ClockThứ Sáu, 25/08/2023 08:01

Trận chiến cuối cùng ở vùng sâu Hương Thủy - Bài 2: Mở màn chiến dịch Huế - Đà Nẵng

TTH - Lúc này, đối phương còn mạnh, chúng đã huy động lực lượng trù bị như Dù, Thủy quân lục chiến, Biệt động quân phối hợp với các đơn vị của Sư đoàn I Bộ binh… phản công quyết liệt nên sau ngày 10/3, phần lớn lực lượng vũ trang địa phương đều rút về căn cứ.

Trận chiến cuối cùng ở vùng sâu Hương Thủy - Bài 1: Kế hoạch tác chiến chu đáo

 Đường vào làng Thủy Thanh Chánh (TX. Hương Thủy) khang trang. Ảnh: Bảo Phước

 Ngày 10/3/1975, một tiểu đoàn Dù phối hợp với 1 tiểu đoàn của Trung đoàn 54/ Sư đoàn I Bộ binh triển khai “giải tỏa những nơi mà Cộng quân" làm chủ ở Khu 3 Hương Thủy.

Theo lời của ông Nguyễn Tiến Thảo (quê Phượng Lâu, Việt Trì, Phú Thọ), tham gia đánh chiếm làng Chánh Đông (ở phường Thủy Châu hiện nay), C1 lúc ấy chỉ có 2 trung đội. Trung đội 1 do ông Thảo làm Trung đội trưởng; Trung đội 2 do ông Nguyễn Xuân Sách (đã hy sinh tại chỗ) làm Trung đội trưởng. Do bị tấn công bất ngờ nên Trung đội Địa phương quân đồn trú ở đây bị thiệt hại nặng. Thôn Chánh Đông được giải phóng!

Do Chánh Đông nằm gần Chi khu quân sự Hương Thủy nên sau khi chiếm giữ, C1 đã hội ý và triển khai ngay đội hình chống phản kích. Đúng như dự tính, chừng 10 giờ ngày  hôm đó, đối phương đã huy động lực lượng phản kích.

- Từ trong làng nhìn ra, chúng tôi thấy toàn lính Dù. Dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Bùi Hòa, chúng tôi phân nhau kìm chân địch. Lúc đầu, sẵn đạn tôi không hạn chế nhưng đến khi các toán lính Dù tràn vào làng chúng tôi chỉ bắn từng phát một.

Đại đội trưởng Bùi Hỏa và Chính trị viên Nguyễn Ngọc Trai không ai ngồi yên mà bám sát các Trung đội chỉ huy chiến đấu..

Đến 15 giờ, súng tôi hết đạn. Để tiếp tục chiến đấu tôi đã lấy khẩu B.41 của xạ thủ bị thương và trèo lên mái nhà tìm ổ đề kháng của đối phương tiêu diệt (ngoài khẩu DK75 bị phá hủy, viên Thiếu tá Dù bị thương nặng).

Quân Dù tràn vào làng. Hai bên giành nhau từng góc nhà.

Khi đối phương siết chặt vòng vây thì trời vừa tối, chúng tôi được lệnh tìm mọi cách  rút khỏi làng.

Cựu chiến binh Hoàng Minh Châu (quê Đông Hà, Đông Hưng, Thái Bình) kể: Tôi bị thương chiều ngày 9/3/1975 ở thôn Chánh Đông và được anh Đinh Tiến Hoàng (quê Hợp Tiến, Đông Hưng, Thái Bình) dìu ra. Hai anh em chúng tôi nấp dưới một thân cây to ở cánh đồng chờ đêm xuống tìm cách vượt Quốc lộ I. Lúc này địch đã siết chặt vòng vây. Chúng cho máy bay rải truyền đơn và dùng loa kêu gọi chúng tôi đầu hàng.

