Không biết định nghĩa về sản phẩm quốc gia là như thế nào, ở lĩnh vực nào, tiêu chí ra sao… nhưng có thể hiểu, đó là những sản phẩm có mức độ ảnh hưởng lớn, ít nhất là tầm quốc gia, chứ chưa nói đến tầm quốc tế. Một khi nhắc đến sản phẩm đó, người ta biết ngay đó là của vùng nào, tỉnh nào, nước nào. Quy mô sản xuất và tiêu thụ của sản phẩm cũng ở mức độ lớn. Một sản phẩm mang tầm vóc quốc gia không thể có doanh thu nhỏ được. Chẳng hạn như khi nói đến Samsung, người ta nhận biết ngay đó là sản phẩm của xứ sở Kim chi. Nói đến Toyota, người ta biết ngay là của Nhật, nói đến Apple, người ta biết ngay sản phẩm của Mỹ…
Ở Việt Nam, sau một quá trình phát triển, nền kinh tế đã cho ra đời những thương hiệu mạnh, có nhiều tập đoàn lớn mang tầm vóc quốc tế. Chúng ta tự hào về điều này, vì việc đó cũng đồng nghĩa với Việt Nam ngày càng có nhiều doanh nhân mang khát vọng lớn lao để xây dựng đất nước.
Là một tỉnh miền Trung với quy mô nền kinh tế còn nhỏ, nền sản xuất phần lớn vẫn phụ thuộc vào tài nguyên, hàm lượng khoa học kỹ thuật chưa cao… nên có lẽ để có những sản phẩm mang tầm vóc lớn lao vẫn là khát vọng. Chúng ta chỉ “dám” xây dựng những sản phẩm có sức ảnh hưởng, sự nhận biết rộng và tính cạnh tranh cao ở quy mô quốc gia, điều đó cũng đã là quá tốt!
Trong kế hoạch nói trên, UBND tỉnh đã giao trách nhiệm cụ thể cho các ngành “thực hiện đánh giá hiện trạng các sản phẩm chủ lực của tỉnh để nghiên cứu, đề xuất bổ sung sản phẩm quốc gia”. Có thể thấy, sản phẩm quốc gia mà Thừa Thiên Huế đang xây dựng hướng đến là một sản phẩm cụ thể (có thể là ở các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp…) chứ không phải là ở lĩnh vực dịch vụ! Một khi đã được chọn và đạt danh hiệu sản phẩm quốc gia thì sẽ có nhiều lợi thế. Ngay trong kế hoạch của UBND tỉnh cũng đã chỉ rõ: “Doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ, tổ chức thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; được khuyến khích và ưu tiên mang sản phẩm quốc gia tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế, các chương trình xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia…”.
Qua quá trình phát triển, vùng đất Cố đô đã xây dựng được thương hiệu cho riêng mình, tức là Huế đã xây dựng những dấu hiệu về sự nhận biết rõ ràng và khác biệt, không chỉ ở trong nước mà còn mang tầm quốc tế. Nếu có thêm một hoặc nhiều sản phẩm quốc gia thì điều đó không chỉ đơn thuần phát triển kinh tế, mà còn góp phần thêm về sự nhận biết cho Huế.
Cũng xin nêu lại rằng, không biết tiêu chí về sản phẩm quốc gia là như thế nào nhưng nhất thiết, như trên đã nói, điều nhất thiết phải đạt được đó là sức ảnh hưởng lớn và quy mô doanh số lớn. Không thể một sản phẩm quốc gia mà chỉ gói gọn trong quy mô doanh thu nhỏ! Khi hỏi sản phẩm đó là của vùng đất nào thì không có nhiều người biết… Trong nhiệm vụ nghiên cứu khoa học thời gian qua, chúng ta đã tài trợ cho nhiều sản phẩm địa phương. Và ở mức độ nào đó nó đã thúc đẩy phát triển kinh tế của các địa phương, cải thiện đời sống của người dân. Thế nhưng, suốt trong thời gian qua, qua theo dõi, tôi thấy chưa có sản phẩm nào có sức vượt trội, chẳng hạn như quy mô doanh số.
Đối với tầm quốc tế, người ta nhận biết về Huế nhiều, theo tôi ấy chính là du lịch. Thế thì cũng nên xem xét thêm lĩnh vực dịch vụ cho sản phẩm quốc gia. Ví dụ như ở Singapore, riêng mảng du lịch khám, chữa bệnh người ta đã thu rất nhiểu tỷ đô la. Mỗi năm nước Mỹ tạo ra hàng nhiều tỷ đô la từ giáo dục… Huế là một điểm đến du lịch nổi tiếng trên bản đồ du lịch thế giới. Ở trong nước, người ta còn nhận biết về Huế là một trung tâm y tế chuyên sâu thuộc hàng mạnh của cả nước. Thế nên khi bình chọn và xây dựng sản phẩm quốc gia nên xem xét ở cả lĩnh vực dịch vụ. Du lịch, chúng ta đã được nhận diện trong mắt của du khách rất rõ. Giờ xây dựng thêm các sản phẩm độc đáo và nổi trội để có sức hấp dẫn, thiết nghĩ cũng là điều đáng để chúng ta xây dựng!
NGUYÊN LÊ