Phú Đa ngày một khang trang (Ảnh mang tính minh họa)
Ông Lê Tám ở thôn Đồng Di Tây, xã Phú Hồ hào hứng khi nói về việc sáp nhập thôn: “Thôn tôi sẽ sáp nhập với thôn Đồng Di Đông để có thôn mới là thôn Đồng Di. Được biết, kinh phí tiết kiệm từ việc tinh giản bộ máy sẽ dùng để đầu tư hạ tầng nên bà con ai cũng phấn khởi và đồng lòng nhất trí”.
Trên địa bàn huyện Phú Vang còn nhiều thôn, tổ dân phố có quy mô nhỏ (dưới 200 hộ và tổ dân phố dưới 150 hộ), không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước nhưng vẫn có chi bộ Đảng, chính quyền, Ban công tác Mặt trận, các tổ chức đoàn thể nên vẫn phải chi trả phụ cấp cho những hoạt động không chuyên trách. Sau khi rà soát và lựa chọn, các xã có thôn, tổ dân phố cần sáp nhập là: Phú Hồ, Phú Lương, Phú Mậu, Vinh Hà và thị trấn Phú Đa.
Để không làm thay đổi địa giới đơn vị hành chính cấp xã; các thôn, tổ dân phố thực hiện sáp nhập có vị trí liền kề nhau, địa hình không bị chia cắt phức tạp, thuận tiện cho việc phát triển sản xuất, kinh doanh để ổn định đời sống của Nhân dân; đồng thời, để giải quyết những băn khoăn khác của người dân, như việc thống nhất cách đặt tên gọi sau sáp nhập, tạo điều kiện trong việc điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ, thủ tục hành chính cho Nhân dân..., huyện Phú Vang đã chỉ đạo các xã nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn để làm tốt công tác tuyên truyền vận động, bám sát địa bàn nhằm nắm bắt tình hình để kịp thời chỉ đạo, giải quyết tình huống vướng mắc phát sinh.
Ông La Đình Tân, Chủ tịch UBND xã Vinh Hà, cho hay: “Ngoài những e ngại của người dân, ban đầu chúng tôi còn lo ngại tâm tư của một số cán bộ không chuyên trách vì không còn lương, phụ cấp hàng tháng. Tuy nhiên, sau khi nghe giải thích về lợi ích chung, không chỉ đa số người dân đồng thuận mà các trưởng thôn, tổ trưởng cũng hưởng ứng tích cực nên các bước tiếp theo thực hiện khá thuận lợi”. Ông La Văn Quang, Trưởng thôn Phường 1, xã Vinh Hà trải lòng: “Hơn 10 năm làm trưởng thôn, tôi rất vui vì được bà con tín nhiệm, nhưng việc sáp nhập thôn là để tránh cồng kềnh bộ máy thì dù không còn là trưởng thôn tôi vẫn hết lòng vì thôn xóm, không có bất kỳ tâm tư gì”.
Xã Vinh Hà trước đây có 5 thôn, sau khi sáp nhập 1 thôn còn 4 thôn; thị trấn Phú Đa trước đây có 9 tổ dân phố, cũng đã sắp xếp để sáp nhập 6 tổ dân phố quy mô nhỏ thành 3 tổ mới và còn lại 6 tổ dân phố. Xã Phú Mậu sau khi sáp nhập 2 thôn thành 1 thôn mới, toàn xã còn lại 6 thôn. Hai xã có số thôn giảm nhiều nhất là Phú Lương từ 10 thôn giảm còn 3 thôn; Phú Hồ từ 8 thôn, giảm còn 3 thôn. Riêng thôn An Hạ (28 hộ, 156 nhân khẩu) thuộc xã Phú Xuân được sáp nhập với thôn An Hạ của xã Phú Mỹ để phù hợp với địa giới hành chính và thuận tiện trong sinh hoạt, nên xã Phú Xuân từ 8 thôn còn 7 thôn. Huyện Phú Vang đã hoàn thiện hồ sơ và báo cáo để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thực hiện sáp nhận 31 thôn, tổ dân phố để thành lập 13 thôn, tổ dân phố mới (giảm 15 thôn và 3 tổ dân phố) từ các xã, thị trấn nói trên.
Ông Dương Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Phú Hồ cho biết: “Theo tính toán ban đầu, kinh phí tiết giảm bộ máy sẽ được khoảng 300 triệu đồng/năm. Nguồn kinh phí này chúng tôi sẽ tập trung cho việc xây dựng, sửa chữa, nâng cấp nhà văn hóa, sân thể thao, đường giao thông nông thôn..., đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân".
Dự kiến sau khi sáp nhập các thôn, tổ dân phố, Phú Vang giảm trả lương cho 108 người hoạt động không chuyên trách, nguồn kinh phí tiết kiệm mỗi năm được gần 1,3 tỷ đồng. Ngoài ra, còn tiết kiệm thêm 73 triệu đồng/năm từ kinh phí thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” theo quy định của UBND tỉnh.
Bí thư Huyện ủy Phú Vang, ông Lê Thanh Hải khẳng định: “Có được kết quả đó là nhờ cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở có quyết tâm cao, nhất quán trong nhận thức suốt quá trình triển khai đề án”.
Bài, ảnh: HƯƠNG LAN