Nhân viên Công ty Công viên cây xanh Huế cắt tỉa cành trong kế hoạch thường xuyên
Hàng trăm cây xanh ngã đổ, bật gốc
Trong cơn bão số 10 vừa qua, Trung tâm Công viên cây xanh Huế (TTCVCX) cho biết có 80 cây xanh bị bật gốc, 120 cây có cành, nhánh bị gãy; trong đó có một số cây nằm trên các tuyến đường đang thi công dự án cải tạo môi trường nước (DACTMTN). Nguyên nhân cây bật gốc theo đơn vị này là do đất bị xói mòn.
Một trong số các vụ cây đổ nói trên khiến một ô tô công vụ bị hư hỏng nặng, tài xế may mắn thoát chết. Cụ thể, chiếc xe này đang lưu thông trên đường theo hướng Phạm Văn Đồng – Bà Triệu, khi qua cầu Vĩ Dạ thì bị cây gãy đổ đè lên khiến xe bị lún phần trần. Thời điểm xảy ra tai nạn có nhiều người qua lại. “Vụ việc khiến mọi người xung quanh giật mình, cũng may trần chiếc xe ô tô chắc chắn, chứ nếu là người đi xe máy thì không biết chuyện gì xảy ra”, một người dân sống cạnh vị trí cây đổ bày tỏ.
Đại diện TTCVCX cho rằng, cây gãy đổ nói trên không nằm trong sự quản lý của đơn vị. “Cây xanh nằm trong nhà dân, dọc theo thành cầu thì liên quan đến đường bộ. Tuy vậy cũng là bài học về quản lý cây xanh trong mùa mưa bão với chúng tôi”, một đại diện TTCVCX nhìn nhận.
Theo thống kê từ TTCVCX, hiện trên toàn thành phố có khoảng 64.000 cây xanh nằm trong sự quản lý của đơn vị, phổ biến nhất là phượng đỏ, phượng vàng, bằng lăng, long não, muối, lim sẹt, muồng hoa đào, muồng xiêm...
Về công tác bảo vệ cây xanh, ông Nguyễn Văn Quy, Trưởng phòng Kỹ thuật-TTCVCX cho hay: Tính đến tháng 8, công ty đã mé gần 1.600 cây, chặt hạ 128 cây. Những cây nằm trong diện chặt hạ chủ yếu là cây bị bộng thân, mục gốc, già cỗi, thoái hóa bộ rễ... Sau khi chặt hạ sẽ cho trồng mới để đảm bảo mỹ quan đô thị, tạo không gian xanh và đảm bảo an toàn cho người đi đường”.
Một trong những nguyên nhân khiến người dân lo lắng khi thi công DACTMTN phần nào làm ảnh hưởng đến hệ thống cây xanh đô thị.
Chuyên gia cây xanh Đỗ Xuân Cẩm, cựu giảng viên Trường ĐH Nông lâm – ĐH Huế cho rằng, DACTMTN nếu thi công ở phía dưới lòng đường sẽ không mấy ảnh hưởng đến hệ thống cây xanh. Những tuyến nào không làm ở lòng đường mà làm ở vỉa hè sẽ khó tránh phải việc cắt rễ cây. Điều này chắc chắn ít nhiều làm cây bị ảnh hưởng, tổn thương về lâu dài. Nghiêm trọng hơn sẽ làm thối rễ, dần thối lên thân, khi gặp gió bão sẽ bị lệch, mất cân đối, dễ ngã, đổ.
Một cây xanh nằm ở khu vực nhà dân gãy đổ ra đường đè lên xe ô tô, tài xế thoát chết trong đợt bão số 10 vừa qua. Đây là lời cảnh báo đối với việc quản lý cây xanh trong mùa mưa bão
Trách nhiệm thuộc về ai?
Trả lời câu hỏi, nếu trường hợp cây xanh nằm trong sự quản lý của TTCVCX nếu gãy đổ, gây ảnh hưởng đến nhà dân và người đi đường thì trách nhiệm thuộc về ai? Ông Quy cho hay, khu vực đơn vị quản lý chưa khi nào xảy ra tình trạng cây xanh gãy đổ gây ảnh hưởng nên rất khó nói. Nếu cây xanh gãy đổ vào những ngày thường thì đơn vị sẽ có một phần trách nhiệm bởi là đơn vị được giao chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh. Trong thời gian bão lũ việc cây xanh gãy đổ tính vào chuyện thiên tai. Một khi gọi là thiên tai thì người ảnh hưởng phải chịu trách nhiệm, bởi trước đó đã có thông báo về việc hạn chế ra đường. Những trường hợp như vậy, đơn vị chỉ thăm hỏi, động viên. Khi được hỏi về quỹ bồi thường những thiệt hại do cây xanh gãy đổ gây ra, ông Quy cũng cho biết là chưa có.
