ClockThứ Ba, 26/11/2019 19:42

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước

Chiều 26/11, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ 94% tổng số đại biểu tán thành. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.

Quốc hội chốt độ tuổi quân nhân dự bị động viên trong thời bìnhMỗi vụ hòa giải thành công giúp giảm chi ngân sách ít nhất 4,3 triệu đồngChính thức quy định kỷ luật “xoá tư cách chức vụ” cán bộ nghỉ hưuNhiều ý kiến khác nhau về quy định Kiểm toán Nhà nước tham gia giám định tư phápTiến hành quy trình bầu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hộiTuần làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Luật quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán là cơ quan, tổ chức, cá nhân được xác định trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán là có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là một trong những nội dung sửa đổi quan trọng nhằm xác lập cơ sở pháp lý, tạo thuận lợi cho Kiểm toán Nhà nước trong quá trình thực thi nhiệm vụ, đồng thời bổ sung các quy định nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán.

Các nội dung thể hiện trong dự thảo Luật đã chỉ rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải được xác định trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán, đó là các đối tượng có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán để bảo đảm cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ. Dự thảo Luật cũng quy định rõ chỉ thực hiện kiểm tra, đối chiếu các nội dung liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán của đơn vị được kiểm toán tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong trường hợp cần kiểm toán toàn diện đối với nhóm đối tượng này, Kiểm toán Nhà nước phải thực hiện quy trình để bổ sung vào kế hoạch kiểm toán và ban hành quyết định kiểm toán theo quy định tại Mục 1 Chương IV Luật hiện hành.

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định rõ: Kiểm toán Nhà nước có quyền yêu cầu đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu phục vụ cho việc kiểm toán; được truy cập vào cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán để khai thác, thu thập thông tin, tài liệu liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán. Việc truy cập dữ liệu phải tuân thủ các quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm bảo vệ bí mật, bảo mật, an toàn theo quy định của pháp luật.

Nội dung này được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến tại các phiên thảo luận trước đó.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc bổ sung quyền truy cập, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử cho Kiểm toán nhà nước là cần thiết để phục vụ hoạt động kiểm toán, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Tuy nhiên, việc truy cập, khai thác thông tin, trong đó có thông tin liên quan đến an ninh quốc gia, bí mật cá nhân đều phải được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, đúng theo tinh thần Hiến pháp, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin, Luật Căn cước công dân... Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, bổ sung cụm từ "việc truy cập phải tuân thủ quy định của pháp luật"; đồng thời để bảo đảm tính chặt chẽ của quy định, tránh việc vận dụng tùy tiện và bảo đảm tính hợp lý, khả thi, bỏ quy định phải thống nhất về phạm vi truy cập, khai thác dữ liệu điện tử.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top