ClockThứ Bảy, 15/08/2020 16:08

Tổ chức trọng thể Lễ truy điệu nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu

Với niềm tiếc thương vô hạn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đọc Điếu văn nêu rõ: Đồng chí Lê Khả Phiêu là nhà lãnh đạo xuất sắc, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; người Đảng viên cộng sản trung kiên suốt đời cống hiến, hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội, thống nhất đất nước; vì hạnh phúc của nhân dân và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ dâng hương tiễn biệt nguyên Tổng Bí thư Lê Khả PhiêuLễ thượng cờ rủ Quốc tang nguyên Tổng Bí thư Lê Khả PhiêuNgười lãnh đạo giản dị, gần gũi với Nhân dânDấu ấn nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu với HuếLãnh đạo Trung Quốc, Lào, Campuchia, Cuba gửi Điện chia buồn nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từ trầnThông cáo đặc biệt: Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từ trần

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đọc lời điếu tại lễ truy điệu nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu

Vào 12 giờ 30 phút ngày 15/8/2020, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình đã tổ chức trọng thể Lễ truy điệu đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, theo nghi thức Quốc tang tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và Hội trường 25B (đường Quang Trung, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa).

Trong niềm tiếc thương sâu sắc, hai ngày qua (14 - 15/8/2020), hơn 946 đoàn với trên 11.000 người, đại diện các cơ quan, đoàn thể, địa phương, đơn vị, lực lượng vũ trang nhân dân, nhân sĩ trí thức, chức sắc tôn giáo, tổ chức, cá nhân đã đến viếng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5, Trần Thánh Tông (Hà Nội), Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và Hội trường 25B (đường Quang Trung, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa), quê hương của đồng chí Lê Khả Phiêu.

Đồng thời, hơn 27 đoàn ngoại giao và tổ chức quốc tế, (trong đó có một đoàn đại diện cho 70 đại sứ quán và tổ chức quốc tế đóng tại Việt Nam); hai đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước Lào và Campuchia đã đến viếng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Lãnh đạo cấp cao các nước, bạn bè quốc tế đã gửi thư, điện chia buồn cùng Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam và gia quyến đồng chí Lê Khả Phiêu.

Đúng 12 giờ 30 phút, Lễ truy điệu nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu được cử hành trọng thể.

Dự Lễ truy điệu tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội) có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng. Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng.

Vô cùng thương tiếc nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, các đồng chí: nguyên Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước: Trần Đức Lương, Trương Tấn Sang; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bậc lão thành cách mạng, nhân sĩ, trí thức, đại diện các cơ quan, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể, tôn giáo, đông đảo các tầng lớp nhân dân, đã dự Lễ truy điệu đồng chí Lê Khả Phiêu.

Trong không khí trang nghiêm và xúc động, quân nhạc đã cử Quốc thiều để tiễn biệt nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu - Nhà lãnh đạo đức độ, mẫu mực, tài năng, kiên trung của Đảng, cả cuộc đời hết lòng vì nước vì dân.

Với niềm tiếc thương vô hạn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đọc Điếu văn nêu rõ: Đồng chí Lê Khả Phiêu, nhà lãnh đạo xuất sắc, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; người Đảng viên cộng sản trung kiên suốt đời cống hiến, hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội, thống nhất đất nước; vì hạnh phúc của nhân dân và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.

Lễ di quan nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu

Đồng chí Lê Khả Phiêu, sinh ngày 27/12/1931, tại xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, trong một gia đình nông dân nghèo. Đồng chí sớm giác ngộ cách mạng khi mới 16 tuổi. Năm 1947, đồng chí tích cực tham gia dạy bình dân học vụ và làm công tác tuyên truyền ở xã. Tháng 6/1949, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, được giao phụ trách công tác tuyên truyền và làm Chánh Văn phòng Chi bộ xã.

Tháng 5/1950, đồng chí tham gia Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc; làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Đồng chí Lê Khả Phiêu luôn có những địa bàn khó khăn, ác liệt.

