ClockThứ Tư, 23/10/2024 19:34
Thảo luận Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi):

Phân cấp, phân quyền tạo ra hiệu quả cao trong trùng tu di sản

TTH.VN - Tại phiên thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) chiều 23/10, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Nguyễn Thị Sửu đã dẫn chứng về công tác bảo tồn, trùng tu di sản Huế để góp ý cho dự thảo.

Đẩy mạnh giáo dục di sản cho học sinhBảo tồn di sản văn hóa bằng công nghệ sốNền tảng phát huy các giá trị văn hóa, di sảnTrung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đoạt giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2024 Di sản văn hóa có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội

 Phiên thảo luận Dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) chiều 23/10. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu nhìn nhận, điểm mới quan trọng trong Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) lần này đó là có quy định về cải tạo, sửa chữa, xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ I và II, nhất là đối với khu vực II.

Theo bà Sửu, thực tế, các cái hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực này rất khó khăn. Bởi lẽ, sau khi khoanh vùng khu vực bảo vệ II di tích trên bản đồ địa chính theo Luật Di sản văn hóa, bắt buộc trong quy hoạch sử dụng đất phải ghi chức năng sử dụng là đất di tích, dẫn đến khi triển khai quy hoạch chi tiết xây dựng cũng sẽ thể hiện là đất di tích. Các hoạt động sửa chữa, cải tạo, xây dựng nhà cửa cũng cực kỳ khó khăn chứ chưa nói việc xác lập các quyền thừa kế, chuyển nhượng, sở hữu để triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Từ những phân tích đó, đại biểu đề nghị cần khắc phục tình trạng trên và tạo sự thống nhất giữa các luật; thể hiện rõ các quy định chức năng sử dụng khoanh vùng bảo vệ đối với khu vực bảo vệ.

Về dự án đầu tư xây dựng công trình sửa chữa, cải tạo xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới quy định ở Điều 29, bà Sửu đề nghị ban soạn thảo thể hiện đảm bảo sự đồng bộ và theo định hướng chung về phân cấp phân quyền.

“Trên thực tế, việc phân cấp, phân quyền cho Thừa Thiên Huế trong việc quyết định đầu tư các dự án di tích trên địa bàn đã tạo ra  thuận lợi, vừa giúp rút ngắn thời gian, vừa đảm bảo hiệu quả các dự án trùng tu di tích trên địa bàn. Điều này được các cơ quan chức năng, chuyên môn trong và ngoài nước đánh giá cao”, bà Sửu nói.

 Đại biểu Nguyễn Thị Sửu tham gia thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Từ dẫn chứng đó, bà Sửu cho rằng, ban soạn thảo nên cơ bản giữ nguyên các cái quyết định trước đây trong luật về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư.

Liên quan đến việc di dời, thay đổi hiện vật trong di tích quy định ở Điều 31, bà Nguyễn Thị Sửu thông tin: Hiện, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế quản lý nhiều điểm di tích, trong đó riêng Quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận là di sản văn hóa thế giới gồm đến 13 điểm độc lập; việc luân phiên trưng bày tại các điểm di tích nhằm phát huy giá trị là hoạt động thường xuyên, nếu thực hiện theo những quy định tại điều này thì sẽ rất khó khăn. “Tôi đề nghị ban soạn thảo bổ sung quy định rõ đối với việc di dời thay đổi hiện vật đối với từng di tích độc lập và cả quần thể di tích”, bà Sửu nêu quan điểm.

Bà Nguyễn Thị Sửu cũng cho rằng, về hoạt động phát huy giá trị di tích Điều 26, khoản 4 chỉ dừng ở quy định là tổ chức hoặc liên kết tổ chức hoạt động du lịch dịch vụ phục vụ công chúng tham quan nghiên cứu học tập tại di tích là chưa đầy đủ.

Theo bà Sửu trên thực tế, ngoài tổ chức thực hiện cần có sự tham gia của một số thành phần kinh tế với nhiều hình thức khác như, hợp tác,  hợp tác công tư liên doanh, liên kết. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần bổ sung liên kết hợp tác hoặc hợp tác công tư. Nữ đại biểu cũng kiến nghị, quy định người chủ trì thăm dò khai quật khảo cổ đáp ứng từ trình độ đại học trở lên chuyên ngành khảo cổ học là thu hẹp đối tượng có chuyên môn liên quan vì hiện nay, chuyên ngành khảo cổ học rất ít người học và rất ít trường hợp đào tạo chuyên môn do đó càng ngày càng thiếu nhân lực không đáp ứng được nhu cầu.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Dự án Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) có nhiều nội dung lớn, chuyên môn sâu, mang tính xã hội cao, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp rộng, nhận được sự quan tâm rất lớn của cử tri cả nước và các vị đại biểu Quốc hội. Tại Kỳ họp thứ 7, đã có 122 lượt ý kiến phát biểu ở tổ và hội trường. Sau kỳ họp, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, lấy kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, những người có kinh nghiệm trong công tác quản lý để tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật; xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề pháp luật và Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trong tháng 8/2024. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp này gồm 9 chương, 100 điều, giảm 2 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

 

LÊ THỌ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chính sách sử dụng người tài: Lịch sử và vấn đề đặt ra

Phát hiện, tiến cử, thu hút, trọng dụng nhân tài luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Việc đặt ra những chính sách kịp thời, phù hợp hơn để thu hút và trọng dụng nhân tài là vô cùng quan trọng và cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Chính sách sử dụng người tài Lịch sử và vấn đề đặt ra
Return to top