những lĩnh vực thiết yếu. 

Để không gây lãng phí cho nền kinh tế

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An - Cần Thơ đánh giá, Nghị quyết 43 của Quốc hội về giảm 2% thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp chính là giảm chi phí cho người tiêu dùng, góp phần kích cầu tiêu dùng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng doanh số bán hàng, đồng thời có thêm nguồn vốn, động lực để sản xuất kinh doanh trong lúc khó khăn.

Cử tri nhiều địa phương rất quan tâm đến những ý kiến về nhóm vấn đề công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt là lãng phí trong công tác đầu tư công. Ông Bon Yo Soan, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng cho rằng, việc chậm trễ trong công tác giải ngân vốn đầu tư công đã gây lãng phí đối với nền kinh tế, người dân không được hưởng lợi từ các công trình, dự án khi bị chậm tiến độ.

“Tôi rất hy vọng Quốc hội và Chính phủ sẽ có giải pháp cụ thể, thiết thực thông qua những chương trình hành động để cải cách hành chính, tháo gỡ vướng mắc cho công tác giải ngân vốn đầu tư công, qua đó đáp ứng nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ việc phục hồi, phát triển kinh tế ngày càng mạnh mẽ hơn”, cử tri Bon Yo Soan chia sẻ.

Cuối phiên thảo luận ngày 1/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã giải trình, làm rõ vấn đề lãi suất cho vay cao, điều hành nới room tín dụng; tình trạng doanh nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng; việc xử lý các ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém.

Về triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành dành nhiều thời gian để triển khai gói này. Tuy nhiên, kết quả vẫn thấp do tâm lý e ngại của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khó có thể đánh giá như thế nào là có khả năng phục hồi. Trước tình hình đó, Chính phủ trình Quốc hội để chuyển nguồn này (khoảng 24.000 tỷ đồng) cho giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).

Đối với gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng, đây là gói thực hiện đến năm 2030. Nguồn vốn do chính 4 ngân hàng thương mại nhà nước huy động, lãi suất giảm từ 1,5-2% cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay.

“Nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cao nhưng nhu cầu vay là một vấn đề bởi quyết định vay để mua một căn hộ là do người dân. Vấn đề này sẽ được triển khai trong thời gian tới. Đặc biệt trong Luật Nhà ở trình Quốc hội kỳ này cho phép các doanh nghiệp mua nhà để bố trí nhà ở cho công nhân. Đây là điểm tích cực để các gói này được tăng dư nợ giải ngân", Thống đốc cho biết.

Trong 1,5 ngày, một số thành viên Chính phủ đã giải trình, làm rõ việc thực hiện cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, kỷ luật, kỷ cương công chức, công vụ; nguyên nhân và giải pháp đối với tình trạng một bộ phận cán bộ công chức né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ; việc thể chế hóa chủ trương bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; về tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư, thiết bị y tế vẫn chưa được giải quyết dứt điểm; việc bố trí ngân sách giữa Trung ương và địa phương trong mua vaccine; về tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy; việc triển khai gói tín dụng nhà ở xã hội; về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc đầu tư các nguồn điện tái tạo…

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến phát biểu tại hội trường, các ý kiến thảo luận tại tổ để đưa vào các nội dung quan trọng về kinh tế-xã hội, Ngân sách Nhà nước và chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam vào Nghị quyết chung của kỳ họp, gửi đại biểu Quốc hội cho ý kiến và trình Quốc hội xem xét thông qua.

Theo TTXVN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giúp phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế

Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ là một trong những nội dung quan trọng của dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” mà Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã và đang triển khai.

Giúp phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế
Kinh tế thế giới đi lên từ suy thoái đến phục hồi

Suy thoái kinh tế được nhận định là một thách thức to lớn và thường xuyên xảy ra trong suốt chiều dài lịch sử. Từ cuộc đại suy thoái đến đại dịch COVID-19 gần đây, các quốc gia đã phải đối mặt với những giai đoạn khó khăn khi định hình lại các cấu trúc và đòi hỏi phải can thiệp chính sách chiến lược.

Kinh tế thế giới đi lên từ suy thoái đến phục hồi
Return to top