Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, đại dịch COVID-19 có nguy cơ tạo ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu nặng nề nhất, tính từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2 năm 1945. Với Việt Nam, tác động này cũng thể hiện rõ thời gian qua khi hàng loạt doanh nghiệp ngừng hoạt động, nhiều lao động phải nghỉ việc ở hầu hết các lĩnh vực. Trong đó, thiệt hại nặng nề nhất là các ngành du lịch - dịch vụ, vận tải, hàng không, nông thủy sản… Các doanh nghiệp sản xuất phải giãn, ngừng hoạt động do thiếu hụt nguyên liệu nhập khẩu, bí đầu ra do thị trường “đóng băng”. Các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực du lịch - dịch vụ ngưng trệ do tác động trực tiếp các biện pháp giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới, giao thông đường hàng không, đường bộ, đường thủy đều ngừng hoạt động.
Để tiếp sức cho các doanh nghiệp, cả trong và sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Chính phủ đã có nhiều chính sách để hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp, như: miễn, giảm tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuế đất, giãn đóng bảo hiểm xã hội, cho vay ưu đãi để trả lương cho công nhân, các ngân hàng khoanh, giãn nợ và tiếp tục cho vay…
Tuy nhiên, với nền kinh tế có độ mở ngày càng lớn như nước ta, chuỗi sản xuất, cung ứng trong nước gắn chặt với các nước trên thế giới. Khi đại dịch xảy ra ở quy mô toàn cầu thì tác động của nó cũng sâu rộng, tạo ra những đứt gãy trong chuỗi cung ứng. Điều này cũng đồng nghĩa, muốn khôi phục sản xuất, tái khởi động nền kinh tế trong nước phải đặt trong bối cảnh chung diễn biến dịch bệnh ở các nước trên thế giới. Trong đó, cần xuyên suốt quan điểm chỉ đạo “biến nguy thành cơ” của Chính phủ để tận dụng các cơ hội hậu COVID-19.
Thực tế thời gian qua, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng một số doanh nghiệp kịp thời chuyển hướng đầu tư, sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường. Điển hình là tập đoàn Vingroup triển khai sản xuất máy thở và các loại máy đo thân nhiệt nhằm cung ứng thị trường trong nước và xuất khẩu. Một số doanh nghiệp dệt may chuyển sang sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn phục vụ xuất khẩu. Trong điều hành, Chính phủ kịp thời có các chính sách, biện pháp tháo gỡ cho hàng xuất khẩu, nhất là trong điều hành xuất khẩu gạo linh hoạt để vừa bảo đảm an ninh lương thực vừa tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo với giá có lợi cho doanh nghiệp và nông dân…
Với Thừa Thiên Huế, tại buổi họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 4 (ngày 5/5), các thành viên đều cho rằng, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tỉnh đối diện với một số khó khăn nhất định, nhưng chúng ta cũng có nhiều cơ hội. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định, đây là dịp để cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà nhìn nhận, đánh giá năng lực của mình, có những quyết sách phù hợp cho giai đoạn hậu COVID- 19 với việc tận dụng những thế mạnh của mình để phát triển mạnh hơn.
Để nắm bắt được cơ hội, cùng với sự đồng hành của Chính phủ, tỉnh, bản thân các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực quản trị, xây dựng các phương án, chiến lược kinh doanh phù hợp; gắn những vấn đề ngắn hạn cấp bách với chiến lược trung và dài hạn. Trong đó, cần đón đầu nhu cầu thị trường và làn sóng chuyển dịch đầu tư các nước phương Tây vào Việt Nam thời hậu COVID-19; đa dạng hóa thị trường gắn với việc nâng cao chất lượng sản phẩm để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng khi quá lệ thuộc vào một vài thị trường.
Hoàng Minh