Thoáng nhìn qua, tưởng là chuyện “lạ đời”. Đó là chuyện gửi tiền ngân hàng, gửi kỳ hạn dài thì lãi suất lại thấp hơn gửi kỳ hạn ngắn. Ví dụ có ngân hàng lãi kỳ hạn 12 tháng là 8,1% nhưng từ 15 tháng trở đi chỉ còn 7,3%. Tương tự như vậy, có ngân hàng kỳ hạn gửi 12 -24 tháng lãi suất từ 7,2 – 7,3% nhưng gửi kỳ 36 tháng chỉ còn 7%. Tức là có thể đoán, những ngân hàng này không khuyến khích người gửi tiền kỳ hạn từ hai năm trở lên.
Nó “tréo” là ở chỗ, thường thì ngân hàng thích những món gửi dài hạn để ổn định thanh khoản. Càng nhiều người gửi dài hạn thì ngân hàng sẽ có một nguồn tiền dồi dào để cho vay dài hạn. Để khuyến khích người gửi kỳ hạn dài, ngân hàng thường đưa mức lãi suất cao hơn. Thế thì chúng ta hiểu hiện tượng nói trên là như thế nào?
Nhưng đây không phải là xu hướng chung. Đó là tùy tình hình nguồn vốn huy động và cho vay thực tế của mỗi ngân hàng. Chỉ có từng ngân hàng mới biết được chuyện điều chỉnh lãi suất nguồn vốn huy động như thế nào để phù hợp tình hình tài chính của ngân hàng mình.
Nhưng có lẽ lý do cơ bản nhất là tình hình xu hướng lãi suất chưa ổn định. Cả một thời kỳ dài trước đây, chúng ta thấy lãi suất hầu như không biến động mấy. Lãi suất nằm ở mức khá dễ chịu đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, tiêu dùng. Nhiều nhà kinh tế gọi là “thời kỳ tiền rẻ”.
Xu hướng lãi suất phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Tình hình hoạt động của nền kinh tế, có phát triển khả quan hay không khả quan; tình hình lạm phát được kiểm soát như thế nào và cả tình hình tài chính của các ngân hàng. Những nhân tố này còn nhiều yếu tố khó khẳng định chắc chắn, tức là có thể có biến. Chính vì vậy mà các ngân hàng theo dõi thật sát tình hình để huy động vốn và cho vay vốn. Điều chỉnh lãi suất huy động và cho vay từng mỗi kỳ hạn sao cho phù hợp. Vì hai nguồn huy động và cho vay nếu không tương thích (một cách tương đối) thì cũng có thể gặp rủi ro. Ví dụ như huy động vốn ở kỳ hạn ngắn nhiều, nhưng cho vay kỳ hạn dài nhiều cũng có thể có rủi ro. Ngược lại, trong tình trạng chưa chắc chắn xu hướng lãi suất sẽ như thế nào, huy động dài hạn với lãi suất cao, nếu tình hình lãi suất đi xuống thì có thể nguồn huy động này bị lỗ.
Tuy nhiên, xu hướng lãi suất hiện nay đã có những dấu hiệu dần giảm. Một mặt nó phản ánh sự tác động của việc điều hành mang tính chất “hành chính” từ Chính phủ, là áp dụng các giải pháp để kéo hạ lãi suất, hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp (DN). Nhưng mặt khác nó phản ánh đúng nhu cầu của thị trường. Quý I/2023, mức tăng trưởng tín dụng chỉ 2,06%, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy mức hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế không cao, hoạt động của DN có những khó khăn nhất định. Người tiêu dùng cũng đang đắn đo trong việc vay tiền cho tiêu dùng.
Khi nền kinh tế hấp thụ vốn thấp thì lãi suất ngân hàng hạ là điều dễ hiểu.