“Hợp đồng dự án” ở đây được hiểu là hợp đồng giữa Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) với nhà đầu tư.
Thời gian qua, nhiều trạm BOT trên cả nước bị người dân phản ứng về chuyện thu phí. Lý do là người dân cho rằng mức phí không hợp lý, thiếu minh bạch thông tin, đặt trạm không đúng vị trí… Nói chung là mục đích của hai bên "đối chọi” nhau – một bên là muốn phí thấp hoặc không phí, còn một bên là muốn phí cao (có thể). Trong tình hình như vậy, đối với việc thu phí qua hầm Hải Vân, trong khi hợp đồng với Bộ GTVT, nhà đầu tư được thu 90.000đ/ lượt, nhưng nhà đầu tư chỉ thu 70.000đ/lượt (loại thấp nhất).
Có thể xem đây là một hành động “chơi đẹp” chăng?
Báo dẫn lời ông Nguyễn Tấn Đông, Phó Chủ tịch Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, giải thích cho việc này là nhằm “hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và quyền lợi của người dân". Nếu đúng như vậy thì đây quả là một cách nghĩ đáng quí. Suy cho cùng, một phần đóng góp quan trọng cho xây dựng hạ tầng giao thông chính là khách hàng – những người đi lại, vận tải lưu thông hàng hóa trên đường. Quí trọng quyền lợi của khách hàng là một tư duy rất thị trường, không dựa dẫm vào sự bao cấp, lợi ích từ sự “mập mờ” thị trường đưa lại.
Đọc vế đầu của thông tin thì được biết, nhà đầu tư có những cân nhắc và thu thấp hơn mức thỏa thuận với Bộ GTVT là 20.000 đ/ lượt. Đây là một con số không hề nhỏ nếu biết rằng, từ khi hầm Hải Vân đưa vào khai thác đến nay đã đón 29 triệu lượt xe qua hầm.
Nhưng người dân thì có khi không nghĩ vậy. Điều họ biết được là trước đây muốn qua hầm phải trả mức phí 35.000 đ, nay (27/9/2019) phải trả 70.000đ/lượt, tức là tăng gấp đôi.
Công ty CP Đầu tư Đèo Cả là một doanh nghiệp. Trước khi hợp đồng với Bộ GTVT gói sửa chữa nâng cấp, cải tạo mặt đường trên tuyến đèo, vận hành hầm Hải Vân có một mục là nhà đầu tư được đặt trạm thu phí Nam Hải Vân. Tuy nhiên khi “xong việc”, xem xét lại thì trạm Nam Hải Vân “không đủ khoảng cách theo qui định” (ông Đông cho biết).
Đến đây, chúng ta thấy cách làm thiếu thống nhất của Bộ GTVT. Ở đây có mấy việc. Thứ nhất: cho nhà đầu tư thực hiện dự án cũng là trách nhiệm, thẩm quyền của Bộ GTVT. Việc không cho thành lập trạm Nam Hải Vân mà thu gộp hai trạm lại một, thực ra là có lợi cho nhà đầu tư trong chi phí vận hành chứ chẳng có ý nghĩa gì đối với người và phương tiện lưu thông. Trước đây nộp 2 trạm 70.000 đ thì giờ gộp lại một trạm cũng vậy. Ai đi qua đèo Hải Vân trước đây và qua hầm bây giờ chắc cũng đều chia sẻ với Nhà nước, nhà đầu tư, nó thuận tiện hơn nhiều, đỡ nguy hiểm, giảm chi phí xăng xe hơn nhiều nên việc nộp phí có lẽ ai cũng chia sẻ, đồng tình. Nếu có điều gì đó muốn nói chính là việc tính toán thiếu thống nhất trong thực hiện dự án?
Thứ đến, nhà đầu tư đưa ra mức thu phí thấp hơn phương án trình với Bộ GTVT thông qua hợp đồng, với lời giải thích “hài hòa lợi ích”, phải chăng, Bộ GTVT đã tính toán không kỹ trong việc thu phí dự án này. Cụ thể ở đây là có thể dôi lên 20.000đ/lượt, nếu nhà đầu tư không "cân nhắc chia sẻ”? Người dân, người điều khiển phương tiện có quyền đặt ra câu hỏi như vậy.
Thanh Lê