Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại buổi gặp mặt
Đại diện Ban Điều phối viện trợ nhân dân (thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam), Cục Ngoại vụ - Bộ Ngoại giao, đại diện các tổ chức PCPNN và các sở ban ngành tham dự buổi gặp mặt.
125 khoản viện trợ, tổng vốn cam kết gần 12 triệu USD
Theo thống kê từ Sở Ngoại vụ, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 108 tổ chức PCPNN đăng ký hoạt động. Trong đó có 49 tổ chức thuộc châu Mỹ, 44 tổ chức thuộc châu Âu, 7 tổ chức thuộc châu Úc, 5 tổ chức thuộc châu Á và 3 tổ chức phi chính phủ quốc tế.
Trong số đó, có 20 tổ chức PCPNN có văn phòng dự án hoặc địa chỉ liên lạc với vai trò điều phối các chương trình đang triển khai trên địa bàn tỉnh, tổng số nhân viên thường trực là 142 người bao gồm 140 nhân viên Việt Nam và 2 chuyên gia nước ngoài.
Bà Đỗ Thị Mỹ Châu, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ cho hay, số lượng hồ sơ dự án được tiếp nhận thẩm định thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính (thời điểm trước tháng 9/2020) là 125 khoản viện trợ từ các tổ chức PCPNN với tổng vốn cam kết gần 12 triệu USD. Nhìn chung tăng so với giá trị viện trợ cùng kỳ năm trước đặc biệt trong bối cảnh thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 (giai đoạn 2016-2018 là 106 dự án với giá trị vận động 11 triệu USD).
Các khoản viện trợ tiếp tục được triển khai trên nhiều lĩnh vực, trong đó chủ yếu tập trung vào 6 nhóm lĩnh vực chính: Khắc phục hậu quả thiên tai lũ lụt và dịch bệnh COVID-19; Giảm thiểu nguy cơ bom mìn, giáo dục - đào tạo; Giải quyết các vấn đề xã hội; Môi trường; Bảo tồn trùng tu di tích; Phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tỉnh đã nhận được nhiều sự hỗ trợ tích cực và có ý nghĩa thiết thực từ các tổ chức PCPNN trong công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh như nhu yếu phẩm, tiền mặt hỗ trợ trực tiếp cho các hộ dân, vật tư y tế, nhu yếu phẩm, tập huấn phòng chống dịch bệnh…
Theo bà Châu, nhìn chung các tổ chức PCPNN đã thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành về thủ tục đăng ký hoạt động tại Việt Nam, thủ tục báo cáo định kỳ sáu tháng và hàng năm, tuyển chọn, sử dụng người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức…
Từ năm 2019-2021, trên địa bàn tỉnh đã diễn ra 138 hội nghị, hội thảo có yếu tố nước ngoài với sự tham gia của hơn 18.000 người Việt Nam và hơn 600 người nước ngoài.
Trong 3 năm qua, Sở Ngoại vụ đã tiếp nhận và thẩm định hồ sơ đề nghị Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh - Công an tỉnh xem xét cấp giấy phép vào khu vực cấm, khu vực biên giới cho 33 đoàn/260 lượt người của các tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý của UBND tỉnh.
Hầu hết các đoàn được tỉnh cấp phép vào khu vực biên giới thuộc các xã biên giới của các huyện: A Lưới, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, thị xã Hương Trà với mục đích nghiên cứu sinh học, thực địa rừng, hoạt động thiện nguyện, thăm các dự án đang được thực hiện, tìm hiểu văn hóa.
Mong nhận được nguồn lực đóng góp vào lĩnh vực mà tỉnh quan tâm
Bên cạnh rất nhiều thuận lợi, theo bà Châu, công tác vận động và quản lý hoạt động của các tổ chức PCPNN vẫn gặp một số khó khăn. Cụ thể, thông tin cập nhật về tình trạng cấp giấy đăng ký cho các tổ chức PCPNN đôi lúc còn chưa kịp thời và đầy đủ. Một số các tổ chức PCPNN chưa thực hiện nghiêm túc việc gửi thông báo hoạt động cho địa phương sau khi được cấp mới hoặc được gia hạn giấy đăng ký theo quy định.
Vẫn còn tình trạng các đơn vị tại địa phương tiếp nhận chương trình/dự án chưa thực hiện nghiêm túc việc phê duyệt, tiếp nhận khoản viện trợ, báo cáo tình hình sử dụng vốn viện trợ hoặc chỉ báo cáo khi có cơ quan chức năng yêu cầu. Công tác ghi thu ghi chi đối với khoản viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách còn gặp nhiều khó khăn do số lượng hồ sơ gửi Sở Tài chính để yêu cầu xác nhận viện trợ còn rất thấp.
Ngoài ra, do tác động của dịch COVID-19, một số tổ chức PCPNN có địa bàn hoạt động tại tỉnh không thể triển khai các chương trình, dự án theo kế hoạch dự kiến hoặc triển khai chậm trễ so với kế hoạch đề ra, một số tổ chức thông báo tạm dừng nguồn viện trợ do khó khăn trong việc vận động nguồn vốn…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình trao tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCPNN
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình chia sẻ, trong thời gian qua, Thừa Thiên Huế đã có có những bước trở mình mạnh mẽ, đang thực hiện mục tiêu lớn trong đó có xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc trung ương trước năm 2025.
Những năm qua, tỉnh đã quyết liệt thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Huế trở thành trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ và thực hiện công tác chuyển đổi số, cải cách hành chính.
Đặc biệt, trong bức tranh phát triển kinh tế xã hội đã đảm bảo được an sinh xã hội cho người dân, giải quyết được tác động của dịch bệnh. “Điều này thể hiện sự đoàn kết đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thừa Thiên Huế. Trong đó, có sự đóng góp rất lớn từ các tổ chức quốc tế, PCPNN”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thanh Bình mong muốn có nhiều nguồn lực đóng góp hơn nữa từ các tổ chức PCPNN để hỗ trợ cho địa phương. Trong đó, tập trung vào một số lĩnh vực mà tỉnh rất quan tâm trong thời gian tới như môi trường, sinh kế cho người dân, những hoàn cảnh yếu thế, biến đổi khí hậu, giải quyết hậu quả chiến tranh, thiên tai…
Bên cạnh đó, còn Huế là trung tâm văn hóa, giáo dục, y tế nên cũng mong các tổ chức PCPNN nghiên cứu hỗ trợ thêm ở các lĩnh vực này. Ngoài ra, ông Bình cũng đề nghị các cơ quan ban ngành hợp tác tốt với các tổ chức PCPNN để tổ chức tốt công tác quản lý, tiếp nhận, triển khai.
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh đã trao bằng khen cho 12 tập thể, 18 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCPNN.
N. MINH