ClockThứ Bảy, 01/06/2019 07:25

Thông cáo số 10, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV

Ngày 31/5/2019, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 10 của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Đổi mới thủ tục giải ngân đầu tư công, khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhânQuốc hội tiếp tục thảo luận các giải pháp phát triển kinh tế - xã hộiCải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, loại bỏ lợi ích nhómĐánh giá kỹ tác động khi điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưuNhóm ngành kiến trúc: Nhiều tiềm năng, ít người biếtKỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Cho ý kiến 3 dự án Luật

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Buổi sáng, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở Hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017. Theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp. Phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, theo dõi.

Trong quá trình thảo luận đã có 25 đại biểu phát biểu ý kiến, 5 đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến của đại biểu tập trung vào các vấn đề: Chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn; việc sắp xếp lại tổ chức, bộ máy; cơ chế thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế số; các giải pháp bảo vệ môi trường; chính sách ưu tiên kiểm soát lạm phát, tăng giá; giải ngân vốn đầu tư công; chính sách phát triển ngành mía đường; công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật; giải pháp tăng năng suất lao động; vấn đề đầu tư chăm sóc sức khỏe cộng đồng; tăng cường các giải pháp về vấn đề xã hội; chính sách phát triển kinh tế vùng; phát triển nền nông nghiệp sạch, bền vững; các giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long; cải cách môi trường đầu tư kinh doanh; chính sách giảm nghèo bền vững đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi; giải pháp khắc phục hậu quả của việc gian lận tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018.v.v.

Trong quá trình thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội nêu.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, trong 1,5 ngày thảo luận tại Hội trường, đã có 77 đại biểu phát biểu, có 9 đại biểu tham gia tranh luận. Đa số ý kiến phát biểu đều cơ bản thống nhất với nội dung báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và báo cáo của Kiểm toán Nhà nước. Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt các giải pháp của Chính phủ, các cấp, các ngành, sự phối hợp tốt của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, biểu dương tinh thần phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để hoàn thành, hoàn thành vượt mức các các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước của năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 tạo tiền đề quan trọng cho các năm tiếp theo. Nội dung cụ thể như sau:

Về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018: Các đại biểu đều đánh giá năm 2018 là năm đạt được nhiều kết quả tích cực: niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội được củng cố; quy mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân có bước phát triển;  các lĩnh vực xã hội khác đạt kết quả tích cực; quốc phòng, an ninh được giữ vững; công tác đối ngoại được mở rộng, vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cho rằng cần đánh giá đầy đủ và toàn diện hơn về những vấn đề sau: Kết quả đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; những khó khăn, khiếm khuyết trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; công nghiệp cơ khí chế tạo và sự đóng góp của các doanh nghiệp nước ngoài đối với nền kinh tế; về tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; tính bền vững của việc tăng thu ngân sách nhà nước; cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; sự xuống cấp của đạo đức, lối sống của một bộ phận trong xã hội; vấn đề tai nạn giao thông, phòng, chống cháy nổ; những hạn chế trong quản lý giáo dục và sai phạm trong tổ chức thi THPT; phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông ở những vùng khó khăn; vấn đề ô nhiễm môi trường; công tác quản lý đất đai.

Đồng thời, các đại biểu Quốc hội cũng rất quan tâm đến tính thực chất trong cắt giảm thủ tục hành chính, hiệu quả của cải cách bộ máy, cải cách tư pháp, công tác thanh tra, kiểm tra, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Các đại biểu đề nghị phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Chính phủ và chính quyền các cấp.

Về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019: Nhiều ý kiến đại biểu cơ bản thống nhất với đánh giá của Chính phủ về tình hình những tháng đầu năm 2019 và cho rằng đây là kết quả từ nỗ lực và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương và doanh nghiệp ngay từ đầu năm; đồng thời, mong muốn Chính phủ sớm có giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo niềm tin, góp phần an dân, ổn định xã hội, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh tốt nhất cho mọi thành phần kinh tế, tạo nền tảng để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, có ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, làm rõ các yếu tố chất lượng tăng trưởng, tập trung bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh hơn nữa việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp tục rà soát và cắt giảm các thủ tục hành chính, các điều kiện hạn chế kinh doanh không cần thiết; có giải pháp để kịp thời tăng hiệu quả đầu tư và vấn đề kiểm soát CPI; việc tăng giá một số mặt hàng như giá điện, xăng.

Ngoài ra, nhiều đại biểu đã phản ánh những vụ việc, hiện tượng cụ thể liên quan đến vấn đề xuống cấp của đạo đức, văn hóa; hiệu quả trong đổi mới giáo dục; các vụ án thương tâm, các vụ án ma túy với khối lượng lớn, quy mô rộng; vấn đề thu hồi đất, ổn định chỗ ở cho đồng bào các vùng dân tộc như khu vực Tây Nguyên, bồi thường, tái định cư ở một số dự án thủy điện; vấn đề phát triển nguồn nhân lực và việc làm của học sinh, sinh viên mới ra trường; vấn đề đời sống vật chất, văn hóa của đồng bào các dân tộc, công tác xóa đói, giảm nghèo và phát triển cơ sở hạ tầng ở vùng sâu, vùng xa; vấn đề bảo vệ môi trường với xây dựng các chỉ tiêu định lượng cụ thể; vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt; công tác phòng cháy, chữa cháy...