Là cán bộ trưởng thành từ cơ sở, đồng chí đã kinh qua các chức vụ từ cấp Đại đội; Tiểu đoàn; Trung đoàn; Trưởng phòng Tổ chức Quân khu Trị Thiên Huế; Phó Chủ nhiệm Chính trị; Chủ nhiệm Chính trị Quân khu Trị Thiên Huế; Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn II; Phó Tư lệnh về Chính trị kiêm Chủ nhiệm chính trị Quân khu 9; Phó Tư lệnh về Chính trị kiêm Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Mặt trận 719; Phó Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Tư lệnh Mặt trận 719 Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia; Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong mọi hoàn cảnh, dù ở bất cứ cương vị công tác nào, chiến trường nào, đồng chí luôn luôn vượt qua mọi khó khăn, gian khổ; chiến đấu và chỉ huy chiến đấu; xây dựng lực lượng quân đội đoàn kết nội bộ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; thể hiện phẩm chất cao quý của Bộ đội Cụ Hồ. Trên cương vị là Phó Tư lệnh về chính trị Mặt trận 719 làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, đồng chí là người lãnh đạo, người chỉ huy từ những trận đánh đầu tiên, phối hợp chặt chẽ với lực lượng cách mạng và nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ Khmer diệt chủng, đóng góp công sức giúp đất nước Chùa Tháp hồi sinh.

Tháng 6/1991, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, đồng chí được bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng; được phân công làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương). Tại Hội nghị lần thứ III Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, Đồng chí được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII, tháng 1/1994, Đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị.

Trên cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Đồng chí đã cùng tập thể Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chăm lo xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh, thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối quân sự, quốc phòng; lãnh đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân nâng cao, chất lượng, hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị; xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp sức mạnh chiến đấu của Quân đội; giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đồng chí được phong quân hàm Thiếu tướng vào tháng 4/1984; Trung tướng vào tháng 6/1988 và Thượng tướng vào tháng 6/1992.

Đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa VII, khóa VIII; Bí thư Trung ương Đảng khóa VII; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa VII, VIII; Ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị khóa VIII; Đại biểu Quốc hội khóa IX, khóa X.

Tại Hội nghị lần thứ IV Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII tháng 12/1997, Đồng chí được bầu Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; được phân công làm Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương). Trên cương vị Tổng Bí thư, với những kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đồng chí Lê Khả Phiêu đã thường xuyên quan tâm chăm lo công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, là một trong những nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng ở mỗi giai đoạn khó khăn, thử thách, Đồng chí luôn nêu cao tính tiền phong, gương mẫu và giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; thương yêu đồng bào, đồng chí; luôn đặt lợi ích của Đảng, của đất nước và nhân dân lên trên hết, trước hết là gần gũi, giản dị, luôn gắn bó với nhân dân, sâu sát địa phương và cơ sở; được đồng chí, đồng bào quý mến; bạn bè quốc tế trân trọng.

Là cán bộ được tôi luyện trưởng thành qua trận mạc, khó khăn, gian khổ trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; làm nhiệm vụ quốc tế cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, Đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc trọng trách trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Trong điều kiện cụ thể, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng có nhiều đóng góp tâm huyết, thẳng thắn, thể hiện chính kiến và dám chịu trách nhiệm. Những năm gần đây, mặc dù tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút, đồng chí Lê Khả Phiêu tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến cho Đảng, Nhà nước và Quân đội. Đồng chí là nhà lãnh đạo đầy nhiệt huyết, hết mình, cống hiến, có trách nhiệm cao với Đảng, với dân, với nước, với quân đội. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí là tấm gương sáng để đồng bào, đồng chí, cán bộ, chiến sỹ cả nước học tập và noi theo. Trong gia đình, Đồng chí là người chồng, người cha, người ông sống giản dị, mẫu mực, giàu đức, hy sinh lòng nhân ái.

