|
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng thăm xã Hương Sơn, huyện Nam Đông |
Trong thời giam đảm đương vai trò Chủ tịch Quốc hội (2006-2011) anh Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc tại Thừa Thiên hai lần. Lần đầu vào đầu năm 2007 khi anh thị sát tuyến đường Hồ Chí Minh từ A Lưới đi Kon Tum và lần hai vào tháng 3/2009. Đây là chuyến thăm và làm việc chính thức của anh tại Thừa Thiên Huế.
Là Bí thư Tỉnh ủy, tôi đã có dịp gặp gỡ, trao đổi với anh những vấn đề lớn mà Đảng bộ Thừa Thiên Huế đang ấp ủ thực hiện.
Tranh thủ trên đường về thăm cơ sở, tôi thưa với anh, sau gần 10 năm nỗ lực khắc phục hậu quả của trận lũ lịch sử năm 1999 đến nay, chúng tôi đã cơ bản ổn định được cuộc sống cho người dân; nhiều cây cầu đã được xây, nhờ thế vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đã được nối liền không còn bị chia cắt như trước. Đối với miền núi, chúng tôi đã cơ bản xóa được nhà tạm. Trong hai huyện miền núi: Nam Đông và A Lưới thì đời sống của bà con Nam Đông có khá hơn.
Riêng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, nơi có gần 1/3 dân số sinh sống, chúng tôi đang khảo sát lập đề án xây dựng và phát triển và dự định trong năm tới (2010) sẽ tiến hành tái định cư không chỉ cho bà con vạn chài sống trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai mà còn tái định cư cho dân vạn đò trên sông Hương.
Sau khi nghe tôi trình bày ý định sẽ chọn những vị trí ven đầm phá vừa tiện cho dân làm ăn vừa có nơi học hành, chữa bệnh để xây các khu tái định cư, anh Trọng rất ủng hộ và tỏ rõ sự vui mừng khi nói “Được thế thì nhân văn quá! Đảng ta Đạo đức, Văn minh là từ những việc làm này!”.
Một vấn đề lớn mà Đảng bộ, Nhân dân Thừa Thiên Huế mong mỏi đó là, sớm đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương nhằm khẳng định vai trò, vị thế của mình, đặc biệt là Cố đô Huế. Nghe tôi nêu tóm tắt lộ trình, anh Trọng khuyên tỉnh cần lập đề án trình Bộ Chính trị, mình ủng hộ chủ trương đó.
|
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng thăm công trình hồ chứa nước Tả Trạch |
Trong hai ngày ở thăm và làm việc (9-10/3/2009), tôi đã tháp tùng đưa anh Nguyễn Phú Trọng lên huyện miền núi Nam Đông thăm xã Hương Sơn, nơi định cư của 100% bà con dân tộc Cơ Tu. Anh Trọng thật sự vui mừng khi biết trong chiến tranh đồng bào một lòng một dạ đi theo Đảng và nay trong hòa bình đoàn kết cùng xây dựng cuộc sống tươi đẹp hơn.
Cùng dự làm việc với anh, tôi hơi bất ngờ khi bà con đề nghị “Bác Chủ tịch Quốc hội ủng hộ bà con tôi cái nhà Gươl, vì hiện nay chúng tôi đã có điện - đường - trường - trạm nhưng cái đó thì chưa có!”.
Nghe xong, anh quay sang hỏi tôi: “Nguyện vọng của bà con mình thấy là chính đáng, ý anh thế nào?”. Tôi đáp: “Anh cứ hứa với bà con đi, Trung ương không làm thì tỉnh sẽ làm”!
Thăm công trình thủy lợi Tả Trạch, sau khi thị sát hiện trường, anh Nguyễn Phú Trọng đã chăm chú lắng nghe Ban quản lý báo cáo tiến độ và những thách thức đang đối mặt. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in lời dặn dò của anh “Không vì tiến độ mà xem nhẹ chất lượng công trình. Các đồng chí cần phải luôn khắc ghi: phía dưới hồ chứa nước khổng lồ này là tính mạng của hàng vạn con người nên không được vội. Điều gì chưa chắc phải khảo sát, nghiên cứu. Đến khi khoa học chứng minh là làm được ta mới triển khai”.
Thực hiện tinh thần chỉ đạo của anh mà công trình hồ chứa nước Tả Trạch kéo dài nhiều năm và đến nay hiệu quả của nó đã được kiểm chứng.
Anh Nguyễn Phú Trọng ra đi là một mất mát lớn của Đảng và của Nhân dân. Lộ trình phấn đấu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đang đến gần.
Hồ Xuân Mãn
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng Khóa IX, X; Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế