|
|
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu (hàng trên, ở giữa) cùng đoàn công tác thị sát công tác trùng tu di tích tại khu vực Điện Kiến Trung và Điện Thái Hòa, Đại Nội Huế |
Cùng làm việc có: UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Huế Phan Thiên Định; đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Văn phòng Tỉnh ủy.
Kiện toàn, sắp xếp bộ máy
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc TTBTDT Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, thực hiện Quyết định số 2290/QĐ-UBND ngày 31/8/2022 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề án kiện toàn, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của TTBTDT Cố đô Huế, hiện, tổng số lao động của đơn vị là 699 người.
Năm 2023, đơn vị dự kiến khởi công 10 dự án và hoàn thành 6 dự án về trùng tu di tích. Tiếp tục thực hiện công tác giải phóng mặt bằng tại các di tích; phối hợp UBND TP. Huế chuẩn bị triển khai việc khoanh vùng, cắm mốc các khu vực di tích để thực hiện tiếp dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư các hộ dân sống trong khu vực di tích còn lại. Hoàn thiện hồ sơ quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế cho biết thêm, tổng lượt khách đến tham quan di tích tháng 1 và tháng 2 năm 2023 là 315.000 lượt; doanh thu đạt 50 tỷ đồng. Trung tâm đã triển khai đồng bộ hệ thống bán vé điện tử bằng quyét mã QR thay cho thẻ từ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý.
Hiện, đơn vị đã kiện toàn bộ máy làm công tác khai thác dịch vụ, xây dựng phương án kinh doanh dịch vụ giai đoạn 2023-2025. Trong đó, tập trung đổi mới cơ bản từ loại hình, nội dung đến phương thức kinh doanh dịch vụ theo hướng chất lượng, hiệu quả và có bản sắc.
Tại buổi làm việc, nhiều kiến nghị đề xuất nhằm phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể do TTBTDT Cố đố Huế quản lý như: Trang cấp cơ sở vật chất để phát huy những giá trị di sản văn hóa phi vật thể; hỗ trợ về kinh phí để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học; xem xét lại các quy hoạch, có kế hoạch huy động quỹ bảo tồn di sản; khẩn trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Tăng cường các chương trình biểu diễn nghệ thuật phát huy giá trị phố đêm Hoàng Thành; truyền thông, quảng bá; quảng bá du lịch, thông qua vé di tích là đòn bẩy kinh tế để thúc đẩy các giá trị di tích khác…
Đánh giá lại hiện trạng để bảo tồn trước mắt và lâu dài
Qua những ý kiến trao đổi tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đề nghị TTBTDT Cố đô Huế phải rà soát lại cơ chế tự chủ, vừa bảo đảm chế độ vừa thực hiện đúng quy định, nâng cao thu nhập cho người lao động. Cải tiến các dịch vụ như: Mẫu vé vào cổng, có cơ chế hỗ trợ, chính sách điều chỉnh giảm giá vé hợp lý. Việc tổ chức sự kiện cần hướng tới xã hội hóa.
|
|
UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình trao đổi ý kiến tại buổi làm việc |
Phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa Thể thao, Sở Du lịch và UBND TP. Huế tổ chức hiệu quả phố đêm Hoàng Thành; nghiên cứu mở các dịch vụ kinh tế đêm tại các tuyến đường Lê Huân, Đặng Thái Thân, Đoàn Thị Điểm.
Liên quan về biên chế, tổ chức bộ máy, TTBTDT cố đô Huế cần nghiên cứu dịch vụ cho 1 số vị trí và thực hiện cơ chế tự chủ giảm biên chế; xây dựng đề án bảo tồn cổ vật.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh cần kiểm tra, xem xét, đánh giá lại hiện trạng các di sản để bảo tồn trước mắt và lâu dài. Đồng thời, nghiên cứu, kiểm kê và bổ sung khung chính sách các hộ giải tỏa liên quan đến khu vực di tích; đẩy nhanh tiến độ quy hoạch theo đúng quy định khai thác được giá trị di tích. Tranh thủ các nhà đầu tư, tài trợ để bổ sung quỹ bảo tồn di tích…
Sau buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đã đến thăm và khảo sát công tác trùng tu bảo tồn di tích tại khu vực Điện Kiến Trung và Điện Thái Hòa, Đại Nội Huế.