Với gần 90 tuổi đời, hơn 70 năm hoạt động cách mạng và hơn 70 năm tuổi Đảng, dù ở cương vị công tác nào, đồng chí Lê Khả Phiêu luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng. Trọn cả cuộc đời của Đồng chí gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Đồng chí luôn giữ vững chí khí, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản, luôn tận tâm, hết lòng vì nước, vì dân, vì bạn bè quốc tế; không ngừng rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao ý thức tìm tòi sáng tạo, sắc sảo, quyết đoán trong công việc.

Với những cống hiến to lớn của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, Đảng và Nhà nước đã trao tặng đồng chí nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao vàng; Huân chương Quân công; Huân chương Chiến công; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ; Huân chương Chiến sĩ giải phóng; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Đồng chí đã được Nhà nước Lào tặng Huân chương Itxala; Nhà nước Campuchia tặng Huân chương bảo vệ Tổ quốc; Nhà nước Cuba tặng Huân chương José Martí và nhiều phần thưởng cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

Bày tỏ lòng tiếc thương và tình cảm sâu sắc đối với đồng chí Lê Khả Phiêu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nguyện đoàn kết một lòng cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ra sức phấn đấu, tiếp tục đi theo con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Đại diện gia đình, ông Lê Minh Diễn, con trai nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gửi lời cảm ơn tới Đảng, Nhà nước, Ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, Ban lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và các bác sĩ, điều dưỡng Khoa A11 đã tận tình chăm sóc nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong thời gian điều trị đến tận giây phút cuối cùng của cuộc đời.

Ông Lê Minh Diễn bày tỏ lòng tri ân và cảm ơn đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc cùng lãnh đạo các địa phương, các cơ quan đoàn thể, đơn vị; lãnh đạo cấp cao các nước, bạn bè quốc tế, các cơ quan ngoại giao đoàn, đồng bào, đồng chí, bạn bè cũng như anh em, họ hàng đã đến chia buồn, tiễn đưa đồng chí Lê Khả Phiêu về nơi yên nghỉ cuối cùng.

Tiễn biệt người cha kính yêu, ông Lê Minh Diễn bày tỏ: “Nay bố đã đi xa, tóc con cũng đã bạc màu, con xin hứa với bố sẽ luôn sống đúng những lời răn dạy của bố và sẽ nuôi dạy thế hệ sau này như bố đã dạy con. Bố ra đi để lại sự trống vắng trong gia đình. Con xin lỗi bố là không thực hiện được ý nguyện của bố để trải tro cốt ở ba dòng sông nơi gắn gắn liền với nhiều kỷ niệm cuộc đời bố, do dịch bệnh không thể kéo dài thời gian tang lễ, ảnh hưởng đến mọi người, chắc là bố sẽ hiểu và thông cảm cho con. Con mong bố thanh thản về với cõi vĩnh hằng, nơi đó không còn chiến tranh, nơi đó luôn ấm tình đồng đội. Bố ra đi để lại trong con dấu ấn của một thế hệ xả thân vì nước, vì dân; dấu ấn của một thời trọn vẹn cống hiến và hy sinh. Bố ra đi, để lại nơi này dấu chân qua các cuộc chiến - dấu chân người lính”.

Vô cùng thương tiếc nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể, đồng chí, đồng bào đã đi quanh linh cữu lần cuối tiễn biệt đồng chí Lê Khả Phiêu - nhà lãnh đạo xuất sắc có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đưa linh cữu nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu ra linh xa, tiễn đưa đồng chí về nơi an nghỉ cuối cùng.

Linh cữu nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu được phủ Quốc kỳ trang trọng. Linh xa đưa linh cữu nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu rời Nhà Tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội) về nơi an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.

