ClockThứ Hai, 25/11/2024 14:36

Phần thưởng xứng đáng

TTH - Từ 100 con gà giống được chính quyền địa phương hỗ trợ, đến nay ông Nguyễn Vĩnh Tường (thôn Hà Trữ Thượng, xã Phú Gia, Phú Vang) đã phát triển thành trang trại nuôi gà thả vườn với số lượng đàn dao động từ 3.000 – 5.000 con, doanh thu mỗi năm lên đến vài trăm triệu đồng.

Sinh kế cho bà con nghèoTrao mô hình sinh kế “Đàn gà cho em”Trao sinh kế, giúp hội viên phát triển kinh tế

 Ông Tường chăm sóc đàn gà

Giới thiệu về người nông dân từ tay trắng đã vun vén, phát triển 100 con gà giống được hỗ trợ thành trang trại gà bền vững bao năm qua, ông Lê Văn Thuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Gia bày tỏ sự trân trọng. Bởi đó là minh chứng của nghị lực, sự chăm chỉ của người nông dân dám nghĩ, dám làm.

Chúng tôi đến nhà vào lúc chiều muộn, nhưng ông Tường vẫn đang cặm cụi cùng đàn gà. Người đàn ông 64 tuổi cười mộc mạc bảo, một ngày của tôi từ sáng sớm đến tối muộn cứ tất bật xoay quanh lũ gà: Cho ăn, vệ sinh chuồng trại, thay nước sạch, dạo chợ tìm cá rẻ bổ sung nguồn thức ăn cho gà; “lắng nghe” thời tiết để kịp thời có biện pháp đảm bảo sức khỏe cho đàn gà… Nhờ thế, bao năm qua, đàn gà của ông Tường chưa bao giờ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. 

Trước đây, ông Tường sinh sống tại một tỉnh ở vùng Tây Nguyên. Năm 2018, khi ngấp nghé tuổi 60, ông Tường mới dẫn 3 con nhỏ về quê hương Phú Gia (2 cháu lớn hiện đang học lớp 6, cháu nhỏ học lớp 2). Ngày trở về quê, cha mẹ ông Tường đã qua đời, chỉ còn căn nhà nhỏ với khu vườn 7 sào đất đồi cát sỏi bị bỏ hoang. Chưa biết phải bắt đầu từ đâu để mưu sinh, thì ông Tường được chính quyền địa phương hỗ trợ mô hình sinh kế thuộc dự án của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, là 100 con gà giống. Có vườn đồi rộng rãi, có con giống, có đôi bàn tay, chỉ cần nỗ lực, quyết tâm, chắc chắn sẽ sống được. Suy nghĩ như vậy, ông Tường bắt tay vào “sự nghiệp” chăn nuôi, phát triển đàn gà.

Lúc đó, ông Tường được chính quyền địa phương và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Vang tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho vay vốn tín dụng chính sách xã hội để tăng đàn, mở rộng chuồng trại. Mỗi tháng, ông Tường “ương” tầm 1.000 con gà giống 1 ngày tuổi, để vừa cung cấp gà giống ra thị trường, vừa nuôi gà bán thịt. 

“Để gà phát triển tốt, ngoài việc nắm rõ kỹ thuật chăm sóc, thì con giống rất quan trọng. Tôi chọn nguồn cung cấp gà giống tốt, giá có cao hơn nhưng tỷ lệ hao hụt thấp. Gà con chăm sóc đến 21 ngày tuổi và tiêm đủ liều vắc-xin phòng bệnh thì sẽ xuất bán. Tôi chỉ giữ lại tầm 400 - 500 con để tiếp tục nuôi gà thịt”, ông Tường chia sẻ.

Theo học các lớp đào tạo về kỹ thuật chăn nuôi tại địa phương, ông Tường còn vừa làm vừa tự đúc kết kinh nghiệm: Gà con vài ngày tuổi phải đủ nhiệt, chuồng trại phải kín nhưng cũng phải đảm bảo đủ độ thoáng, không có mùi hôi, sàn nhà phải luôn khô ráo, nếu ẩm ướt phải thay trấu ngay và đặc biệt phải tiêm đầy đủ vắc-xin phòng ngừa dịch bệnh.

Khác với nuôi gà công nghiệp, chuồng trại có máy điều hòa để giữ nhiệt ổn định, nuôi gà thả vườn như ông Tường phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết. Những hôm thời tiết thay đổi đột ngột, nắng nóng bất thường gà dễ bị sốc nhiệt. Ông Tường sử dụng phương pháp bơm nước lên cây, lên mái nhà để giảm nhiệt. Máng nước lúc nào cũng đầy ắp để gà tắm và cho gà uống thêm vitamin tăng sức đề kháng. Quanh khu vực chuồng trại, ông Tường còn trồng thêm nhiều cây như bưởi, chanh, sả, tràm giúp tạo bóng mát, khử khuẩn không khí.

Ông Tường luôn lấy chất lượng làm mục tiêu. Để gà đạt đến độ ngon hoàn hảo nhất, thịt đúng độ dai, thơm ngọt, ông phải chờ tới đủ 4,5 tháng mới xuất chuồng, khi đó cân nặng của gà tầm 3 kg/1 con, với giá dao động từ 65 - 75 nghìn đồng/ký. Ngoài chất lượng giống, ông Tường luôn đảm bảo nguồn thức ăn phong phú và được chăn thả trong khu vườn rộng 3.500m2 nên gà luôn chắc thịt. Nhờ thế, gà thịt ở trang trại của ông luôn hút hàng. Đó cũng là “phần thưởng” xứng đáng với tâm huyết, mồ hôi, công sức lao động mà ông đã bỏ ra.

Bài, ảnh: Hà Lê - Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hỗ trợ cộng đồng tiếp cận công nghệ số

Trong thời kỳ công nghệ số, thanh niên đóng vai trò chủ chốt trong tiếp cận và thực hiện chuyển đổi số. Đây là lực lượng để kết nối và hỗ trợ cộng đồng trong việc ứng dụng công nghệ, giúp giảm khoảng cách số và nâng cao chất lượng dịch vụ công trên địa bàn.

Hỗ trợ cộng đồng tiếp cận công nghệ số
Để doanh nghiệp quản trị và vận hành hiệu quả

Xây dựng chiến lược, lập kế hoạch kinh doanh và vận hành doanh nghiệp (DN) hiệu quả là nội dung khóa đạo tạo được Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tổ chức trong 2 ngày 22 và 23/11.

Để doanh nghiệp quản trị và vận hành hiệu quả
Khuyến khích hợp tác công tư trong hỗ trợ doanh nghiệp

Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp và có nhiều chính sách đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), song nhìn nhận từ góc độ bao phủ của chính sách vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của DN, nhất là DN các tuyến huyện, thị xã.

Khuyến khích hợp tác công tư trong hỗ trợ doanh nghiệp
Return to top