ClockThứ Tư, 02/12/2020 09:28

Người có ảnh hưởng đến đồng chí Lê Đức Anh

TTH - Trong cuốn Hồi ký của mình, đồng chí Lê Đức Anh có nói đến sự kiện: “Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1938), ông Đỗ Tram và ông Lê Bá Dị, sau đó anh Hồ Nguyên và anh Hoàng Văn (Trọng) Viễn (tức anh Huỳnh Văn Viết) đến nhà tôi. Ông Đỗ Tram nói: Hôm nay Chi bộ đồng ý cho cháu Lê Đức Anh vào Đảng Cộng sản. Anh Huỳnh Văn Viết và anh Hồ Nguyên là hai người giới thiệu. Anh Viết chính là cậu thiếu niên mà tám năm trước (năm 1930) đã giao cho tôi cất giấu lá cờ cách mạng. Và, đêm 30 tháng 4, rạng ngày 1/5/1930, tôi đã bí mật trao lá cờ cho anh Viết treo trên ngọn phi lao ở chợ Trừng Hà bên phá Tam Giang”.

Đồng chí Lê Đức Anh - Vị tướng tài ba, nhà lãnh đạo xuất sắcNguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh từ trần

Đại tướng Lê Đức Anh, Cố vấn BCHTƯ Đảng, về thăm vùng biển Phú Vang bị thiệt hại sau cơn "đại hồng thủy" tháng 11/1999. Ảnh: HK

Vậy đồng chí Đỗ Tram là ai và có ảnh hưởng như thế nào đối với đồng chí Lê Đức Anh trong những năm tháng tại quê nhà?

Theo các tài liệu lịch sử cho biết: Đỗ Tram là con trai cụ Đỗ Quỳnh (1880 – 1943) và bà Nguyễn Thị Vinh, quê quán ở thôn Hà Trữ, xã Vinh Phú (nay là xã Phú Gia), huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Cụ Đỗ Quỳnh (còn gọi là ông Khóa Đồ) sinh ra ở thôn Đức Thái, xã Phú Đa, sau đó sang sống tại quê vợ. Ông là một nhà nho, có tinh thần yêu nước, thương dân.

Trong quãng thời gian từ năm 1905, Đỗ Quỳnh có mối quan hệ với Nguyễn Hàng Chi và Lê Đình Mộng (ở làng Dạ Lê, xã Thủy Vân, Hương Thủy), lãnh đạo Nhân dân địa phương tham gia phong trào đấu tranh chống thuế tại Huế năm 1908 nên bị thực dân Pháp truy bắt. Cụ phải bỏ quê hương và gia đình rồi trốn sang Thái Lan để lánh nạn, sau đó tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng và mất tại đó.

Mẹ của đồng chí Đỗ Tram là bà Nguyễn Thị Vinh. Sau sự kiện chống thuế năm 1908, khi chồng thoát ly ra nước ngoài, bà ở nhà tiếp tục sự nghiệp của chồng tại địa phương. Năm 1916, cùng với các sĩ phu yêu nước và Nhân dân vùng ven kinh đô Huế, bà đã tích cực tham gia chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân. Âm mưu bị bại lộ, bà làm người liên lạc và chèo đò đưa vua Duy Tân cùng đoàn tùy tùng về lánh nạn tại nhà ông Mai Xuân Trí, làng Hà Trung (xã Vinh Hà). Sau sự kiện đó, toàn bộ những người giúp vua Duy Tân đều bị bắt. Bà Nguyễn Thị Vinh cùng con trai bị thực dân Pháp giam vào Lao Thừa Phủ.

Năm 1918, sau chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, bà và con trai được ra tù và tiếp tục về quê tham gia các phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ. Gia đình bà rất giàu có, bản thân bà rất được mọi người kính trọng.

Năm 1929, khi cụ Phan Bội Châu bị thực dân Pháp đưa về an trí tại Huế, bà thường xuyên đưa con trai gặp cụ Phan Bội Châu và đi thăm mộ Trần Cao Vân. Đặc biệt, năm 1945, để cứu đói dân làng Hà Trữ cũng như con dân huyện Phú Vang, bà Nguyễn Thị Vinh đã quyết định bán 108 mẫu ruộng cho một địa chủ người Phú Lộc với điều kiện là chỉ lấy lúa không lấy tiền nhằm cứu đói cho dân làng. Đây là một việc làm đã gây tiếng vang lớn đối với người dân trong địa phương mỗi khi nhắc đến công đức của bà.

Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm nước ta, bà đã tích cực tham gia các phong trào đấu tranh yêu nước cho đến khi mất vào tháng 8/1947. Theo các nhân chứng, lễ truy điệu của bà được Chính phủ cách mạng tổ chức theo nghi thức Nhà nước, phủ quốc kỳ. Đây là một vinh dự rất đáng tự hào dành cho người phụ nữ túc trí đa mưu, biết vượt lên số phận, hy sinh bản thân mình để lo cho dân, cho nước. Chính đây là nền tảng, là sức mạnh để truyền lửa cho người con trai Đỗ Tram.

 Đồng chí Đỗ Tram (1902 – 1969), xuất thân từ một gia đình có truyền thống yêu nước, chứng kiến cảnh cơ cực của người nông dân, sớm ảnh hưởng những tư tưởng tiến bộ của những nhà cách mạng ở địa phương như: Nguyễn Chí Diểu, Đồng Sỹ Bình, Lê Bá Dị… nên ông đã đi làm cách mạng.

Năm 1925, trong một lần cùng với mẹ lên thăm cụ Phan tại Huế, Đỗ Tram đã có dịp gặp gỡ các đồng chí Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu, Lê Viết Lượng...

Năm 1929, đồng chí Đỗ Tram đã gia nhập tổ chức Tân Việt cách mạng Đảng với Tôn Quang Phiệt; đến năm 1930, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 5/1930, đồng chí cùng với đồng chí Hoàng Văn (Trọng) Viễn là người treo lá cờ búa liềm đầu tiên ở huyện Phú Vang lên ngọn cây phi lao tại chợ Hà Đá (làng Trừng Hà, xã Vinh Phú), sau đó đồng chí bị địch bắt giam vào Lao Thừa Phủ. Năm 1936, đồng chí được trả tự do và tiếp tục về lại Phú Vang tham gia hoạt động cho đến khi cách mạng tháng Tám/1945 thành công.

Sau cách mạng, đồng chí Đỗ Tram được bầu làm chủ nhiệm Việt Minh của khu vực Thuận Tú (Thuận An – Thủy Tú). Năm 1949, ông là Trưởng ban Tài chính của Tỉnh ủy Thừa Thiên. Năm 1954, ông được đưa ra Nghệ An để chữa bệnh, nhưng do bệnh tình ngày một nặng nên đã mất năm 1969, hưởng thọ 67 tuổi.

Gia đình đồng chí Đỗ Tram có 6 người con, gồm: Đỗ Trình, Đỗ Thị Huê, Đỗ Thị Bạch Mai, Đỗ Thị Thư, Đỗ Nam và ông Đỗ Duy Việt. Trong đó, ông Đỗ Trình từng là thư ký của Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Ngô Minh Thuấn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top