Theo Luật gia Nguyễn Anh Tâm, Công ty Luật Công Khánh (TP. Huế), Điều 604 Bộ luật dân sự (BLDS) 2015 quy định: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra”. Nếu cây cối thuộc quyền quản lý của một người dân cụ thể, vừa là chủ sở hữu đồng thời là người chịu trách nhiệm quản lý, trông coi cây cối thì chủ sở hữu phải tuân theo quy định Khoản 1 Điều 177 BLDS 2015. Trường hợp cây cối, công trình xây dựng có nguy cơ sập đổ xuống bất động sản liền kề và xung quanh (BĐSLK&XQ) thì chủ sở hữu tài sản thực hiện ngay các biện pháp khắc phục, chặt cây, sửa chữa hoặc dỡ bỏ công trình xây dựng đó theo yêu cầu của chủ sở hữu BĐSLK&XQ hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trường hợp không tự nguyện thực hiện thì chủ sở hữu BĐSLK&XQ có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho chặt cây, phá dỡ. Chi phí chặt cây, phá dỡ do chủ sở hữu cây cối, công trình xây dựng chịu. Việc không quản lý cây cối mà gây nên thiệt hại thì chủ sở hữu phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại.
Trường hợp cây xanh ở đô thị thuộc tài sản của Nhà nước, hoạt động quản lý cây xanh đô thị tuân theo quy định tại Điều 18, 19 Nghị định 64/2010/NĐ-CP, ngày 11/06/2010. Những đơn vị thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh được UBND cấp huyện yêu cầu và giao nhiệm vụ thực hiện có kế hoạch xử lý đối với cây nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho người dân. Trường hợp có thiệt hại xảy ra mà thỏa mãn các điều kiện về yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì người bị thiệt hại có quyền yêu cầu đơn vị dịch vụ về quản lý cây xanh bồi thường thiệt hại, bởi trách nhiệm trông coi, quản lý cây cối được chuyển từ chủ thể sở hữu – Nhà nước sang cho đơn vị dịch vụ; khi thực hiện nhiệm vụ, đơn vị dịch vụ đã có lỗi để cây cối gây thiệt hại cho người xung quanh, không kịp thời phát hiện ra tình trạng nguy hiểm để có những biện pháp khắc phục phù hợp.
Các chi phí, mức bồi thường được quy định tại Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Trong trường hợp các bên (chủ sở hữu cây cối, đơn vị dịch vụ, người thiệt hại/đại diện hợp pháp của người thiệt hại) không thống nhất việc bồi thường thì có thể khởi kiện tại tòa án nhân dân có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Dự án cải tạo môi trường nước có ảnh hưởng đến cây xanh?
Theo ông Nguyễn Văn Quy, Trưởng phòng Kỹ thuật-TTCVCX việc thi công DACTMTN phần nào ảnh hưởng đến hệ thống cây xanh ở một số tuyến đường bờ nam thành phố, nhưng nằm trong tầm kiểm soát, giới hạn cho phép. Theo ông Quy, trong quá trình phóng tuyến, nếu ảnh hưởng đến cây xanh nằm trên vỉa hè, đơn vị kiến nghị với chủ đầu tư cho lách xuống lòng đường như các tuyến Phan Đình Phùng, Phan Châu Trinh, Nguyễn Khuyến...
Trong quá trình thi công, một số nhà thầu đã đào sát gốc khiến cây bị nghiêng cũng được TTCVCX buộc chống dựng lại, và đều lập biên bản chịu trách nhiệm đền bù nếu cây hư hỏng. “Thi công đến đoạn đường nào chúng tôi sẽ theo dõi đến đó, có thể ảnh hưởng đến cành nhánh nhưng tuyệt đối không được làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến bộ rễ của cây. Một số trường hợp bất khả kháng buộc di dời cây thì phải thành lập hội đồng rõ ràng”, ông Quy khẳng định.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh, Giám đốc Ban quản lý DACTMTN cho rằng, trong quá trình triển khai thực hiện DA không thể tránh được sự xung đột, tuy nhiên nói như vậy không phải là làm một cách ào ạt, bất chấp. Ý thức được việc đó, nên khi thực hiện DA đơn vị luôn cân nhắc làm sao vừa đảm bảo vận hành tốt DA, hài hòa tất cả lợi ích kinh tế trong quá trình thi công, vừa hạn chế tác động hạ tầng điện, nước, viễn thông và cây xanh.
Quá trình thi công DA, cũng ảnh hưởng đến hệ thống rễ, chủ yếu là rễ chùm nên đã buộc các nhà thầu thi công nhanh, hạn chế thi công bằng cơ giới mà chủ yếu thi công bằng phương tiện thủ công. Tất cả cây cũng được chằng chống, và luôn có sự giám sát của các đơn vị liên quan. Mùa mưa bão, Ban quản lý dự án cũng đề nghị các đơn vị thi công hạn chế thấp đào, mở tuyến đối với những vị trí đe dọa đến sự an toàn của cây xanh.
|
Bài, ảnh: PHAN THÀNH