Tham dự có UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; các thành viên Đoàn giám sát cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan…
Cần hoàn thiện các văn bản hướng dẫn
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, sau 2 năm triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia (CTMTQG) trên địa bàn tỉnh, hạ tầng nông thôn đã được tăng cường đầu tư, diện mạo nông thôn có bước khởi sắc. Các mô hình ứng dụng công nghệ cao dần được hình thành và phát triển; công tác phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn được quan tâm đầu tư; chương trình mỗi xã một sản phẩm đang dần được mở rộng ở các địa phương; chương trình du lịch nông thôn và công tác chuyển đổi số hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh được tỉnh quan tâm đầu tư và được các địa phương và người dân hưởng ứng; các nội dung về văn hóa, xã hội, giáo dục, môi trường từng bước được quan tâm, góp phần làm cho đời sống tinh thần của người dân nông thôn phát triển theo hướng lành mạnh hơn, văn minh hơn; hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường và củng cố; an ninh trật tự, an toàn xã hội nông thôn tiếp tục được giữ vững. Đời sống của Nhân dân vùng nông thôn từng bước được cải thiện. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo.
Với mục tiêu, nhiệm vụ phấn đấu đến năm 2025 thực hiện các CTMTQG trên địa bàn tỉnh có 82 xã đạt chuẩn nông thôn mới, giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 3%, 4 xã và 3 thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn, 1 huyện thoát khỏi huyện nghèo, 7 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn lại 2,0-2,2% là khả thi. Liên quan giải ngân các nguồn vốn, đến đến thời điểm ngày 19/7/2023 giải ngân tỷ lệ giải ngân đạt 34,2%.
Ông Nguyễn Văn Phương cho biết, khó khăn vướng mắc trong áp dụng các quy định quản lý, tổ chức thực hiện từng CTMTQG là chưa thể giải ngân nhanh dự toán vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình do chưa có hướng dẫn đầy đủ của Trung ương hoặc còn nội dung hướng dẫn chưa thống nhất giữa các văn bản do Bộ, cơ quan Trung ương ban hành. Ông Phương cũng kiến nghị, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phổ biến và tổ chức hướng dẫn, tập huấn để địa phương thực hiện đồng bộ, tránh phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời, đề nghị các bộ, ngành Trung ương sớm có giải pháp xử lý dứt điểm, ban hành văn bản hướng dẫn địa phương thực hiện các nội dung còn vướng mắc trong áp dụng các thông tư, văn bản do cấp Bộ ban hành phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương, không trái quy định pháp luật.
|
|
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu phát biểu tại buổi làm việc |
Làm rõ thêm một số vấn đề, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu khẳng định quyết tâm của tỉnh trong việc thực hiện 3 CTMTQG. Theo đó, để triển khai các chương trình, UBND tỉnh đã phát động nhiều phong trào, về phía HĐND tỉnh cũng đã ban hành 39 nghị quyết. Ông Lưu cho rằng, các văn bản hướng dẫn của Trung ương có độ trễ, ban hành chậm, ảnh hướng đến tiến độ triển khai các dự án.
Huy động mọi nguồn lực
Phó Chủ tịch Quốc hội và các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục khó khăn; chủ động, tích cực chỉ đạo, triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết của Quốc hội về các CTMTQG. Đến nay, kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới bước đầu cơ bản đạt yêu cầu.
Các thành viên đoàn giám sát cũng nêu lên những băn khoăn liên quan đến quá trình triển khai thực hiện 3 CTMTQG. Đó là, các vấn đề về bộ tiêu chí nông thôn mới; phân bổ vốn cho dự án giảm nghèo hỗ trợ nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; trước việc vốn sự nghiệp chưa được giải ngân thì mục tiêu giải ngân đến cuối năm như thế nào; mục tiêu đưa A Lưới thoát khỏi huyện nghèo liệu có đạt được hay không… Lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan đã trực tiếp trả lời những thắc mắc của Đoàn công tác. Lãnh đạo tỉnh cũng tiếp thu, giải trình thêm một số ý kiến mà đoàn công tác nêu.
|
|
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận buổi họp |
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho rằng, tỉnh đã có nhiều cách làm hay, xác định rõ các mục tiêu đột phá, tạo chuyển biến từ nhận thức đến tư duy sản xuất cho người dân, tạo lòng tin trong Nhân dân; đồng thời, chia sẻ với tỉnh về những khó khăn, đặc biệt là sự mâu thuẫn trong bảo tồn và phát triển. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đánh giá cao việc lãnh đạo tỉnh đã chủ động, tích cực trong chỉ đạo và thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia; góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi, đời sống nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các CTMTQG , phát huy những cách làm hay, hiệu quả trong quá trình thực hiện, trong đó cần lấy công tác giảm nghèo làm trọng tâm, lồng ghép các chương trình mục tiêu để giảm nghèo một cách bền vững. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị trong triển khai thực hiện, đặc biệt có sự thống nhất trong chủ trương, cách làm theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; rà soát toàn bộ chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể của các chương trình mục tiêu quốc gia để đánh giá mức độ hoàn thành nhằm dốc sức thực hiện và đảm bảo hoàn thành theo kế hoạch đề ra.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý tỉnh tiếp thu đầy đủ ý kiến của Tổ công tác và các thành viên Đoàn giám sát, bổ sung hoàn thiện báo cáo gửi Đoàn giám sát. Về các kiến nghị của tỉnh, Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, tiếp thu và sẽ có ý kiến với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ vướng mắc, giúp tỉnh đạt được những mục tiêu đã đề ra.