Nữ tướng Nguyễn Thị Định về thăm nơi xuất phát tàu vận chuyển vũ khí về Nam cuối năm 1946 tại cửa sông Đà Rằng (thành phố Tuy Hòa) năm 1982. Ảnh: Tư liệu
Ra đời một huyền thoại
Nhà văn Tô Phương, nguyên Tổng biên tập Báo Phú Yên kể lại, năm 1945, Nguyễn Thị Định tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền tỉnh Bến Tre và được bầu vào Ban Chấp hành phụ nữ cứu quốc tỉnh. Năm 1946, bà được tổ chức cử ra Trung ương báo cáo tình hình tỉnh Bến Tre và cả Khu 8, đồng thời xin Trung ương chi viện vũ khí cho Nam bộ. Bà được gặp Chính phủ Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh, mọi yêu cầu của bà đều được Bác Hồ và Trung ương giải quyết. Trung ương hình thành đường dây vận chuyển vũ khí chi viện cho Nam bộ do bà Nguyễn Thị Định đề xuất và phụ trách tổ chức thực hiện, lấy vùng tự do Khu 5 làm trung chuyển.
Từ Hà Nội, bà Định lặn lội vào Quảng Ngãi làm việc với Khu ủy V và vào Phú Yên tổ chức bến bãi vận chuyển. Từ Quảng Ngãi, bà nhận vũ khí rồi vận chuyển bằng tàu lửa vào ga Tuy Hòa, Phú Yên. Tại Phú Yên, dựa vào sự giúp đỡ của Đảng bộ và Nhân dân địa phương, bà dành thời gian khảo sát các bến bãi từ vùng biển Gành Đỏ đến Tiên Châu và sau cùng chọn bến xuất phát ở bến cá Phú Câu cửa biển Đà Diễn (Tuy Hòa). Với sự giúp đỡ của quân dân, bà Định chỉ huy việc đóng tàu và chọn người giúp sức vận chuyển vũ khí về Bến Tre. Một đêm đông năm 1946, gió bấc thổi mạnh, bà Nguyễn Thị Định chỉ huy đoàn thuyền nan hiên ngang xuất bến Đà Diễn trong đêm tối mịt mùng vận chuyển 12 tấn vũ khí cập bến Thạnh Phong (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) an toàn.
Đầu năm 1960, cùng với Phong trào Đồng khởi Bến Tre, cách mạng của các tỉnh đồng bằng Nam bộ chuyển mạnh lên thế tiến công và trở thành cao trào đồng khởi rộng khắp. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu và phát triển lực lượng của các tỉnh Nam bộ và Nam Trung bộ, cần phải nhanh chóng vận chuyển vũ khí, hàng hóa để chi viện cho chiến trường. Lúc này, tuyến đường bộ trên dãy Trường Sơn đã mở và hoạt động hiệu quả nhưng chưa vươn tới các địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng. Tổng Quân ủy tiếp tục chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu khẩn trương nghiên cứu đề án mới về xây dựng và tổ chức lực lượng vận tải biển chi viện cho chiến trường Nam bộ và Khu V. Con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển ra đời với sự kiện thành lập Đoàn 759 vận tải thủy (sau đó được đổi thành Đoàn 125 trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân) vào ngày 23/10/1961 chính từ việc nghiên cứu hành trình vượt biển đầu tiên kia của bà Nguyễn Thị Định.
Dấu son lịch sử
Đường Hồ Chí Minh trên biển là bước phát triển mới của nghệ thuật chiến tranh Nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, làm nên bao kỳ tích của một con đường huyền thoại. Trong suốt quá trình tồn tại, đường Hồ Chí Minh trên biển có hai nghìn lần tàu thuyền vượt biển từ Bắc vào Nam, chi viện cho chiến trường hàng ngàn cán bộ và gần 160 nghìn tấn vũ khí, cập 19 bến bãi thuộc địa bàn 9 tỉnh miền Nam, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Sinh ngày 15/3/1920, tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre), 16 tuổi, dưới sự dìu dắt của người anh trai, bà tham gia hoạt động cách mạng. Trong cuộc giành chính quyền năm 1945, bà chính là người đi đầu dẫn hàng ngàn người dân tiến vào giành chính quyền ở thị xã Bến Tre. Nói tới Nguyễn Thị Định là nghĩ ngay tới phong trào Đồng khởi Bến Tre vào năm 1960. Cuộc đấu tranh này đã hình thành một đạo quân rất mới, có tổ chức của quần chúng, đông đảo nhất là phụ nữ, được gọi bằng cái tên trìu mến “Đội quân tóc dài”.
Năm 1965, khi bà Nguyễn Thị Định đang là Hội trưởng Hội LHPN giải phóng miền Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã mời bà sang Bộ Tư lệnh miền để truyền đạt ý kiến của Bác Hồ giao nhiệm vụ cho bà làm Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Định đã giữ cương vị này trong suốt 10 năm. Đó là 10 năm khốc liệt của cuộc chiến đấu ở miền Nam. Đánh giá về bà Nguyễn Thị Định, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định, cả thế giới chỉ có nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho cả miền Nam, cho cả dân tộc ta”.
Sau ngày đất nước thống nhất, nữ tướng Nguyễn Thị Định lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước. Trên cương vị nào, bà Ba Định - Nguyễn Thị Định cũng có nhiều đóng góp, nhất là trong công tác thương binh, liệt sĩ, đền ơn đáp nghĩa... Ngày 26/8/1992, bà từ trần tại Thành phố Hồ Chí Minh khi đang giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.
Những ngày cuối tháng 10 này, khi cả nước kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, chúng tôi lại nhớ đến bà Nguyễn Thị Định. Lịch sử đã khẳng định, chính những con người Nam bộ quả cảm trong đoàn quân của bà Nguyễn Thị Định vượt biển ra Bắc xin vũ khí để kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược vào năm 1946 là những người đã “khai sơn, phá thạch” cho con đường huyền thoại được hình thành 15 năm sau đó vào ngày 23/10/1961. Nó thật xứng đáng với câu “Rẽ sóng bạc đầu, mở đường xuyên biển” mà nhà nghiên cứu Dương Phước Thu dành tặng cho nữ tướng Nguyễn Thị Định.
Đình Nam