ClockThứ Năm, 06/06/2019 09:21

Thông cáo số 13 Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV

Ngày 5/6, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 13 của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Kiên quyết loại trừ những cán bộ công an ‘bảo kê’ tội phạmNăm 2020, Quốc hội giám sát tối cao chuyên đề phòng, chống xâm hại trẻ emTranh luận đến cùng tại Quốc hội, làm sáng tỏ những vấn đề xã hội quan tâmTuần làm việc thứ ba của Kỳ họp thứ 7: Quốc hội chất vấn 4 'Tư lệnh' ngànhThông cáo số 10, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Theo chương trình nghị sự, đây là ngày chất vấn thứ hai của Quốc hội tại kỳ họp này. Tham gia Đoàn Chủ tịch có: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (điều hành phiên họp); Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và đồng bào cả nước theo dõi.

Buổi sáng, từ 8 giờ đến 9 giờ: Quốc hội tiếp tục dành thời gian để chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà về nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực xây dựng. Trong quá trình chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng từ chiều ngày 4/6 và đầu giờ sáng nay, đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực xây dựng đã có 49 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi và có 9 đại biểu Quốc hội tranh luận. Phiên chất vấn này có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng tham gia giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu nêu.

Phát biểu kết thúc phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ hai về lĩnh vực xây dựng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, các đại biểu đã đặt câu hỏi tập trung, đi thẳng vào vấn đề mà xã hội đang quan tâm, theo đúng tinh thần đổi mới trong hoạt động chất vấn của Quốc hội. Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn trước Quốc hội. Bộ trưởng cơ bản bao quát được các nội dung của nhóm vấn đề chất vấn, nắm được tình hình, thực trạng, trả lời hầu hết các vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu, thẳng thắn nhận trách nhiệm với những tồn tại, hạn chế của ngành. Tuy nhiên, phần trả lời của Bộ trưởng còn hơi dài, chưa đi vào trọng tâm vấn đề.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Lĩnh vực xây dựng liên quan mật thiết đến đời sống người dân và công tác quản lý, điều hành, phối hợp của nhiều Bộ, ngành, địa phương. Thời gian qua Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, thực thi nhiều giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, quản lý đô thị, góp phần làm cho diện mạo các đô thị có chuyển biến tích cực, thị trường bất động sản dần đi vào nề nếp, là một kênh đầu tư quan trọng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, trong lĩnh vực xây dựng, đặc biệt là các nội dung chất vấn hôm nay cũng còn không ít tồn tại, hạn chế, trong đó có những nội dung đã tồn tại từ giai đoạn trước, có vấn đề mới xuất hiện; có nội dung xuất phát từ khách quan sự phát triển của nền kinh tế nhưng không ít vấn đề xuất phát từ chủ quan của chính công tác quản lý, điều hành.

Vì vậy, để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên; thời gian tới, đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, triển khai hiệu quả các giải pháp trước mắt và lâu dài, tập trung vào một số vấn đề sau: Rà soát, hoàn thiện hệ thống quy định của pháp luật về xây dựng, nhà ở, quản lý đô thị, kinh doanh bất động sản, các quy định liên quan đến kinh doanh, quản lý nhà chung cư, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và phù hợp với thực tiễn; tăng cường hiệu lực, hiệu quả thanh tra, giám sát công tác quy hoạch, quản lý để ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật trong quản lý thị trường bất động sản, quản lý trật tự đô thị; rà soát, sửa đổi, bổ sung để đến năm 2021, ban hành và thực hiện hệ thống định mức tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đơn giá xây dựng bảo đảm minh bạch, đồng bộ; có các giải pháp phù hợp đối với hệ thống quy định về tiêu chuẩn, quản lý nhà chung cư, các loại hình nhà ở, công trình căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn (officetel); tăng cường công tác quản lý nhà nước về xây dựng và xử lý triệt để các hành vi vi phạm về xây dựng; tăng cường công tác quản lý phát triển đô thị đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất với quy hoạch, kế hoạch và phù hợp với từng địa phương; có các giải pháp thực hiện tái cơ cấu thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội, bảo đảm thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững; đẩy nhanh công tác phối hợp thực hiện lộ trình, bố trí đủ nguồn lực để thực hiện di dời trụ sở các Bộ, ngành, cơ sở giáo dục đào tạo, y tế, cơ sở sản xuất, công nghiệp ra ngoài trung tâm Thủ đô Hà Nội theo Đồ án được phê duyệt.

