ClockChủ Nhật, 23/05/2021 13:55

Người dân cần thường xuyên theo dõi, cập nhật sát thông tin dự báo khí tượng, thủy văn

TTH.VN - Thiên tai đang diễn biến ngày càng phức tạp. Nhân 75 năm Ngày truyền thống phòng, chống thiên tai Việt Nam, Thừa Thiên Huế Online đã có cuộc trao đổi với Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Phan Thanh Hùng.

Chủ tịch nước: Giảm đến mức thấp nhất rủi ro, thiệt hại do thiên tai gây raTăng cường cập nhật thông tin về phòng chống thiên taiTừng bước xây dựng quốc gia có khả năng quản lý rủi ro thiên tai

Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Phan Thanh Hùng

- Ông đánh giá như thế nào về tình hình thiên tai diễn ra thời gian gần đây, đặc biệt là năm 2020?

Những năm gần đây, tình hình thiên tai ở nước ta diễn biến ngày càng phức tạp, cực đoan, bất thường. Thiên tai diễn ra dồn dập và đặc biệt khốc liệt, mang nhiều yếu tố dị thường, vượt mức lịch sử trên nhiều vùng miền cả nước.

Bên cạnh những thiệt hại về vật chất, thiên tai còn làm ảnh hưởng môi trường sống, sức khỏe, sản xuất và đời sống của nhân dân, học sinh phải nghỉ học dài ngày, giao thương bị cản trở, việc cung cấp dịch vụ thiết yếu tại nhiều khu vực bị gián đoạn.

- Thưa ông, từ những thảm họa, thiên tai diễn ra năm ngoái, đến bây giờ chúng ta đã rút ra những bài học quan trọng gì?

Sự chủ động phòng ngừa, sẵn sàng vào cuộc từ sớm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, xã hội, người dân và cộng đồng doanh nghiệp sẽ giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản. Sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị sẽ tạo sự chuyển biến trong nhận thức, sự quan tâm của xã hội trong công tác phòng, chống thiên tai thực hiện đúng phương châm 4 tại chỗ là nhân tố quyết định trong công tác phòng chống thiên tai.

Đối với Thừa Thiên Huế, chúng ta còn vận dụng phương châm tự quản tại chỗ, nhất là trong và sau khi xảy ra thiên tai.

Ngoài ra, cần chủ động xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tập thể, cá nhân, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện; chủ động và kịp thời sơ tán di dời dân ra khỏi các vùng nguy hiểm.

Việc triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng chống thiên tai cũng cần đẩy mạnh hơn nữa.

- Ngoài yếu tố khách quan, có ý kiến cho rằng, thiên tai liên tục xảy đến là do con người và hạ tầng cảnh báo vẫn chưa hoàn thiện?

Những năm trở lại đây, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương lãnh đạo và tập trung chỉ đạo nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt phòng ngừa, ứng phó; khắc phục hậu quả thiên tai, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Song, công tác lãnh đạo, chỉ đạo còn chưa kịp thời, toàn diện, thiếu tầm nhìn chiến lược, trách nhiệm chưa rõ ràng. Hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách chưa đầy đủ, còn bất cập; nguồn lực đầu tư còn thấp so với yêu cầu. Hệ thống dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát, cơ sở dữ liệu, trang thiết bị và công cụ hỗ trợ, khả năng chống chịu của công trình phòng, chống thiên tai còn nhiều bất cập. Ngoài ra, sự chủ động thích ứng của người dân còn hạn chế; ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, nâng cao nhận thức của người dân, năng lực cộng đồng chưa được chú trọng đúng mức.

Thiên tai khiến bờ biển xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) sạt lở kéo dài

- Vậy, đâu là nỗi lo lớn nhất trong công tác phòng chống thiên tai?

Lực lượng cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai cấp huyện nhìn chung rất mỏng (đa số mỗi huyện 1 người) nhưng lại phụ trách khối lượng công việc rất lớn. Đặc biệt trong tình hình thiên tai và biến đổi khí hậu có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, yêu cầu đối với công tác quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai là vô cùng quan trọng. Việc xây dựng một lực lượng cán bộ cấp huyện có trình độ chuyên môn, số lượng đảm bảo theo vị trí việc làm là hết sức cần thiết.

Công tác dự báo, cảnh báo tuy đã có tiến bộ, nhưng do điều kiện tự nhiên thay đổi, cơ sở vật chất hiện có chưa đáp ứng yêu cầu thực tế nhất là dự báo mưa phục vụ công tác vận hành hồ chứa nước…, dự báo cảnh báo lũ quét, sạt lở đất.