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới: Nhiều ý kiến đại biểu thống nhất với nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như trong báo cáo của Chính phủ;  đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm hơn đến việc hoàn thiện thể chế, triển khai thi hành các luật như Luật Quy hoạch, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; có các giải pháp xử lý các vấn đề vướng mắc liên quan đến các dự án PPP. Ngoài ra, các ý kiến của đại biểu còn tập trung vào những nội dung cụ thể như: việc giảm thủ tục hành chính phải đi vào thực chất, xử lý nghiêm các sai phạm gây phiền hà đối với người dân và doanh nghiệp; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các công trình trọng điểm quốc gia, các dự án giao thông; đổi mới thủ tục giải ngân đầu tư công và khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân vào các dự án, công trình; tập trung giải quyết các vướng mắc về đất đai; có giải pháp căn cơ về đào tạo, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực ở các vùng dân tộc thiểu số, miền núi; chú ý đến các bệnh viện ở vùng biên giới, hải đảo; tập trung chỉ đạo và tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông và đại học năm 2019; triển khai quyết liệt, đồng bộ để xử lý tình trạng “tín dụng đen”; xử lý các vướng mắc trong xử lý nợ xấu; xử lý nghiêm, kịp thời các vấn đề gây bức xúc trong xã hội như các hành vi quấy rối tình dục, xâm hại trẻ em; triệt phá các nhóm tội phạm, phòng ngừa tội phạm về ma túy có tổ chức, quy mô lớn, vấn đề cai nghiện ma túy; các vấn đề bức xúc về bảo vệ môi trường; đặc biệt là phải sớm có giải pháp kịp thời để giải quyết các vướng mắc trong và sau quá trình sắp xếp tổ chức, bộ máy ở các địa phương.

Về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017: Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017 đã đảm bảo các yêu cầu, điều kiện để Quốc hội phê chuẩn; các đại biểu đều đánh giá cao và thống nhất với kết quả kiểm toán ngân sách nhà nước năm 2017 của Kiểm toán Nhà nước cũng như nhiều vấn đề được nêu trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Qua quyết toán cho thấy, mặc dù quản lý ngân sách nhà nước năm 2017 đã có nhiều tiến bộ, bội chi ngân sách Nhà nước giảm so với dự toán được Quốc hội quyết định, song cơ cấu thu ngân sách Nhà nước chưa thực sự bền vững, việc lập dự toán, chấp hành dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước vẫn còn những tồn tại, yếu kém. Việc chấp hành kỷ luật tài chính còn chưa nghiêm. Công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản còn thất thoát, lãng phí, nợ đọng, hiệu quả đầu tư thấp. Các đại biểu yêu cầu cần phải thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để tăng cường quản lý tài sản công, tài chính công.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.

Trong quá trình thảo luận đã có 8 đại biểu phát biểu, 01 đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật cũng như nội dung của dự thảo Luật và việc thông qua dự thảo Luật theo quy trình rút gọn tại 01 kỳ họp. Các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật đã cụ thể hóa các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia và ký kết. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về các nội dung như: phạm vi điều chỉnh; điều kiện, trách nhiệm mua và thực hiện bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; việc xác định hành vi lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; các loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ phải áp dụng biện pháp kiểm soát biên giới; điều khoản chuyển tiếp v.v.

Đối với việc sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm: Các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về các nội dung sau: giải thích từ ngữ; quyền tham gia các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về kinh doanh bảo hiểm; sửa đổi tên Chương IV; cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài; cung cấp dịch vụ qua biên giới; các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; cơ chế giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm; công tác tuyên truyền đảm bảo tính khả thi của Luật…

Đối với việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ: Trong quá trình thảo luận, đa số ý kiến đại biểu tập trung vào các nội dung như: quyền sở hữu công nghiệp; tính mới của sáng chế; điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ; đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý; cách thức nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp; nghĩa vụ sử dụng sáng chế, nhãn hiệu; hiệu lực của hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp; quyền tự bảo vệ; căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; thủ tục áp dụng biện pháp tạm dừng làm thủ tục hải quan; tính minh bạch trong các thủ tục hành chính…

Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Thứ bảy, ngày 1/6/2019, Quốc hội nghỉ; các cơ quan của Quốc hội làm việc theo chương trình riêng. Thứ hai, ngày 3/6/2019, buổi sáng, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình và thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020; việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; buổi chiều, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình và thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV:
Xác định các hình thức sở hữu đối với di sản văn hóa

Sáng 26/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Xác định các hình thức sở hữu đối với di sản văn hóa
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV:
Ngày 20/6, Quốc hội thảo luận về quy hoạch Thủ đô

Theo chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, sáng 20/6, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Ngày 20 6, Quốc hội thảo luận về quy hoạch Thủ đô
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV:
Thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh chương trình năm 2024

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 8/6, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh chương trình năm 2024
Return to top