Kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX là một thành phần quan trọng của nền kinh tế nước ta. Trước đây, HTX có mặt ở hầu hết các lĩnh vực, địa bàn, nhất là khu vực nông thôn, HTX đóng vai trò chủ đạo trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, với sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, nhiều HTX không theo kịp sự phát triển dần “teo” lại, hoạt động cầm chừng, hiệu quả thấp.
Với sự ra đời Luật HTX 2012, các HTX có nhiều đổi mới về tổ chức, năng động hơn trong hoạt động, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hỗ trợ và cung ứng các dịch vụ thiết yếu cho các thành viên, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng thu nhập cho các thành viên. Nổi bật là việc xuất hiện những mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập của người dân, được các thành viên HTX tin cậy, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo việc làm cho người lao động địa phương.
Thực tế trên địa bàn tỉnh, một số HTX đã liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất lúa giống, gạo hữu cơ, nuôi heo sinh học như ở Hương Thủy, Quảng Điền, Phong Điền; một số HTX thực sự làm chỗ dựa cho nông dân khi tổ chức vùng sản xuất, thu mua, chế biến sâu vừa giải quyết đầu ra cho nông dân vừa góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, như sản phẩm rau má ở Quảng Điền. Với các HTX tiểu thủ công nghiệp, vai trò bà đỡ của các HTX càng thể hiện rõ nét khi tổ chức đào tạo nghề cho các thành viên, sáng tạo mẫu mã, tìm nguồn vốn ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất, kết nối thị trường giải quyết đầu ra sản phẩm, đảm bảo thu nhập cho các thành viên.
Các mô hình trên, tuy ở nhiều cấp độ khác nhau nhưng đã phát huy được vai trò của các HTX trong liên kết gắn với chuỗi giá trị, không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của các thành viên, mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Tuy nhiên, các mô hình trên chưa thật sự phổ biến và chiếm tỷ lệ chưa cao, thiếu tính bền vững.
Trong bối cảnh sản xuất hàng hóa phát triển mạnh, việc áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất là một yêu cầu cấp thiết đặt HTX trước những cơ hội mới nhưng cũng đầy thách thức. Vai trò “bà đỡ” của các HTX không chỉ dừng lại làm dịch vụ đơn thuần mà phải là người quy hoạch, định hướng, tổ chức từ sản xuất đến việc bảo quản, chế biến và tìm kiếm thị trường thụ. Vì vậy, liên kết theo chuỗi giá trị không chỉ là yêu cầu, mà còn là giải pháp có tính sống còn trong hoạt động của HTX, đáp ứng xu thế sản xuất hàng hóa hiện nay.
Yêu cầu là vậy, nhưng với năng lực hiện tại nhỏ về quy mô, khó về nguồn vốn, yếu về đội ngũ, các HTX khó có thể đảm đương được sứ mệnh này. Để vượt qua thách thức, cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các HTX cần năng động huy động các nguồn lực đầu tư để theo kịp sự thay đổi của công nghệ, thị trường; đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để tạo sự đột phá trong tư duy, cách nghĩ, cách làm. Đồng thời, đẩy mạnh mối liên kết giữa các thành viên với HTX, HTX với HTX và HTX với doanh nghiệp, nhà trường, viện nghiên cứu để tổ chức lại vùng sản xuất có quy mô, nhận chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.
Hoàng Minh