Các diễn giả trao đổi tại hội thảo.
Đây là tâm tư được đại diện nhiều cơ quan báo Đảng chia sẻ tại hội thảo “Tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách cho Báo Đảng” trong khuôn khổ hội nghị “Nâng cao chất lượng báo Đảng toàn quốc” diễn ra sáng 12/11.
Thiếu cơ chế, chính sách và nhân lực cho đổi mới báo chí
Tinh giản biên chế dẫn tới thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao là bài toán đau đầu với nhiều cơ quan báo Đảng tại địa phương. Các tòa soạn hiện không có nguồn kinh phí để tiến hành việc chi trả cho các cộng tác viên, mua sắm các thiết bị, phần mềm cho đổi mới báo chí.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hồng, Tổng biên tập báo Kon Tum, việc giảm biên chế báo Đảng khiến cho các tòa soạn, trong đó có báo Kon Tum không thể đáp ứng được kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực.
“Các báo đang chịu sức ép về giảm biên chế, chỉ đủ bảo đảm 50% công việc. Việc chuyển đổi số muốn mang lại hiệu quả cần phải được đào tạo trong khi nguồn thu hạn hẹp, không đủ chi trả cho cán bộ công chức, viên chức. Vì thế, ngoài việc tự chủ, báo Đảng địa phương rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan Đảng, có cơ chế mới, đủ mạnh để báo phát triển trong giai đoạn hiện nay”, ông Hồng bày tỏ.
Do đó, ông Hồng đề xuất, cần có mô hình tổ chức bộ máy thống nhất cho cơ quan báo Đảng, xác định khung biên chế chung cho cơ quan báo Đảng theo quy mô tờ báo; đồng thời không thực hiện tinh giản biên chế đối với báo Đảng như đang thực hiện với ngành giáo dục, y tế.
Nhà báo Nguyễn Trung Thu, Tổng biên tập Báo Hà Giang cho biết, việc thực hiện tinh giản biên chế dẫn tới không có điều kiện tuyển dụng nhân lực ở các vị trí đáp ứng cho yêu cầu mới. Việc bồi dưỡng hay đào tạo ngắn hạn cho nhân lực sẵn có cũng gặp nhiều khó khăn vì thiếu sự bài bản từ đầu, thiếu người và khả năng tiếp thu, tiếp cận công nghệ mới.
Các diễn giả, đại biểu tham dự hội thảo.
Chia sẻ về khó khăn trong đổi mới, đáp ứng với việc chuyển đổi số, nhà báo Nguyễn Văn Triều, Tổng Biên tập Báo Sóc Trăng đề xuất lãnh đạo Trung ương cần quan tâm hơn nữa, có những chỉ đạo, định hướng kịp thời đối với các đơn vị báo Đảng, quan tâm hỗ trợ, đầu tư kinh phí nhằm trang bị các phần mềm, thiết bị; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ phóng viên, biên tập viên thực hiện tốt hơn nữa mô hình tòa soạn hội tụ, các sản phẩm đa phương tiện.
“Chúng tôi mong muốn Bộ Thông tin và Truyền thông cần có những chủ trương cụ thể, thậm chí có thể lập ra một “Tổ công tác về chuyển đổi số các cơ quan báo chí” để rà soát quá trình chuyển đổi số của cơ quan báo chí, qua đó thúc đẩy và kiểm soát quá trình chuyển đổi số theo đúng lộ trình của Trung ương, có tính tới đặc thù của các cơ quan báo Đảng ở địa phương”, ông Triều nói.
Để giải quyết vấn đề tinh giản biên chế, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, các cơ quan báo chí cần có tiếng nói với lãnh đạo các tỉnh, thành phố để sửa đổi Quy định 338 về chức năng, nhiệm vụ tổ chức bộ máy cơ quan của Đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng phù hợp hơn.
