ClockThứ Năm, 21/06/2018 14:23

Nhà báo của đồng bào

TTH - Gần gũi với người dân, nói tiếng của đồng bào, phản ánh cuộc sống, nguyện vọng của đồng bào…, những người làm báo ở vùng cao A Lưới được người dân gọi một cách trìu mến “nhà báo của đồng bào”. Đó là niềm vui, phần thưởng lớn nhất đối với cán bộ, phóng viên Đài Truyền thanh-Truyền hình A Lưới.

Trung tâm Báo chí Quốc tế đảm bảo điều kiện tác nghiệp tốt nhất cho phóng viênBộ trưởng Trương Minh Tuấn kiểm tra điều kiện tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí Quốc tế APEC

1. Phóng viên Trần Văn Diên với thâm niên 25 năm công tác tại Đài Truyền thanh -Truyền hình A Lưới gắn với sự ra đời và phát triển của mảng truyền hình tại đây. Anh vẫn nhớ những ngày đầu tiên huyện tiếp được sóng truyền hình vào năm 1992, người dân rất háo hức chờ đợi.  Nhưng thời điểm đó, gia đình có tivi rất ít, lưới điện lại chập chờn nên cơ quan đã đề nghị cấp trên tạo điều kiện đặt một tivi tại trung tâm cộng đồng huyện để bà con tiện theo dõi. Kể từ đó, cứ bắt đầu từ 5h chiều, anh và đồng nghiệp lại chuẩn bị máy nổ, kéo ăng ten phục vụ bà con để kịp chương trình thời sự lúc 6h tối.

Một buổi tác nghiệp của phóng viên

Trước đó chỉ thỉnh thoảng có đội chiếu bóng lưu động phục vụ, giờ có thêm tivi nên bà con thích lắm, xem một mạch từ 6h chiều đến hơn 10h tối. Đôi lúc dù đã quá giờ nhưng thấy bà con vẫn muốn xem nên đội đành nán lại phục vụ. Khi người cuối cùng ra về cũng đã gần khuya, anh em lại lọ mọ dọn dẹp để chuẩn bị ngay mai đi làm. Công việc tuy vất nhưng anh em đều cảm thấy rất vui.

Là người làm tuyên truyền, anh luôn trăn trở, cố gắng làm sao để những nội dung chuyển tải đến bà con gần gũi, hiệu quả. Anh đã nghĩ ra sáng kiến quay lại hình ảnh sinh hoạt của bà con thật cụ thể sau đó liên hệ mượn màn hình chiếu phim của rạp lưu động để phát lại những hình ảnh đó cho bà con xem. Khi được thấy  chính bản thân trên màn ảnh lồng ghép với các nội dung tuyên truyền, người dân rất phấn khởi; tin vào chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Còn nhớ đợt mưa lũ lớn năm 2009, đoạn đường từ xã Hồng Vân đến Hồng Thủy bị sạt lở nhiều đoạn. Anh cùng đồng chí Hồ Xuân Trăng lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch UBND huyện ngay lập tức lội đến khu dân cư bị chia cắt. Đoàn quyết định men theo đoạn đường sạt lở, cheo leo để có thể tiếp cận nhanh nhất có thể nhưng không lường trước được nguy hiểm, chỉ cần sẩy chân là rơi xuống vực bất cứ lúc nào. Sau gần 8 tiếng đồng hồ lội bộ khoảng 20 cây số, đoàn đã đến được với người dân để kịp thời trấn an tinh thần, giúp đỡ vật chất. Những thước phim được anh ghi lại và phát trên đài tỉnh, kịp thời cung cấp thông tin và được các cấp chính quyền chung tay khắc phục sự cố, sớm xử lý thông tuyến. “Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng với  lòng yêu nghề chúng tôi luôn luôn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao, để đưa những hình ảnh chân thực, những thông tin thật gần gũi đến với bà con Nhân dân”, anh Diên trải lòng.