Đông đảo người dân Thủ đô đã đứng hai bên tuyến đường đoàn xe tang đi qua để tiễn biệt đồng chí Lê Khả Phiêu - nhà lãnh đạo tài năng đức độ, cả cuộc đời vì dân, vì nước, tiễn đưa đồng chí về nơi an nghỉ cuối cùng.

* Cùng thời điểm diễn ra Lễ truy điệu tại Nhà Tang lễ Quốc gia, tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh), hơn 100 đại biểu đại diện các cơ quan Trung ương và địa phương, người dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tới dự Lễ truy điệu nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Dự Lễ truy điệu có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; các đồng chí lão thành cách mạng; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang nghỉ hưu tại Thành phố Hồ Chi Minh; thành viên Ban Tổ chức Lễ tang.

Cùng với đó, đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương tại Thành phố Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành phố, cơ quan tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên (từ Kon Tum, Bình Định trở vào) và phía Nam; các đại biểu trí thức, chức sắc tôn giáo, dân tộc… cũng đến tiễn biệt nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Các đại biểu đã tập trung, xếp thành từng hàng trước di ảnh nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, trong giờ phút thiêng liêng của Lễ truy điệu. Dưới tiếng nhạc trầm hùng của bài Hồn tử sĩ, trong niềm tiếc thương vô hạn, các đồng chí lãnh đạo, đồng bào, đồng chí đã kính cẩn nghiêng mình trước di ảnh nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, tiễn biệt nhà lãnh đạo, người đã cống hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc ta, người anh của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ban Tổ chức Lễ tang nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các cơ quan ban ngành, địa phương, các cơ quan ngoại giao, đại diện các tổ chức quốc tế; đông đảo các tầng lớp nhân dân đã đến viếng, dự lễ truy điệu nguyên Tổng Bí thứ Lê Khả Phiêu tại Hội trường Thống Nhất - Thành phố Hồ Chí Minh trong hai ngày 14 – 15/8.

Tại Hội trường 25B thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, dự Lễ truy điệu nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu có: Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, đại diện lãnh Đạo đảng, Nhà nước, bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương cùng đông đảo đồng bào, chiến sỹ.

Trong không khí trang nghiêm, thành kính, nhiều người không kìm được nước mắt trong Lễ truy điệu nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Với người dân xứ Thanh, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu không chỉ là tấm gương sáng của sự giản dị, chân thành - người đã dành cả đời mình cống hiến cho sự thống nhất và phát triển của đất nước mà còn là niềm tự hào của mảnh đất địa linh, nhân kiệt.

Lễ an táng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu diễn ra lúc 14 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.

Theo baochinhphu.vn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Liên tục bắt giữ các đối tượng tổ chức đánh bạc

Ngày 20/12, Công an TP. Huế cho biết, trong đợt ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, Đội Cảnh sát hình sự Công an thành phố đã liên tục phối hợp bắt giữ nhiều đối tượng tổ chức đánh bạc.

Liên tục bắt giữ các đối tượng tổ chức đánh bạc
Lời cảnh tỉnh từ vụ án tổ chức mang thai hộ

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 ghi nhận các trường hợp phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại, giúp mang thai hộ cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con, ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Tuy nhiên, nếu người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác là vi phạm pháp luật hình sự và phải “ra trước vành móng ngựa”.

Lời cảnh tỉnh từ vụ án tổ chức mang thai hộ
Ưu tiên đào tạo cán bộ trẻ, cán bộ có chuyên môn

Tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 do Ban Tổ chức Tỉnh ủy tổ chức sáng 3/12, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu đề nghị: Phải ưu tiên đào tạo cán bộ trẻ, cán bộ có chuyên môn, trình độ, tâm huyết. Muốn đào tạo cán bộ trẻ, yêu cầu phải thay đổi tư duy trong tham mưu; cấp ủy các cấp phải mạnh dạn trong quy hoạch, bổ nhiệm, mạnh dạn giao việc và theo dõi, hướng dẫn.

Ưu tiên đào tạo cán bộ trẻ, cán bộ có chuyên môn
Return to top