Bên cạnh đó, các báo chí có thể học tập một số mô hình báo Đảng triển khai hiệu quả việc sử dụng nguồn thu tự chủ để duy trì nhân sự như báo Sài Gòn Giải phóng. Các tòa soạn cũng có thể học theo cách làm của khối phát thanh-truyền hình đưa nhiều công đoạn tổ chức sản xuất như MC, kỹ thuật, kịch bản... vào chi phí xây dựng chương trình khi phê duyệt đơn giá sản phẩm để chi trả cho nhân sự.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Trần Nghị, Tổng Biên tập Tạp chí Tổ chức Nhà nước (Bộ Nội vụ) cho biết, dự kiến ngày 24/12, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trù bị với Trung ương và địa phương xoay quanh vướng mắc về Quy định 338-QĐ/TW quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan báo của Đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
"Chúng tôi mong lãnh đạo các cơ quan báo Đảng sẽ phản ánh với lãnh đạo tỉnh, Ban Tuyên giáo phản ánh trực tiếp sửa Quy định 338 theo phương án nào hợp lý", ông Nghị nói.
Đồng hành cùng hệ thống báo Đảng trong chuyển đổi số
Theo Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, khó khăn hiện nay mà các báo Đảng gặp phải là chuyển đổi từ mô hình tòa soạn truyền thống sang mô hình tòa soạn đa phương tiện, dựa trên nền tảng của công nghệ thông tin.
Ở mô hình này, nhà báo không chỉ là người sáng tạo nội dung mà còn phải là một chuyên gia về công nghệ. Trong khi điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất, tài chính hạn chế, nhân lực làm báo cần được đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức về công nghệ thông tin…
Ông Lâm cho rằng, cần xây dựng và củng cố nhận thức mới về vai trò của Nhà nước trong việc chủ động truyền thông chính sách, và thực hiện một phần việc này thông qua báo Đảng. Nhà nước phải là “khách hàng lớn” của cơ quan báo chí, giao thêm nhiệm vụ (cùng nguồn lực, kinh phí) và đặt hàng, qua đó giúp cho hệ thống báo Đảng địa phương có đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ.
Theo đó, cần có cơ chế thông tin thông suốt trong hệ thống báo Đảng từ Trung ương tới địa phương để hình thành hệ thống báo chí dữ liệu; có sự phân vai trong thông tin tuyên truyền, tránh để tất cả các báo Đảng cùng chung một “phong cách làm nội dung” từ văn phong cho đến đề tài.
Báo Đảng địa phương cần tăng cường vai trò phản biện chính sách theo hướng xây dựng để thể hiện vai trò của Đảng luôn đồng hành cùng nhân dân, vì lợi ích nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng. Tăng cường công tác đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch. Tăng cường việc xác tín thông tin, phản bác tin giả, tin đưa không đúng bản chất, không khách quan về tình hình địa phương.
Để gỡ khó cho hệ thống báo Đảng, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư 18 về định mức kinh tế, kỹ thuật tối đa cho báo in, báo điện tử. Từ định mức này, các báo Đảng cần xây dựng định mức cụ thể cho báo mình (không vượt quá định mức tối đa), xây dựng đơn giá tối đa theo định mức của mình, trình UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt định mức tối đa cho báo Đảng địa phương.
2 cơ quan ở địa phương có chức năng thẩm định việc này trước khi trình UBND là Sở TTTT (thẩm định định mức) và Sở Tài chính (thẩm định đơn giá). Đây là thủ tục bắt buộc để báo có thể nhận được đặt hàng từ nguồn ngân sách nhà nước.
Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiến hành sửa Nghị định 18 về nhuận bút theo hướng bỏ các mức quy định quá cụ thể về nhuận bút cho các thể loại tác phẩm báo chí, sẽ chỉ còn 1 cách tính là theo định mức kinh tế kỹ thuật.
"Về chuyển đổi số báo chí, Bộ đang chuẩn bị trình Chính phủ 1 Chỉ thị của Thủ tướng về đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí, kèm theo đó là một kế hoạch chi tiết. Bộ cũng sắp đưa ra một kế hoạch hỗ trợ các báo điện tử giảm đáng kể chi phí cho việc thu chỗ đặt máy chủ, mở rộng băng thông, bảo vệ an ninh an toàn thông tin", ông Lâm cho hay.
