Phong trào đã bước đầu tạo được sức lan tỏa đến các tầng lớp trong xã hội. Bên cạnh đoàn viên thanh niên, cán bộ viên chức các sở, ngành, địa phương thì còn có nhóm “Cảm ơn dòng Hương” của những người yêu Huế và nhiều nhóm khác của các bạn trẻ, của những người đi tập thể dục buổi sáng… cũng tự nguyện nhặt rác để bảo vệ sự trong lành, sạch đẹp của các dòng sông con phố, ngõ xóm đường làng. Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh mới đây cũng phát động cuộc thi “Thử thách dọn rác” và lập tức cũng thu hút được sự quan tâm của nhiều người… Đó thực sự là những hình ảnh đẹp và hết sức đáng quý.
Ra quân hưởng ứng “Ngày Chủ nhật xanh” ở biển Cảnh Dương, Phú Lộc. Ảnh: NÔNG THANH TOÀN
Tuy nhiên, một nghịch lý vẫn tồn tại là trong lúc chính quyền tỉnh rất quyết tâm, nhiều người rất ủng hộ và rất khát khao để được sống trong một môi trường trong lành, văn minh, sạch đẹp thì cũng còn đó không ít người, không ít gia đình dường như vẫn đang rất bàng quan và kém ý thức. Chẳng những không tham gia vệ sinh môi trường công cộng mà ngược lại còn xem việc xả rác ra đường phố, công viên, xuống sông hồ… như là thói quen bình thường. Xả là việc của ta, còn dọn là việc… của người (!) Thậm chí, có nhiều hành vi mà ai cũng biết chắc là bị cấm, bị phạt bởi đã được phổ biến, tuyên truyền quá dày đặc, quá thường xuyên từ vài năm lại đây như cấm rải vàng mã khi đưa tang trên các tuyến phố chính trong đô thị, cấm niêm yết quảng cáo không đúng nơi đúng chỗ, cấm phóng uế bậy bạ nơi công cộng… Vậy nhưng, biết cũng chỉ để mà biết, vi phạm cứ vi phạm, “điềm nhiên” một cách đầy thách thức với chính quyền, với dư luận…
Thế nên, sẽ thấy một thực tế đầy ức chế kiểu như thế này: Cả một con phố sau ca làm việc cật lực, thâm đêm của anh chị em công nhân môi trường đô thị đã trở nên sạch boong, sáng ra nhìn chưa sửa con mắt, đám tang đi qua là lại tưng bừng vàng mã. Gặp những ngày lâm thâm mưa, những tờ vàng mã mỏng tang dính nước cứ bết vào mặt đường, trông nhếch nhác, bức bối và xấu hổ vô kể; Những cột điện, những mảng tường loang lổ bởi những tờ quảng cáo rao vặt mới hôm trước được các bạn đoàn viên thanh niên cùng nhau tỉ mẩn cào bóc, đến hôm sau đã lại thấy nào luyện thi, nào vay không thế chấp, nào bán đất, bán nhà “bám” đầy trở lại; hay có những vị trí vỉa hè, bãi đất trống trước đó bị “tranh thủ” tập kết rác thải xây dựng cùng “trăm thứ bà rằn” khác, sau khi được dọn dẹp và cắm bảng “Cấm đổ rác” thì… rác lại càng đổ về tợn. Cứ vậy cái điệp khúc dọn – xả, xả - dọn cứ kéo dài mãi, chẳng khác trò đuổi bắt không bao giờ có hồi kết (!)
Mọi nỗ lực của cộng đồng đều khó có kết quả nếu còn nhiều người thiếu ý thức bảo vệ môi trường
Bảo vệ môi trường, tôn tạo cảnh quan là công tác được tỉnh, thành phố Huế dành nhiều tâm sức trong thời gian qua, thể hiện bằng nhiều động thái như chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, cây xanh, công viên, thảm cỏ, nạo vét sông hồ, tăng cường chiếu sáng… Việc phát động “Ngày Chủ nhật xanh” với sự góp mặt thường xuyên, không chỉ trên địa bàn thành phố mà còn về tận vùng nông thôn, miền núi của người đứng đầu chính quyền tỉnh thể hiện rõ thông điệp quyết tâm, mong mỏi mỗi một công dân đều tự giác nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường, chung tay hướng đến mục tiêu xanh, sạch, sáng, đẹp cho vùng đất du lịch, vùng đất di sản Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên như trên đã đề cập, trong lúc nhiều người, nhiều cơ quan, ban ngành nhiệt tình hưởng ứng thì đáng tiếc, không hiếm những trường hợp vẫn còn thờ ơ, vô trách nhiệm với cộng đồng.
Ra quân làm sạch môi trường là cần thiết, nhưng căn cơ, lâu dài là ý thức bảo vệ môi trường, bắt đầu từ việc làm đơn giản nhất là bỏ rác đúng nơi đúng chỗ, đúng thời gian quy định. Với đối tượng tuyên truyền, vận động nhiều nhưng không chuyển, theo chúng tôi đã đến lúc phải bị xử lý nghiêm khắc hành vi vi phạm để làm gương. Phạt riết và phạt nặng, chắc chắn đối tượng bị phạt sẽ sợ và thành nếp, không dám có hành vi xâm hại môi trường nữa. Phải đồng bộ, nhịp nhàng như thế, nếu không, mọi nỗ lực của cộng đồng sẽ không bao giờ đạt kết quả mong muốn. Và cái đích xanh-sạch-sáng, văn minh sẽ vẫn mãi xa vời…
Bài, ảnh: HY KHẢ