ClockThứ Năm, 09/03/2023 08:44

Quy định số 96-QĐ/TW và trách nhiệm của người cầm lá phiếu

TTH.VN - Ngày 2/2/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Giữa không khí rộn ràng của những ngày đầu xuân Quý Mão, cán bộ và người dân đã đón nhận thông tin này với một niềm tin sâu sắc...

Quy định số 96-QĐ/TW: Nâng cao trách nhiệm từ ba phíaQuy định mới về lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lýQuy định về lấy phiếu tín nhiệm chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý

leftcenterrightdel

 Năm 2023, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 6 diễn ra vào tháng 10. Ảnh: TTXVN

Thực tế, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo quản lý là việc làm không quá mới lạ ở nước ta, bởi đã được tổ chức thực hiện từ nhiều năm nay theo Quy định 262/2014. Tuy nhiên, trong nhận thức của nhiều người, việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm như vừa qua gần như chỉ nặng tính “biểu tượng”, còn sức răn đe trong đội ngũ, sự lan tỏa trong xã hội vẫn còn hạn chế.

Với Quy định số 96-QĐ/TW lần này thì hoàn toàn khác. Với mục tiêu xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ; giúp cán bộ "tự soi", "tự sửa", tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác; là cơ sở quan trọng để cấp ủy, tổ chức đảng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ; nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, giám sát cán bộ; góp phần tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng. Quá trình tổ chức lấy phiếu tín nhiệm được Đảng ta yêu cầu phải thực hiện nghiêm theo đúng quy định và phải bảo đảm thực chất. Đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm là cán bộ giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp có đơn vị trực thuộc.

Có một số điểm mới cơ bản trong việc lấy phiếu tín nhiệm theo Quy định 96-QĐ/TW so với Quy định 262/2014, trong đó, bên cạnh 2 tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm là phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao đã bổ sung thêm tiêu chí về kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương. Đặc biệt ở nội dung tín nhiệm, tiêu chí “sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước” đã được đề cập đến. Đây là điểm được dư luận rất tâm đắc. Bởi trên thực tế, không hiếm cán bộ đôi lúc quá bận “công vụ” mà quên để mắt chăm sóc, thả cho vợ (chồng), con cái muốn làm gì thì làm. Và cũng thực tế cho thấy, không hiếm đối tượng vợ (chồng), con cái này đã dựa hơi chồng (vợ), cha (mẹ) của mình để tác oai tác quái, gây bao hệ lụy, bao bức xúc cho xã hội; trực tiếp làm tổn hại uy tín, danh dự của Đảng, Nhà nước, “can dự” vào sự tồn vong của chế độ.

Người xưa có dạy: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Giải thích thì dài dòng, nhưng có thể hiểu nôm na đó là tuần tự các bước để một người đi ra thi thố với đời. Trước tiên phải biết nghiêm khắc, hoàn thiện bản thân mình; tiếp đó là phải biết giáo dục vợ con, khiến cho gia đình tốt đẹp, tề chỉnh, có nề nếp, gia phong. Được 2 yếu tố kia rồi mới mong có thể dự phần trong việc “trị quốc”, lo được việc nước, làm cho quốc gia có kỷ cương, phép tắc. Lòng người lúc ấy mới quy thuận, thiên hạ mới thái bình. Nghe có vẻ hơi “cổ lỗ” nhưng xem chừng nó là chân lý luôn được công nhận. Trong 4 bước vừa dẫn thì tu thân, tề gia là gốc. Có tu thân, có tề gia thì cán bộ mới tốt, mới tinh thông; đất nước, dân tộc có được đội ngũ như vậy thì mới phát triển phồn vinh, hạnh phúc vững bền. Vì thế, song song với việc lấy tín nhiệm đối với cán bộ về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao… Quy định 96 bổ sung thêm tiêu chí “sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước” đã được dư luận hết sức đồng tình, đón nhận.

Cùng với các tiêu chí thì việc sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm cũng khiến cán bộ và Nhân dân nức lòng tin tưởng. Lấy phiếu tín nhiệm theo Quy định 96 không còn là để “cho biết” nữa, mà là để làm căn cứ cho việc sử dụng, quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu, thực hiện chính sách đối với cán bộ. Và sử dụng ngay chứ không phải là để thong thả “nghiên cứu”. Điều 11 quy định rất rõ:

- Những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định.

- Những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.

Việc lấy phiếu tín nhiệm theo quy định mới vì vậy thực sự là một thao tác kiểm tra, “sát hạch” nghiêm túc chứ không đơn thuần chỉ là chuyện thăm dò, đánh giá chung chung như lâu nay nhiều người vẫn nghĩ nữa.

Tất nhiên, khi Quy định 96 được ban hành, không phải không xuất hiện tâm lý lo lắng có thể ở đâu đó sẽ có tình trạng người tốt nhưng “cô thế” sẽ bị “chết oan” và ngược lại. Đó là tâm lý rất bình thường và cũng là nỗi lo chính đáng. Tuy nhiên, với tinh thần “Dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch; Nghiêm cấm và xử lý nghiêm hành vi vi phạm, làm sai lệch mức độ tín nhiệm hoặc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm để làm giảm uy tín của người khác, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ; Phải báo cáo (kết quả tín nhiệm) cho cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ và được công khai theo quy định.” Đồng thời, với việc không tồn tại khái niệm “hạ cánh an toàn” nữa, mọi sai phạm đều phải được xử lý dù đối tượng (sai phạm) đã chuyển công tác, đã về hưu… tin chắc hoạt động lấy phiếu tín nhiệm sẽ phải được tiến hành nề nếp, chất lượng. Tất nhiên, bên cạnh cơ chế, còn đòi hỏi người cầm lá phiếu phải thực sự phát huy tinh thần cán bộ đảng viên. Phải ý thức được rằng lá phiếu ấy không chỉ mang ý nghĩa tín nhiệm với cá nhân nào hết, mà cao cả hơn, đó là trách nhiệm với Đảng, với dân, với tiền đồ của quê hương, đất nước.

Hiền An
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trách nhiệm với công tác tuyển quân

Gần 30 năm đảm nhiệm công tác tuyển quân, Thiếu tá Quân nhân chuyên nghiệp Trần Xuân Toản, nhân viên Quân lực, Ban Tham mưu, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Nam Đông luôn khắc phục khó khăn, trách nhiệm với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trách nhiệm với công tác tuyển quân
Trách nhiệm trước xã hội

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Trần Thị Kim Loan đánh giá: Ban Phụ nữ (PN) Công an tỉnh là một trong những đơn vị mạnh, có nhiều mô hình, chương trình cụ thể, thiết thực hướng về cơ sở, vì cộng đồng, trách nhiệm với người dân.

Trách nhiệm trước xã hội
Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong hoạt động tiếp công dân

UBND huyện Quảng Điền chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành tăng cường công tác tiếp công dân (TCD), giải quyết khiếu nại (KN), tố cáo (TC) trên các lĩnh vực nhằm ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong hoạt động tiếp công dân
Return to top