ClockChủ Nhật, 21/01/2024 07:26

Tạo nền tảng để thu hút các nhà đầu tư có tầm vóc

TTH - Các khu kinh tế, công nghiệp (KKT, CN) tỉnh là khu vực trọng điểm về thu hút đầu tư. Tuy nhiên, để các nhà đầu tư lớn “để mắt” cần tạo được môi trường thông thoáng cùng nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN). Xung quanh vấn đề này, Thừa Thiên Huế Cuối tuần có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Tuệ, Trưởng ban Quản lý các KKT, CN tỉnh.

Tổ chức lại bộ máy Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh theo hướng giảm trung gian, đầu mối

Ông Lê Văn Tuệ, Trưởng ban Quản lý các Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh 

Ông đánh giá như thế nào về quá trình sản xuất, kinh doanh của các DN tại các KKT, CN tỉnh?

Nhiệm vụ, kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2023 của các DN, đặc biệt là các DN trong lĩnh vực dệt may, dăm gỗ, men frit, sợi các loại... gặp khó khăn, nhiều đơn hàng bị cắt giảm, sản lượng giảm. Bên cạnh đó, một số sản phẩm có sản lượng tăng như: Bia, vỏ lon nhôm, tôm đông lạnh, cristobalite...

Dù vậy, các chỉ tiêu về doanh thu; nộp ngân sách; kim ngạch xuất, nhập khẩu... đạt và vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể, doanh thu đạt 35.000 tỷ đồng, bằng năm 2022; giá trị xuất, nhập khẩu đạt 1,49 tỷ USD, tăng 14,6% so với năm 2022, chiếm 75% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh; nộp ngân sách đạt 3.900 tỷ đồng, tăng 11,4% so với năm 2022, chiếm 35,4% thu ngân sách toàn tỉnh, lực lượng lao động ổn định.

Ông vừa nhắc đến những khó khăn, vậy giải pháp gỡ khó là gì?

Để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN, Ban Quản lý các KKT, CN tỉnh sẽ tập trung tranh thủ tối đa thời gian, nguồn lực hoàn thành việc lập, thẩm định, trình phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung KKT, các khu công nghiệp; các quy hoạch phân khu xây dựng để sẵn sàng cho công tác thu hút đầu tư, làm cơ sở pháp lý triển khai các dự án.

Chủ động cắt giảm, đơn giản hóa một cách thực chất các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao; tuyệt đối không ban hành quy định, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian không cần thiết, trái quy định cho DN.

 Nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ gặp khó khăn trong năm 2023

Chúng tôi cũng chỉ đạo giải quyết nhanh các thủ tục đề nghị hỗ trợ cho các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Chân Mây, tháo gỡ khó khăn cho DN, giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp. Ngoài ra, phát huy hiệu quả các tổ công tác để gỡ vướng, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng; trao đổi, kết nối với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương nhằm hỗ trợ hiệu quả các DN, nhà đầu tư; đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm như, Đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, chỉ đạo, điều hành của ban quản lý…

Các KKT, CN tỉnh là địa bàn trọng điểm để thu hút đầu tư. Công tác này được thực hiện như thế nào, đặc biệt là việc thu hút các dự án có “tầm vóc”?

Năm 2023, ban quản lý đã cấp mới 11 dự án đầu tư và 5 dự án điều chỉnh tăng/giảm vốn đầu tư, với tổng vốn thu hút đầu tư (bao gồm cấp mới và tăng vốn) là 6.002 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm 2023 (5.000 tỷ đồng – 6.000 tỷ đồng) đã đề ra; trong đó có 8 dự án FDI với tổng vốn 134,8 triệu USD. Một số dự án có quy mô lớn, như dự án Nhà máy chế biến cát thạch anh công nghệ cao Creanza của Công ty CP Tập đoàn MIT Việt Nam với tổng vốn đăng ký 2.186,6 tỷ đồng; dự án Nhà máy sản xuất men frit, công suất 150.000 tấn/năm với tổng vốn đăng ký 610 tỷ đồng; dự án nâng công suất bia từ 410 triệu lít/năm lên 600 triệu lít/năm của Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam với tổng vốn điều chỉnh tăng thêm là 1.427 tỷ đồng.

Đây là tín hiệu rất khả quan trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư vào địa bàn KKT, KCN trong bối cảnh khó khăn, nhiều thách thức như hiện nay. Bên cạnh đó, cũng có nhiều nhà đầu tư lớn của các nước từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu đến tìm hiểu và nghiên cứu đầu tư tại KKT, KCN. Một số dự án lớn đã được UBND tỉnh cho phép nghiên cứu đầu tư như, Tập đoàn Xuân Thiện nghiên cứu đầu tư dự án tổ hợp nhà máy thép xanh công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường và cảng chuyên dùng vốn đăng ký khoảng 32.000 tỷ đồng...