Nằm bên tôi, anh Hoàng động viên: “Kệ mẹ nó”. Chừng 17 giờ, nhìn ra cánh đồng, chúng tôi thấy lính của Trung đoàn 54 tiến hành lùng sục. Anh Hoàng dặn tôi: “đợi chúng đến cách chừng 5 mét mới bắn”. Địch đến gần, anh Hoàng ngóc đầu dậy dương súng. Chưa kịp bóp cò thì đã ngã xuống. Chúng đã bắn vào anh! Tiếp đó chúng câu M.79 vào vị trí chúng tôi. Anh Hoàng hy sinh, còn tôi bị thương nặng, bị ngất. Tôi sống sót chỉ là nhờ tình cờ. Địch tưởng tôi đã chết nên ném chung với đồng đội hy sinh. Đến khi chúng đưa đi chôn, tôi bắt đầu tỉnh lại. Miệng ú ớ, xin nước. Lãnh một cú đá đau điếng, tỉnh người, tôi chỉ nghe đúng một câu: “Đ.M thằng này còn sống”!

Trong khi đó ở Thủy Thanh, đối phương huy động 1 tiểu đoàn Dù phản kích. Từ trong làng C3 triển khai đội hình cầm chân địch.

Ngày 10/3, Nguyễn Hồng Phương (quê Việt Trì, Phú Thọ); Nguyễn Văn Nhân (quê Hải Hậu, Nam Định), Bùi Văn Đạt  quê Hà Nội), Nguyễn Văn Sóng (Vĩnh Bảo, Hải Phòng)… lần lượt hy sinh. Phó Trưởng ty An ninh Nguyễn Mân trên đường đến Phú Vang đã hy sinh ở Thủy Thanh!

Nhớ lời dặn của Tỉnh đội trưởng Dương Quang Đấu trước khi vào chiến dịch “nếu Hương Thủy gặp khó khăn thì tìm cách liên lạc với Phú Vang”, nên đêm 10/3/1975, Huyện đội trưởng Lê Hữu Tòng đã cùng: Văn Viết Kiễu (an ninh huyện), Trần Văn Chấn (trinh sát Huyện đội), Đỗ Văn Hưu (liên lạc của Huyện đội trưởng) được Tổ trưởng Du kích hợp pháp Thủy Thanh - Nguyễn Viết Giám đưa đến sông Như Ý để vượt sang Phú Hồ.

Văn Viết Kiễu xung phong đi trước. Đang đi có tiếng hỏi từ hướng bụi tre:

- Ai, lực lượng nào?

Văn Viết Kiễu dõng dạc trả lời:

- Quân giải phóng!

Lập tức mìn và súng nổ.

Liên lạc Đỗ Văn Hưu hy sinh; còn Văn Viết Kiễu bị thương ở tay.

Rơi vài tình huống bất ngờ, mỗi người tháo chạy mỗi ngả.

Lê Hữu Tòng lần mò quay trở lại Thủy Thanh và dùng ám hiệu kiếm tìm đồng đội. Đến lúc này mới biết phần lớn C3 đều dạt ra ẩn nấp ở các cánh đồng.

Xa dân, thiếu nguồn tiếp tế nên lần đầu tiên trong đời Lê Hữu Tòng bứt từng đòng lúa đang ngậm sữa để cầm hơi trong khi Phan Văn Hoàng (quê Xuân Hòa, Thủy Vân, Hương Thủy) lại bắt cá, tép, đam… ăn sống.

- Tôi ăn được những thứ này là nhờ anh Hoàng bày vẽ!

Sau mấy ngày ẩn nấp trong cánh đồng lúa, đêm 12/3/1975 Lê Hữu Tòng tìm cách vào làng Thanh Thủy Chánh.

Tại đây ông gặp: Đội trưởng công tác Thủy Thanh - Nguyễn Thanh Hải, Đội trưởng công tác Thủy Dương - Phùng Hữu Dương, cán bộ binh vận huyện Dương Văn Đáng, và Trinh sát huyện đội Trần Văn Chấn - người may mắn thoát chết trong đêm bị phục kích ở Phú Hồ!

Sau khi hội ý, Nguyễn Thanh Hải quyết định bám trụ Thủy Thanh, số còn lại, dưới sự dẫn đường của Dương Văn Đáng. Vượt qua Quốc lộ I, Huyện đội trưởng Lê Hữu Tòng được Biệt động thành phố Võ Nguyên Quảng và Đại đội phó C1 Nguyễn Trung Kiên đưa đến nam động Sầm - khu vực tiếp giáp giữa Thủy Phương và Thủy Dương gặp Bí thư Tỉnh ủy Vũ Thắng để báo cáo tình hình của Khu 3 Hương Thủy. Cùng nghe Lê Hữu Tòng báo cáo còn có ông Nguyễn Thanh Giai, Phó ban Binh vận và bà Trần Thị Hà, Huyện ủy viên, Bí thư xã Mỹ Thủy.

