Cuối tuần qua, hình ảnh hàng trăm người dân xã Phong Chương (huyện Phong Điền) đội mưa ra quân trồng rừng đã khởi đi nguồn năng lượng tích cực.
Chương trình thuộc dự án nhằm phục hồi rừng bản địa trên cát kết hợp phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu do một tổ chức của CHLB Đức tài trợ.
Với kinh phí được tài trợ trên 4 tỷ đồng, dự án nhằm phủ xanh những cánh đồng cát (khoảng 10ha) đã bị “sa mạc hóa” ở xã nghèo Phong Chương để chống cát bay, cát nhảy, góp phần điều hòa khí hậu, ngăn chặn ảnh hưởng thảm họa thiên tai đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Trước đó, hưởng ứng chủ trương trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ, cuối tháng 11 vừa qua, nhiều hoạt động trồng rừng được triển khai trên địa bàn tỉnh.
Không chỉ người dân, chủ rừng, các đơn vị lâm nghiệp, hoạt động trồng rừng có sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng. Hình ảnh Hoa hậu H’Hen Niê, Nghệ sĩ Trường Giang, Ngô Kiến Huy… tham gia trồng rừng ở núi Bạch Mã cũng đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ về ý thức bảo vệ rừng.
Sự diễn biến thất thường, khó lường của biến đổi khí hậu đang tác động ngày càng xấu đến môi trường. Rõ nhất, đợt mưa lũ trái vụ mấy ngày qua phút chốc đã khiến 4 người dân thiệt mạng, do lũ ập về bất ngờ.
Mất mát chưa nguôi ngoai khi sáng qua, ngày 4/12, thi thể của hai cậu cháu trên đường về nhà từ trường học bị lũ cuốn trôi mới được tìm thấy. Mưa lũ cũng làm sạt lở nhiều tuyến đường trọng yếu. Có những nơi, việc khắc phục sự cố sạt lở các đợt lũ trước chưa xong, lại đối mặt với tình trạng sạt lở mới, khi lũ nối tiếp lũ.
Trước thảm họa thiên tai, chương trình thời sự tối 3/12 của VTV phản ánh một thực trạng nhức nhối, khi ở nhiều tỉnh, các cánh rừng nguyên sinh bị xâm hại, bào mòn bởi nạn phá rừng không dứt và tình trạng lấy đất rừng tự nhiên để trồng cây sản xuất như keo, tràm. Ở đó, những cánh rừng sau khi thu hoạch keo, tràm, đã bị “cạo trọc”, là nguyên nhân dẫn đến lũ quét, sạt lở đất bất thường đã xảy ra, với không ít mất mát, đau thương.
Rừng, được ví như lá phổi của trái đất, nhưng lá phổi ấy đang hàng ngày bị tổn thương. Làm gì để lấp trống những đồi núi trọc, những cánh đồng cát sa mạc hóa để bảo vệ trái đất, bảo vệ môi trường thiên nhiên đang là vấn đề cấp bách.
Khi viết những dòng này, trước mắt tôi lại hiện lên nụ cười hạnh phúc của những người phụ nữ tham gia trồng rừng trên cát. Những bàn tay chai sần lao động của họ nhẹ nhàng nâng niu từng cây con được đào hố trồng trên những đồng cát không một bóng cây ở xã vùng cát Phong Chương.
Với nguồn kinh phí đầu tư không hề nhỏ (trên 4 tỷ đồng) và công sức của người dân, khoảng 10ha cát khô cằn ở Phong Chương rồi sẽ được cây rừng che chở. Rừng sẽ là nơi nương tựa cho sự sống, mưu sinh của người dân.
Nhưng 10ha rừng được đầu tư phục hồi ở Phong Chương hay những cây rừng mới được trồng ở Bạch Mã với sự chung tay của các nghệ sĩ, chỉ là những dự án “mồi”.
Để rừng thực sự sinh sôi một cách bền vững, lâu dài, để đủ sức ngăn chặn những cơn lũ bất thường, để xanh hóa những trảng cát cháy bỏng, những khu đồi trọc…, ý thức trồng rừng, bảo vệ rừng phải được duy trì, phát động thường xuyên từ mỗi gia đình, mỗi thôn, mỗi làng, xã… Hiệu quả sẽ nhỏ bé, bấp bênh, nếu việc trồng rừng chỉ trông chờ vào dự án được hỗ trợ kinh phí.
Kim Oanh