Lũy kế đến nay, trên địa bàn KKT, CN tỉnh có 175 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 115.765 tỷ đồng; trong đó có 46 dự án vốn FDI với vốn đầu tư đăng ký là 3,2 tỷ USD.

Thưa ông, ngoài các dự án được triển khai theo đúng tiến độ, trên địa bàn các KKT, CN tỉnh có nhiều dự án đang chậm tiến độ hoặc ngừng triển khai. Đâu là nguyên nhân?

Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu sau đại dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine kéo dài, tình hình khu vực và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, chính sách tiền tệ thắt chặt đã tác động mạnh đến doanh nghiệp; hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về khả năng tiếp cận nguồn vốn vay, thị trường xuất khẩu và đơn hàng sụt giảm; nhiều dự án đầu tư, dự án bất động sản, du lịch bị đình trệ, chậm triển khai đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đầu tư dự án, công tác huy động, giải ngân vốn đầu tư triển khai dự án của các nhà đầu tư.

Ngoài ra, do khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án, các thủ tục hành chính về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai chồng chéo, phức tạp, đặc biệt là thủ tục phòng cháy, chữa cháy, thủ tục chuyển đổi rừng, chuyển đổi đất lúa nên nhiều dự án không thể hoàn thành các thủ tục để triển khai, chậm tiến độ so với tiến độ được cấp phép.

Trên địa bàn KKT, CN tỉnh có 16 dự án thuộc diện rà soát, xem xét thu hồi theo quy định của pháp luật, 11 dự án giám sát đặc biệt, 9 dự án thuộc diện đôn đốc, theo dõi tiến độ. Thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh, chỉ đạo của UBND tỉnh, đến nay, ban quản lý đang rà soát, chấm dứt hoạt động 19 dự án.

Năm 2024, để tạo đột phá phát triển, Ban Quản lý các KKT, CN tỉnh sẽ tập trung vào những giải pháp nào?

Ban quản lý sẽ tập trung kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư cơ sở hạ tầng tại các KCN trên địa bàn. Phấn đấu nâng chất lượng xây dựng kết cấu hạ tầng KKT, KCN theo hướng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật với các tiện nghi, tiện ích công cộng phục vụ cho KKT, KCN. Bên cạnh đó, tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung KKT, KCN; lập quy hoạch chi tiết các khu vực; đảm bảo cung cấp các thông tin cần thiết cho nhà đầu tư trong quá trình nghiên cứu đầu tư dự án, cũng như thuận lợi trong công tác thẩm định, cấp phép đầu tư dự án.

Đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường,... rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính xuống mức thấp nhất để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư. Tập trung hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc giúp các dự án lớn, trọng điểm sớm được nghiệm thu hoàn thành, đi vào hoạt động để tạo năng lực tăng trưởng cho nền kinh tế tỉnh nhà.

Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tổ chức ký kết hợp đồng, hợp tác trong thu hút, xúc tiến đối với các tổ chức xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước có năng lực, đặc biệt các dự án công nghiệp quy mô lớn, tạo sức lan tỏa, thu hút các dịch vụ hỗ trợ du lịch, dự án công nghiệp hỗ trợ; đẩy nhanh công tác hoàn thiện hạ tầng…

Nguồn nhân lực cũng đóng vai trò quan trọng, cho nên việc chủ động xây dựng kế hoạch để đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng lao động của các nhà đầu tư khi đến đầu tư tại KKT, KCN cũng cần được lưu tâm. Giải pháp đưa ra là thông qua việc tăng cường phối hợp với các trung tâm đào tạo nghề, các trường cao đẳng công nghiệp, trung học dạy nghề trong và ngoài nước để kêu gọi thành lập chi nhánh tại Huế nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho sự phát triển của tỉnh; chú trọng hỗ trợ nhà đầu tư trong công tác tuyển dụng, đào tạo nguồn lao động phục vụ dự án...

Xin cảm ơn ông!

Lê Thọ (Thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thu hút FDI: Lợi ích kép

Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) là động lực tạo chuyển biến trong tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giải quyết việc làm cũng như thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu, ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động của doanh nghiệp (DN).

Thu hút FDI Lợi ích kép
Nâng cấp dịch vụ để thu hút “khách nhà giàu”

Khách hạng sang, giới siêu giàu gần đây khá quan tâm du lịch Việt Nam và Thừa Thiên Huế là một trong những điểm đến được họ quan tâm tới. Ngoài cảnh đẹp, muốn thu hút dòng khách này, chất lượng dịch vụ là yêu cầu hàng đầu.

Nâng cấp dịch vụ để thu hút “khách nhà giàu”
Thu hút đầu vào, đảm bảo đầu ra

Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đang được tỉnh, ngành lao động - thương binh và xã hội (LĐTB&XH) tiếp tục đẩy mạnh gắn với đổi mới để thu hút đầu vào, nâng chất lượng, đáp ứng yêu cầu của các nhà tuyển dụng, tổ chức và doanh nghiệp.

Thu hút đầu vào, đảm bảo đầu ra

TIN MỚI

Return to top