Cọc tre bên phía Tổ dân phố lại Bằng 2 (Hương Vân - Hương Trà). Ảnh: VÕ NHÂN
Sông là tài sản chung (tài sản công). Muốn làm bất cứ một điều gì trên đó phải được cấp có thẩm quyền đồng ý. Vì vậy, để tránh nhưng hệ quả pháp lý có thể dẫn đến, bà con cần dỡ bỏ các cọc tre mà mình đã đóng xuống lòng sông. Có thể cái lý của bà con là chính đáng, nhưng quan tâm đến việc chấp hành pháp luật cũng là điều đáng lưu ý. Không thể người khác sai và chống lại cái sai của người khác bằng cái sai của mình. Bài học ở thôn Mỹ Đức, Hà Nội vẫn chưa ráo mực! Vì vậy bà con hết sức lưu ý điều này.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, chúng ta vẫn thấy đâu đó trách nhiệm quản lý về mặt nhà nước của chính quyền và ngành chức năng liên quan. Chú ý theo dõi vụ việc này, tôi thấy trách nhiệm của chính quyền địa phương là chưa thấu đáo. Ngành chức năng được giao nhiệm vụ quản lý tài nguyên (cụ thể ở đây là tài nguyên cát) cũng chưa làm hết trách nhiệm của mình. Khi vụ việc đã xảy ra, những phát biểu của những người có trách nhiệm, qua báo chí, cho thấy một phản ứng thiếu nhanh nhạy và có một phần nào đó “né tránh”. Nếu chính quyền địa phương, Sở Tài Nguyên và Môi trường làm hết trách nhiệm thì không đến nỗi để một việc như vậy, người dân phản ánh từ lâu như vậy vẫn còn tồn tại… mà phải đẩy trách nhiệm chỉ đạo xử lý lên UBND tỉnh.
Trung tâm Kỹ thuật công nghệ thông tin tài nguyên & môi trường (Sở Tài nguyên & Môi trường) dùng các thiết bị chuyên dụng để đo độ sâu 2 mỏ khai thác cát sạn được cấp phép của Công ty Tuấn Hải phía thượng nguồn sông Bồ sáng 9/5. Ảnh: VÕ NHÂN
Ví dụ như ở thôn Sơn Bồ (xã Phong Sơn, Phong Điền), ông Võ Đức Khởi, Bí thư chi bộ nói: “Bản thân chưa phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người dân Sơn Bồ đến với các cấp chính (Báo Thừa Thiên Huế số 7590, ngày 9/5/2019: “Trở lại vụ việc đóng cọc tre trên sông Bồ: Giải quyết rốt ráo những vấn đề người dân quan tâm”). Thôn không phải là cấp chính quyền nhưng là “cánh tay nối dài” của chính quyền đến gần dân nhất, giúp cho công tác quản lý của chính quyền được chặt chẽ hơn, thì lại không “nắm được tâm tư nguyện vọng của người dân”. Tương tự, trách nhiệm của chính quyền xã Phong Sơn là như thế nào? Người dân bức xúc điều này điều khác phản ánh lên anh, trách nhiệm thuộc về thẩm quyền của anh thì anh xử lý. Không thuộc thẩm quyền của anh thì anh phải nắm bắt tình hình, báo cáo kịp thời lên cấp trên. Có một “lỗ hổng” nào đó về mặt quản lý nhà nước ở cấp cơ sở!? Nghe một người dân bình thường, họ nói còn có vẻ rành rẽ, ông Nguyễn Văn Ngọc - người dân thôn Sơn Bồ bức xúc: “… nếu khai thác quá độ sâu cho phép thì liệu có bồi đắp lại độ sâu, và ai sẽ chịu trách nhiệm trong vấn đề này?”. Quá chí lý. Có những cái sai chúng ta không khắc phục được hoặc rất khó khắc phục. Ở đây, việc quản lý nhà nước chặt chẽ phải là một bài học được chú ý và rút ra sâu sắc.
Người dân thì vậy. Còn các cấp quản lý nhà nước và ngành chức năng?
“Sở Tài nguyên & Môi trường cũng khẩn trương tiến hành đo đạc, khảo sát, kiểm tra đánh giá hiện trạng các khu vực này theo giấy phép khai thác đã cấp. “Trong quá trình thực hiện phải có sự tham gia của chính quyền địa phương. Nếu phát hiện có vi phạm, yêu cầu có biện pháp xử lý theo quy định, đồng thời, báo cáo kết quả thực hiện, đề xuất xử lý về UBND tỉnh trước ngày 13/5” – Chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Phương , Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Theo ông Nguyễn Xuân Ty, Chủ tịch UBND TX. Hương Trà: “Hiện Sở Tài nguyên & Môi trường đang đo các tọa độ và kiểm tra độ sâu trong việc khai thác cát sạn tại 2 khu vực mỏ được cấp phép… Sau khi có kết quả đo đạc (khoảng 2-3 ngày nữa, UBND TX. Hương Trà sẽ tổ chức họp dân...” - Báo Thừa Thiên Huế số 7590, ngày 9/5/2019.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Phong Điền cho biết: Lúc 13h30 ngày 7/5, theo thông báo của Sở Tài nguyên & Môi trường, Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Phong Điền cùng đại diện chính quyền xã Phong Sơn và người dân thôn Sơn Bồ có mặt để giám sát việc đo đạc, kiểm tra, đánh giá hiện trạng của 2 mỏ cát sạn tại bãi bồi Lại Bằng và mỏ cát sạn lòng sông tại khe Băng (đều thuộc P. Hương Vân – TX. Hương Trà) của Trung tâm Kỹ thuật công nghệ thông tin Tài nguyên & Môi trường tỉnh (Trung tâm). “Tuy nhiên, đến 15h cùng ngày vẫn không thấy sự xuất hiện của Trung tâm...” (Báo Thừa Thiên Huế số 7590, ngày 9/5/2019. Chúng ta thấy gì trong cách xử lý này? Sự phối hợp của ngành chức năng và chính quyền hết sức lúng túng. Tại sao lại lúng túng như vậy? Thực hiện chức năng quản lý nhà nước; thực hiện chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh mà sao lại “lúng túng”, thiếu chặt chẽ như vậy?
Trách nhiệm của người dân là phải hết sức bình tĩnh, kiềm chế. Dù gì thì cũng phải làm theo luật. Đã luật thì trách nhiệm của chính quyền phải xử lý. Ở chiều ngược lại, chính quyền (mà ở đây là chính quyền cơ sở, các cơ quan chức năng ) cũng phải nhìn nhận lại trách nhiệm quản lý và chịu trách nhiệm về việc đó của mình.
CÁT SƠN