2. Anh Hồ Ngọc Lô, Phó Trưởng đài phụ trách kỹ thuật hồi tưởng thời điểm đài vẫn còn dùng máy băng hộp nặng gần 10kg. Mỗi lần tác nghiệp, nhất là những dịp theo đoàn kiểm lâm hay bộ đội biên phòng đến những địa bàn sát biên giới việc vác máy rất vất vả. Anh vẫn nhớ những lần tham gia đoàn truy quét liên ngành, cứ một nhóm gồm 10 thành viên với 1 chiếc đèn pin lần mò giữa rừng sâu trong đêm tối, anh và nhiều chiến sĩ đã không ít lần vấp ngã do địa hình trơn trượt. Một cú ngã nặng khiến anh choáng váng và trượt dài nhưng vẫn cố ôm máy vào người vì sợ hỏng. Anh em ở đài xem máy quay còn quý hơn cả bản thân. Thời điểm đó mỗi máy quay giá vài chục triệu đồng không dễ gì sắm được. Người đau còn uống thuốc được nhưng máy hư thì biết lấy gì mà làm...

Vận hành máy phát sóng

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh phải kể đến lần tham gia đoàn truy quét của kiểm lâm vào đêm tối, do mải tác nghiệp nên anh lạc đoàn lúc nào không hay. “Lúc mới bị lạc cũng hoang mang lắm, sau một hồi trấn tĩnh mới mò mẫm tìm đường ra sau hơn 1 giờ đồng hồ, cũng may có kinh nghiệm đi rừng trước đó chứ không bị lạc đến sáng mai”.

3. Phóng viên Hồ Thị Nhàn trải lòng, phóng viên đài huyện là những người phải “đa năng”, đảm nhận một lúc 4 việc: quay phim, dựng phim, viết bài và kiêm luôn phát thành viên. Anh chị em phóng viên  tác nghiệp ở cơ sở buổi sáng, buổi chiều dành cho việc viết và dựng phim để chuẩn bị cho buổi phát thanh vào lúc 5h chiều và truyền hình vào lúc 8h tối.

Với đặc thù công việc như vậy nên việc sắp xếp thời gian dành cho gia đình khá ít ỏi, nhất là vào những ngày lễ, tết hầu như không bao giờ có thể ở cùng gia đình. Nhiều lúc thiếu nhân sự, máy quay, một phóng viên có thể “chạy sô” 3 đến 4 nơi trong một buổi. Chiều về, nắng đã tắt, bóng đêm dần buông xuống khắp dãy núi trùng điệp nhưng công việc của các anh chị phóng viên, kỹ thuật viên của đài chưa kết thúc. Khi nhiều gia đình đang quây quần bên mâm cơm tối, “những người con của núi rừng” vẫn hăng say tận tậm với công việc và khi về đến nhà đã gần 10h đêm.

Năm 2017, Đài Truyền thanh-Truyền hình A Lưới sản xuất được trên 395 chương trình truyền thanh và truyền hình, với hơn 1400 tin, 191 bài và phóng sự; và hơn 55 tài liệu tuyên truyền khác. Ngoài ra, đơn vị còn thực hiện tốt cộng tác phối hợp với Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế (VTV8) và Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh (TRT) thực hiện các chương trình dành cho đồng bào dân tộc thiểu số bằng tiếng Pakô.

Bài, ảnh: Minh Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hướng đi mới cho đồng bào vùng cao

A Lưới là huyện miền núi có tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế nông nghiệp nhờ vào lợi thế về đất đai và điều kiện tự nhiên. Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ cụ thể từ tỉnh và huyện đã giúp người dân nơi đây áp dụng các mô hình kinh tế bền vững, từ đó cải thiện đáng kể đời sống.

Hướng đi mới cho đồng bào vùng cao
Giữ nghề chạm khắc gỗ của đồng bào Pa Cô

Vùng đất phía tây Thừa Thiên Huế không chỉ thu hút du khách bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, mà còn nhờ vào sự đa dạng về văn hóa và nghệ thuật truyền thống của các dân tộc thiểu số (DTTS). Trong đó, nghề chạm khắc gỗ của đồng bào Pa Cô đã trở thành một biểu tượng đặc sắc, mang trong mình những giá trị lịch sử và tâm linh. Giữa dòng chảy của thời gian, ông Cu Đài, một nghệ nhân điêu khắc gỗ đã nỗ lực hết mình để gìn giữ và phát triển nghề truyền thống này.

Giữ nghề chạm khắc gỗ của đồng bào Pa Cô
Giữ nghề gắn với phát triển du lịch ở bản Dỗi

Tại bản Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông có một người đặc biệt luôn lặng lẽ, tận tụy giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Đó là ông Pơloong Chướch, một nghệ nhân cao tuổi đã dành cả cuộc đời để gắn bó với nghề đan lát.

Giữ nghề gắn với phát triển du lịch ở bản Dỗi

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top