ClockThứ Sáu, 14/07/2023 11:35

Nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm

TTH.VN - Tại phiên thảo luận về các giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2023 của Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra sáng 14/7, các đại biểu đã chỉ ra nhiều giải pháp.

Chất vấn và trả lời chất vấn về lĩnh vực kinh tế, y tế, cải cách hành chính Lấy phiếu tín nhiệm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động bộ máy nhà nước


UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu điều hành phiên thảo luận. Ảnh: Hữu Phúc

Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Hà Văn Tuấn- Bí thư Thị ủy Hương Trà cho rằng, dù tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt 6,51%, là mức tăng trưởng khá so với các tỉnh, thành phố trong khu vực, tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn chưa như kỳ vọng và kế hoạch đặt ra là 9-10%. Do đó, đại biểu Hà Văn Tuấn đề nghị cần có các giải pháp căn cơ, hiệu quả hơn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tháng còn lại của năm 2023.

Một trong những giải pháp mà đại biểu Hà Văn Tuấn đề nghị thực hiện là cần tăng cường việc kêu gọi đầu tư, huy động vốn từ doanh nghiệp cho các dự án hạ tầng. Hương Trà đã áp dụng cách này trong việc đầu tư xây dựng cầu, đường. Nhờ thế đã có nhiều cây cầu được xây mới cho người dân đi lại thuận tiện, góp phần thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế.

Đối với lĩnh vực quy hoạch, đại biểu Hà Văn Tuấn cho rằng, cần xem xét kéo dài thời gian quy hoạch, nhất là các quy hoạch quan trọng. Vì nếu chỉ thực hiện trong vòng 10 năm thì chưa kịp thực hiện xong đã phải lập quy hoạch mới. Trong khi đó, ngân sách để thực hiện các quy hoạch khá lớn. Đối với quy hoạch tỉnh, hơn 100 tỷ đồng, quy hoạch phường hơn 2 tỷ đồng.

Để tăng thêm nguồn thu cho ngân sách, đại biểu Hà Văn Tuấn đề nghị cần kêu gọi thêm một số doanh nghiệp ở lĩnh vực xuất khẩu vào đầu tư ở Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô để tăng kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh. Đồng thời kêu gọi thêm doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác, nhất là các lĩnh vực sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, công nghệ cao.

Đại biểu Hà Văn Tuấn tham gia ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: Hữu Phúc

Về kêu gọi đầu tư, đại biểu Nguyễn Đại Vui - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, tỉnh đã kêu gọi được rất nhiều nhà đầu tư trong vài năm trở lại đây.

Trong đó có nhiều nhà đầu tư triển khai dự án và đi vào hoạt động hiệu quả. Chỉ riêng Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô dự kiến cuối tháng 12 này đi vào hoạt động sẽ sản xuất, lắp ráp được khoảng 6.000 chiếc ô tô. Dự kiến năm 2024, doanh nghiệp này đi vào hoạt động ổn định, sẽ đóng góp cho ngân sách mỗi năm từ 800-1.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, Khu công nghiệp Phong Điền hiện đang đóng góp cho ngân sách tỉnh khoảng 150 tỷ đồng. Giai đoạn 2023-2024 sẽ có một số dự án triển khai đi vào hoạt động và có sản phẩm cụ thể. Riêng một số khu công nghiệp khác hiện có khoảng 10 doanh nghiệp đăng ký và triển khai dự án. Dự kiến từ đây đến năm 2024 sẽ có 3 doanh nghiệp đi vào hoạt động. Bình quân mỗi năm đóng góp thêm khoảng 10 tỷ đồng cho ngân sách/doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Đại Vui, đây đều là những nguồn thu bền vững, giải pháp cho thu ngân sách trong những năm tới, khi mà một số nguồn thu khác sụt giảm như thu tiền sử dụng đất do thị trường bất động sản còn trầm lắng.

Về các giải pháp phát triển ngành du lịch, dịch vụ trong thời gian tới, đại biểu Trần Quốc Thắng-Bí thư Huyện ủy Quảng Điền đề nghị nên mở rộng và đa dạng các hình thức, loại hình, sản phẩm du lịch dịch vụ để thu hút khách, như du lịch sự kiện, hội nghị mang tầm quốc gia, quốc tế. Những sự kiện lớn luôn thu hút được một lượng lớn đại biểu, du khách và người nhà tham gia. Có sự kiện vài nghìn người tham dự sẽ góp phần tăng thu cho ngành du lịch.

Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô-điểm đến của các nhà đầu tư. Ảnh: Nguyễn Phong

Cũng đề xuất giải pháp cho ngành du lịch, đại biểu Nguyễn Đại Vui đề nghị nên nhanh chóng thay đổi hình thức tổ chức tham quan di sản bằng cách bán tour trọn gói thay vì chỉ bán vé như hiện nay. Nếu tổ chức theo tour sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp và người dân hưởng lợi khi họ bán được thêm các sản phẩm trải nghiệm, ẩm thực, giải trí…

Ở lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, hiện ngành đang triển khai các giải pháp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng nâng chất lượng và gia tăng giá trị sản phẩm, nhất là các giống lúa cho năng suất cao, giá trị kinh tế lớn.

Với lĩnh vực chăn nuôi, do thời gian qua thị trường có nhiều biến động, giá gia súc, gia cầm nhiều thời điểm rớt giá, giá thấp khiến người nuôi không mặn mà phát triển đàn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Đức nhận định, dư địa của ngành chăn nuôi của tỉnh rất lớn. Do đó, việc phát triển đàn gia súc, gia cầm trong thời gian tới là hoàn toàn có cơ sở khi thị trường đã có dấu hiệu ổn định và nhu cầu tiêu thụ khá lớn...

Kết thúc phiên thảo luận, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu cho rằng, các giải pháp mà đại biểu nêu đã đi đúng vào trọng tâm, trọng điểm và có thể áp dụng triển khai trong thời gian tới.

NHÓM PV-BTV
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thoát nước đô thị

Theo đánh giá của Sở Xây dựng, hệ thống thoát nước ở Khu đô thị mới (KĐTM) An Vân Dương tính đến thời điểm hiện tại đã đáp ứng cơ bản nhu cầu tiêu thoát nước mưa trong khu vục. Tuy nhiên, vẫn có một số vị trí có tình trạng ngập úng cục bộ do vướng mặt bằng nên chưa đầu tư liên thông hệ thống thoát nước đồng bộ.

Đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thoát nước đô thị
Phát huy thế mạnh trong thu hút đầu tư, kinh doanh

Với lợi thế cách Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô khoảng 40km, đồng thời nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, có QL1A và đường sắt Bắc- Nam đi qua, đặc biệt có Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài và Khu công nghiệp (KCN) Phú Bài nên Hương Thủy hội tụ gần như đầy đủ các yếu tố thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế, giao lưu thương mại với các vùng, miền trong nước cũng như quốc tế.

Phát huy thế mạnh trong thu hút đầu tư, kinh doanh
Return to top