Từ 9 giờ đến 11 giờ 30 phút, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể về nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực giao thông vận tải. Tại phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội đã tập trung chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về những vấn đề sau: Giải pháp xử lý vướng mắc về kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm, đội vốn lớn, chậm tiến độ, kém chất lượng; quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện, quản lý xe hợp đồng điện tử, xe quá khổ quá tải, xe taxi truyền thống và taxi công nghệ; công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi giấy phép lái xe cơ giới, quản lý lái xe; việc thực hiện, quản lý, giám sát thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí hoàn vốn dự án đầu tư trên Quốc lộ và đường bộ cao tốc; công tác giám sát thu phí và tính minh bạch của các dự án BOT; công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và giải pháp kết nối giao thông ở các khu vực...

Buổi chiều, từ 14 giờ đến 15 giờ: Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể về nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực giao thông vận tải. Trong quá trình chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan. Phát biểu kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã có 44 đại  biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn và 6 đại biểu Quốc hội tranh luận. Phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung và có một số ý kiến tranh luận để làm rõ vấn đề. Bộ trưởng đã nắm chắc vấn đề, trả lời rõ ràng, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế của ngành trong thời gian qua và có những giải thích, lý giải về các nguyên nhân khách quan, chủ quan cho những tồn tại, bất cập, đưa ra những cam kết, giải pháp và lộ trình cụ thể để thực hiện. Thời gian qua, lĩnh vực giao thông vận tải đã đạt được một số thành quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế vẫn còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục triển khai, đòi hỏi phải nỗ lực quyết liệt hơn nữa để có chuyển biến tích cực. Những nội dung được Quốc hội chất vấn hôm nay có nhiều vấn đề không mới, có những vấn đề đã diễn ra nhiều năm, có những nội dung đã được Quốc hội giám sát nhưng sự chuyển biến vẫn còn chậm gây bức xúc trong dư luận, như: Chậm tiến độ, thất thoát lãng phí, đặt trạm BOT...

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, triển khai hiệu quả các giải pháp trước mắt và lâu dài liên quan đến nhiệm vụ, lĩnh vực đã được chất vấn, tập trung vào một số vấn đề sau: Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về giao thông vận tải cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải; xử lý, làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư các dự án giao thông trọng điểm.

Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư giải quyết cơ bản những tắc nghẽn, quá tải, ùn tắc giao thông, trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh vận tải cạnh tranh bình đẳng theo quy định của pháp luật; thực hiện đúng tiến độ các dự án trọng điểm, các dự án đã được Quốc hội quyết định; có phương án để giải quyết dứt điểm các dự án còn dở dang, sắp hoàn thành; nâng cao chất lượng công tác khảo sát, thiết kế, thẩm định và xây dựng. Đẩy mạnh tái cơ cấu vận tải, tăng cường kết nối các phương thức vận tải; làm tốt công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện; siết chặt công tác quản lý, áp dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; tiếp tục cải cách hành chính trong lĩnh vực vận tải, cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh theo lộ trình; tăng cường phối hợp lực lượng để xử lý nghiêm xe quá khổ, quá tải; hoàn thành Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông vận tải, tập trung đối với lĩnh vực đường bộ  trong năm 2019; rà soát toàn bộ hệ thống các trạm thu phí đường bộ để xử lý những tồn tại, vướng mắc trong thực tế. Khẩn trương quyết toán các dự án BOT để bảo đảm công khai, minh bạch; triển khai giám sát chặt chẽ việc thu phí bằng hệ thống công nghệ phù hợp. Cuối năm 2019 tất cả các trạm BOT đều có hệ thống thu phí không dừng. Tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp, giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu số lượng tai nạn giao thông. Nghiên cứu hoàn thiện quy định về phạt nguội thông qua các thiết bị công nghệ; có các giải pháp nhằm nâng cao trách nhiệm của chủ phương tiện, tăng chế tài xử phạt đối với lái xe sử dụng bia, rượu, bia ma túy điều hành phương tiện giao thông.

Từ 15 giờ, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện về nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội tập trung vào vấn đề sau: Công tác quản lý nghệ thuật biểu diễn, quản lý điện ảnh, quản lý hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; công tác phòng ngừa mê tín dị đoan, quản lý nguồn thu từ các khu di tích, danh lam thắng cảnh, du lịch tâm linh; công tác quản lý và phát triển dịch vụ du lịch.

Thứ năm, ngày 6/6/2019, buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Buổi chiều, Quốc hội nghe các Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) và dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) và thảo luận tại Tổ về 2 dự án Luật này.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quốc hội thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025

Ngày 4/11, tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025, điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia...

Quốc hội thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025
Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, sáng 31/10 đã diễn ra phiên thảo luận tại tổ về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình, ủng hộ cao đối với Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương (Đề án); đồng thời cho rằng, Huế xứng đáng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Return to top