- Ông có những cảnh báo, dự báo gì trong thời gian đến?

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện tượng Enso tiếp tục có xu hướng chuyển dần từ La Nina sang trạng thái trung tính từ nửa cuối tháng 5 đến tháng 6/2021 với xác xuất khoảng 70-80%, sau đó tiếp tục duy trì trạng thái trung tính nhưng vẫn nghiêng về pha lạnh từ cuối mùa hè cho đến cuối năm 2021.

Tình hình nắng nóng còn kéo dài và diễn biến phức tạp từ tháng 5 đến tháng 8/2021. Trong khi đó, dung tích trữ hiện tại các hồ chứa thủy lợi đạt 70% dung tích thiết kế, hồ chứa thuỷ điện phổ biến trên 48% dung tích thiết kế. 

Số lượng các cơn bão và ATNĐ hoạt động trên Biển Đông trong năm 2021 khoảng từ 12-14 cơn. Có 5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta, tập trung trong tháng 9-11, mức độ có thể nhẹ hơn năm 2020, những vẫn đề phòng tiềm ẩn nguy cơ lụt bão lớn.

Trước tình hình trên, người dân cần thường xuyên theo dõi, cập nhật sát thông tin dự báo khí tượng, thủy văn do các cơ quan chuyên ngành cung cấp; thông tin dự báo nguồn nước và khuyến cáo xây dựng kế hoạch sử dụng nước do các cơ quan chuyên môn cung cấp để chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

- Phía Ban Chỉ huy PCTT  và TKCN đã có những giải pháp gì để ứng phó, thưa ông?

Để chủ động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trong năm 2021, chúng tôi sẽ cập nhật, bổ sung, phê duyệt kế hoạch phòng chống thiên tai, phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai, kế hoạch hoạt động năm 2021 của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy của các Bộ, ngành, địa phương. Đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ, nâng cao năng lực văn phòng thường trực ban chỉ huy cấp tỉnh, huyện, xã.

Triển khai hiệu quả Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng gắn với thực hiện tiêu chí 3.2. “Đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng, chống thiên tai tại chỗ” trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Việc tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn sẽ triển khai thực hiện, đánh giá tiêu chí đảm bảo thực chất, tránh hình thức... Các phương án di dời sơ tán dân các vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất; phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão; phương án ứng phó thiên tai cho công trình và vùng hạ du đập; phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp; phương án đảm bảo an toàn cho ngư dân đầm phá ven biển; tiến hành tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm nhẹ rủi ro thiên tai…sẽ được triển khai sớm. Đặc biệt, chúng tôi tiếp tục kiểm tra, giám sát, đôn đốc các địa phương ban ngành thực hiện khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020.

Nhân Ngày truyền thống phòng, chống thiên tai Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có thư gửi đồng bào, đồng chí và chiến sỹ cả nước. Trong thư có đoạn: “Trước tình trạng biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay, tôi đề nghị Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các cấp ủy, chính quyền địa phương, các đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp, lực lượng phòng chống thiên tai, các lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết và chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn, nhằm giảm đến mức thấp nhất rủi ro, thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần bảo vệ cuộc sống của nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước”.

Xin cảm ơn ông!

L.Thọ (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động hơn trong việc ứng phó với thiên tai

Thừa Thiên Huế là địa phương thường xuyên phải hứng chịu các trận bão lụt lớn, nên người dân ngày càng chủ động hơn trong ứng phó với thiên tai, giảm thiểu đến mức thấp nhất các thiệt hại.

Chủ động hơn trong việc ứng phó với thiên tai
Chủ động các kịch bản phù hợp với từng địa bàn trong thiên tai

Việc giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về tài sản và người trong thiên tai, bão lũ, theo đại diện Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) thị xã Hương Trà chính là phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ” và xây dựng các kịch bản phù hợp với từng địa bàn...

Chủ động các kịch bản phù hợp với từng địa bàn trong thiên tai
Chủ động ứng phó thiên tai theo từng tình huống

Các chủ đầu tư công trình thủy điện đã chuẩn bị đầy đủ thiết bị, vật tư cùng nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu ứng phó thiên tai, chủ động trước mọi tình huống xảy ra.

Chủ động ứng phó thiên tai theo từng tình huống

TIN MỚI

Return to top