ClockChủ Nhật, 24/05/2020 16:01

Liên kết sản xuất để tăng giá trị hải sản

TTH.VN - Những năm gần đây, hải sản dần mất giá trị khiến ngư dân gặp khó khăn. Trước tình hình đó, cơ quan chức năng khuyến cáo cần nâng hiệu quả chế biến, đa dạng hóa sản phẩm để tạo ra tính bền vững.

Cá ngừ - ngành công nghiệp sinh lợi ở Đông Nam ÁNuôi trồng thủy sản an toàn: Hướng đi bền vữngBỏ quy định hoàn thuế giá trị gia tăng tàu khai thác hải sản đóng mới 400 CV trở lên

Hải sản của ngư dân phụ thuộc vào thương lái chứ chưa được liên kết tiêu thụ nên giá cả bấp bênh

Giá trị thụt lùi

Hạn mức tàu đánh bắt xa bờ của trung ương phân bổ cho Thừa Thiên Huế đã lấp đầy, đồng nghĩa với việc ngư dân các địa phương trên toàn tỉnh vẫn nỗ lực bám biển.

Trong giai đoạn ảnh hưởng dịch COVID-19, sản xuất biển vẫn duy trì, nhiều tàu đánh bắt xa bờ vươn khơi dài ngày. Ở vùng biển lộng, một số thời điểm, ngư dân trúng đậm ruốc, cá rò mang lại thu nhập khá. Song, cùng với các ngành kinh tế khác, khai thác biển đang gặp khó.

Khoảng hai năm trở lại đây, chi phí xăng dầu tăng cao, trong khi đó giá hải sản liên tục sụt giảm nên sản lượng sau chuyến đánh bắt cao nhưng thu nhập của ngư dân chẳng đáng là bao. “Đầu năm đến nay, giá xăng dầu giảm sâu nhưng sản phẩm đầu ra yếu khiến ngư dân chúng tôi tiếp tục khó khăn”, ông Trần Văn Hùng (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) cho biết.

Sau kỳ nghỉ trăng, ông Hùng cùng bạn tàu quyết định vươn khơi đánh bắt. Bằng nghề lưới vây truyền thống cộng với sự đầu tư về các thiết bị hiện đại như, máy dò cá, giám sát hành trình…tàu ông trở về với sản lượng không phải là thấp. Những mẻ cá được thương lái mua tận cảng, nhưng giá trị lại không như thường nhật. “Mỗi kg cá nục chỉ trên dưới 10 nghìn đồng, sau khi trừ chi phí xăng dầu, nhân công bạn tàu, số tiền còn lại không bao nhiêu”, ông Hùng nói.

Sản phẩm của ngư dân đang được các đầu mối tiêu thụ hải sản thu mua, tuy nhiên những cơ sở đó chỉ mang tính trung gian, không đủ mạnh để kích thích năng lực đánh bắt của ngư dân.

Thống kê của Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản thủy sản tỉnh cho thấy, ngoài các cở sở cấp đông, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy hải sản tại Thừa Thiên Huế không quá mặn mà với sản phẩm tại địa phương. “Những doanh nghiệp xuất khẩu khi thu mua sản phẩm yêu cầu nhiều yếu tố, từ nguồn gốc đến chất lượng, quy mô. Sản phẩm hải sản trên địa bàn tỉnh hầu như chưa đáp ứng được những yêu cầu đó. Điều đó cho thấy giá trị sản phẩm không cao”, Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng nông lâm sản thủy sản tỉnh Hồ Đăng Khoa nhận định.

Không phủ nhận một số thời điểm, ngư dân được mùa được giá nhưng nhìn chung giá trị hải sản đang thụt lùi. Những cơ sở thu mua, cấp đông tồn đọng lượng hàng lớn khiến giá trị hải sản chuyển dịch theo hướng bất lợi cho ngư dân. Không chỉ Thừa Thiên Huế mà đây là thực trạng chung của cả nước, mặc dù tổng sản lượng khai thác biển tăng so với cùng kỳ.

Đánh giá về nguyên nhân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho rằng, chính những yêu cầu mới, trong thời kỳ hội nhập khiến giá trị của sản phẩm ngư dân giảm sút. “Năm 2019, giá xăng dầu cao, giá cá rẻ khiến thu nhập sau chuyến đánh bắt của ngư dân giảm sâu. Từ đầu năm đến nay, ảnh hưởng dịch COVID-19, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp khiến ngư dân tiếp tục khó khăn. Ngoài ra, Trung Quốc đang hạn chế nhập khẩu sản phẩm theo đường tiểu ngạch tác động rất lớn đế giá trị hải sản trong nước, trong đó có Thừa Thiên Huế”, ông Phương phân tích.

Các cơ sở chế biến sản phẩm có sự phát triển nhưng vẫn chưa tận dụng hết nguồn nguyên liệu tiềm năng từ các tàu đánh bắt xa bờ

Cần hướng đến chuỗi sản phẩm hải sản

Trước những khó khăn hiện nay, mới đây, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) khuyến cáo các cơ sở chế biến cần tập trung đẩy mạnh chế biến hải sản. Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm thủy sản chế biến sẵn.