Về đào tạo cho chuyển đổi số báo chí, từ năm 2023 sẽ có các chương trình đào tạo trực tuyến trên diện rộng dành cho các cơ quan báo chí kết hợp với kiểm tra, chấm điểm trực tuyến. Tập trung cho chuyển đổi số báo chí và các kỹ năng làm báo trong bối cảnh chuyển đổi số.
Chia sẻ nền tảng, cùng chuyển đổi số
Theo Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, chuyển đổi số cần phải bàn đến chuyển đổi cách làm chứ không phải viết bài báo sử dụng công cụ kỹ năng hiện đại.
“Nếu lấy kết quả làm thước đo, thì quan trọng nhất là phải đạt kết quả đưa nội dung báo chí chính thống lên không gian mạng để dẫn dắt dư luận. Nhưng để đạt kết quả đó, máy móc công nghệ chỉ là 1 phần.
Câu chuyện chính ở đây là làm thế nào để việc đưa thông tin lên nền tảng mạng mà không bị giảm tương tác, làm thế nào đầu tư kinh phí để giúp báo chí tăng lượng tương tác trên mạng xã hội. Tuy nhiên, hiện nay việc tìm kiếm nguồn kinh phí để chi trả cho việc tăng lượng tương tác trên mạng xã hội còn nhiều khó khăn”, ông Lâm nói.
Về hỗ trợ chuyển đổi số báo chí, thay vì hỗ trợ cơ chế, tới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ công bố chương trình hỗ trợ các báo điện tử về hosting miễn phí với giá bằng 0. Đây là mô hình hợp tác phát triển khác để phát triển hệ sinh thái nội dung số chính thống của Việt Nam.
Về hỗ trợ nguồn thu từ quảng cáo, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có giải pháp cấm quảng cáo trên không gian mạng trên trang thông tin điện tử không được cấp phép, trang có biểu hiện vi phạm pháp luật, mà những quảng cáo đó chỉ đi vào hệ sinh thái nội dung số Việt Nam là các báo điện tử, tạp chí điện tử được cấp phép.
Theo ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, đa số cơ quan báo chí hiện nay đang làm báo in trên nền tảng điện tử. Nhiều tòa soạn chỉ nghĩ đơn giản đưa nội dung, ảnh, video lên nền tảng điện tử là làm báo điện tử. Trong khi thực tế, sản xuất nội dung cho báo điện tử phải cần nhiều yếu tố.
Việc quảng bá các sản phẩm báo điện tử cũng cần phải được đào tạo bài bản bởi các chuyên gia có kinh nghiệm. “Đa phần cơ quan báo chí giao cho một bạn phóng viên, biên tập viên phụ trách fanpage sẽ làm việc đơn giản là gửi link báo lên fanpage nhưng thực tế không ai xem. Thực tế, mỗi mạng xã hội có ngôn ngữ khác nhau. Do vậy, chúng tôi đưa những đội ngũ chuyên nghiệp vào dạy kỹ năng làm nội dung trên các nền tảng mạng xã hội”, ông Minh nói.
Chia sẻ kinh nghiệm từ Báo Nhân Dân, ông Minh cho hay, khi triển khai đẩy mạnh thông tin trên các nền tảng xã hội như Facebook, Tik Tok… báo có đội ngũ làm chuyên nghiệp, được đào tạo. Việc mua những công nghệ, phần mềm cũng là một cách hiệu quả để tạo ra những sản phẩm báo chí hiện đại.
“Thay vì việc đào tạo nhân viên công nghệ và trả lương hàng tháng cao để dựng bài E-magazine, đơn giản chúng tôi mua công cụ ở nước ngoài về với chi phí rất rẻ, các phóng viên, biên tập viên có thể tự dựng các bài E-magazine, có thể 1 ngày sản xuất 1 bài. Hiện nay, đơn vị sở hữu tool Shorthand công bố, hiện Báo Nhân Dân đang đứng ở top 3 sử dụng hiệu quả nhất tool này. Chúng tôi cũng đã thương lượng để công ty bán tool này cho hệ thống báo Đảng, bảo đảm 20 tờ báo sẽ sử dụng thường xuyên, hiệu quả”, ông Minh cho hay.
Theo Nhân dân