Tại Thừa Thiên Huế, chế biến thủy hải sản đang từng bước phát triển, ít nhiều gỡ khó cho sản phẩm của ngư dân. Ở nhiều địa phương vùng ven biển, các sản phẩm chế biến từ hải sản cũng đã định hình, được thị trường trong và ngoại tỉnh đón nhận. Bà Nguyễn Thị Tuyết (xã Phú Diên, huyện Phú Vang) chia sẻ: “Hằng năm, cứ vào mùa cá trích, cá nục, gia đình tôi mua hàng chục tạ nguyên liệu để làm mắm. Mới đây, ngư dân địa phương được mùa ruốc, tôi mua cả tấn ruốc với giá từ 7-10 nghìn đồng/kg (ruốc tươi) để chế biến, sau khi thành phẩm bán với sĩ hoặc lẻ với giá 20 nghìn đồng/kg. Sản phẩm chủ yếu tiêu thụ trọng tỉnh và một số tỉnh lân cận”.

Những cơ sở chế biến như bà Tuyết hiện rất phổ biến và năng lực sản xuất cũng đã cải thiện đáng kể, song rất ít sản phẩm được xuất khẩu với quy mô lớn để giải quyết vùng nguyên liệu tiềm năng từ những tàu cá đánh bắt xa bờ trên địa bàn. Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản thủy sản tỉnh Hồ Đăng Khoa cho rằng, để tăng quy mô, giải quyết bài toán vùng nguyên liệu phải xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hải sản. “Trong các yếu tố cấu thành chuỗi sản phẩm, nguồn gốc, quy mô vùng nguyên liệu rất quan trọng. Với tàu đánh bắt xa bờ đó là vùng, vị trí đánh bắt. Chúng tôi đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chuỗi tiêu thụ sản phẩm, nhưng trước mắt các tàu cá phải đảm bảo đúng pháp luật trong nước lẫn quốc tế khi đánh bắt, từ đó dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm”, ông Khoa cho biết.

Liên quan đến việc định hình vùng nguyên liệu hải sản, Chi cục Thủy sản tỉnh đã tổ chức rà soát, đánh giá lại năng lực khai thác của tàu đánh bắt xa bờ. Để đảm bảo những quy định quốc tế, cần vận động ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Và đây là bước đầu để tạo ra sự tin cậy về nguồn gốc sản phẩm hải sản, hướng đến nghề cá bền vững và xây dựng chuỗi sản phẩm trong tương lai.

Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã xây dựng các phương án, kịch bản, tổ chức rà soát, đánh giá hoạt động của chuỗi liên kết sản xuất thủy sản, tham mưu xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển các hình thức liên kết chuỗi khai thác. Đối với tàu đánh bắt không hiệu quả, Bộ cũng khuyến cáo ngừng khai thác để nâng cấp, cải hoán tàu cá.

Bài, ảnh: L.Thọ

  

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

12 thuyền viên trên tàu cá bị nạn đã được đưa vào bờ an toàn

12 thuyền viên tàu cá bị nạn mang số hiệu TTH-95294-TS do ông Trần Minh Khánh (trú tại thôn 6, xã Vinh Thanh, Phú Vang làm chủ tàu) đã được tàu cá mang số hiệu TTH-91199-TS do ông Trần Văn Khanh (trú tại Vinh Thanh, Phú Vang) đưa vào bờ an toàn lúc 23h45 ngày 5/11.

12 thuyền viên trên tàu cá bị nạn đã được đưa vào bờ an toàn
Cháy tàu cá trong đêm, nhiều ngư dân thoát nạn

Sáng 5/11, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, cho biết lực lượng này đã nhận được thông tin về việc một tàu cá của ngư dân khi đang hoạt động đánh bắt thủy hải sản trên biển thì bị bốc cháy dữ dội.

Cháy tàu cá trong đêm, nhiều ngư dân thoát nạn
Chống khai thác hải sản bất hợp pháp

Ngành nông nghiệp phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thường xuyên kêu gọi, hướng dẫn và cảnh báo kịp thời chủ tàu có dấu hiệu khai thác sai vùng, sai tuyến; tàu cá có dấu hiệu vượt ranh giới vùng biển thuộc quyền quản lý của Trung Quốc không rõ nguyên nhân.

Chống khai thác hải sản bất hợp pháp
Hướng dẫn quản lý tàu cá có chiều dài dưới 12 mét

Ngành nông nghiệp tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền công tác quản lý tàu cá có chiều dài dưới 12 mét, hoạt động khai thác thủy hải sản cho lãnh đạo, chuyên viên phụ trách các ban ngành chức năng trên địa bàn tỉnh, diễn ra từ ngày 24-26/8.

Hướng dẫn quản lý tàu cá có chiều dài dưới 12 mét

TIN MỚI

Return to top