Báo cáo xong, tôi được Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp giao nhiệm vụ tổ chức cho đoàn trở về hậu cứ vào tối 13/3/1975.

Trong khi tôi ẩn nấp ở nhà bà cô của Đại đội phó Kiên thì sáng 13/3, địch càn vào làng tiến vào khu vực nhà bà Lê Thị Vịt - nơi Bí thư Tỉnh ủy đang ở.

Để cầm chân địch, Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Chư đã chấp nhận hy sinh kìm chân địch để kịp giải nguy. Và đêm hôm đó, theo kế hoạch Huyện đội trưởng Lê Hữu Tòng đã tổ chức đưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trở về hậu cứ an toàn.

Sau thất bại ở Tây Nguyên, cục diện chiến trường biến chuyển mau lẹ.

Tận dụng thời cơ “một ngày bằng hai mươi năm”, ngày 21/3/1975, Quân đoàn II đồng loạt nổ súng tấn công đợt II; đồng thời chính thức mở màn chiến dịch Huế - Đà Nẵng.

Ngày 24/3/1975, Hương Thủy được giải phóng.

Trong đoàn quân chiến thắng trở về có Lê Hữu Tòng, người con của quê hương Hà Nam, từ xuân 1968 đã gắn bó với chiến trường Thừa Thiên Huế.

Từ một Đại đội phó Đặc công của Thành đội Huế đến khi kết thúc chiến tranh vào tháng 3/1975, ông lần lượt trở thành Đại đội trưởng, Huyện đội phó rồi Huyện đội trưởng Hương Thủy.

Dù là cán bộ chỉ huy nhưng Lê Hữu Tòng luôn sát cánh cùng đơn vị chiến đấu và đã lập được nhiều chiến công, trong đó nổi bật nhất là trận đánh Mỹ ở Động Tòa, diệt Ngụy ở Chi khu quân sự Nam Hòa...

Những đóng góp của ông đã được Lịch sử nhiều đảng bộ ghi nhận.

Trở lại thăm chiến trường xưa cũng là dịp để ông Lê Hữu Tòng và đồng đội tri ân đồng bào đã cưu mang, giúp đỡ trong những năm cực kỳ gian khổ, ác liệt, bởi như ông từng tâm sự, có gắn bó máu thịt mới nâng niu, quý trọng Nhân dân.

- Khi đề cập về trận tấn công Trung đội “Nghĩa  quân” ở làng Chánh Đông (nay thộc phường Thủy  Châu, thị xã Hương Thủy), nguyên Huyện đội trưởng Lê Hữu Tòng và nguyên Trung đội trưởng Trung đội 1 của Đại đội 1 Huyện đội Hương Thủy Nguyễn Tiến Thảo rất buồn khi nhắc lại chuyện Đại đội trưởng Đại đội 1 Bùi Hòa (Thạch Thành, Thanh Hóa) – người trực tiếp chỉ huy trận đánh đó bị kỷ luật.
- Sau giải phóng, không biết nghe ai báo cáo đồng chí Hòa “rời bỏ vị trí chỉ huy” nên đồng chí Bùi Hòa đã bị tước quân tịch. Khi vụ việc xảy ra, tôi đang học ở Học viện Quân sự nên tôi rất đau vì mình đã không bảo vệ được cho anh em! Ông Tòng khóc khi nhắc lại chuyện này.
Còn ông Nguyễn Tiến Thảo cho biết, C1 chủ yếu là anh em miền Bắc. Sau giải phóng phần lớn trở về quê nhà. Tôi khẳng định, chiều đó, 10/3/1975 chừng hơn 15 giờ từ mái nhà tôi nhìn thấy Đại đội trưởng Bùi Hòa và Chính trị viên Đại đội Nguyễn Ngọc Trai đang cùng anh em chiến đấu. Lúc đó địch đã tiến vào làng nên việc rút trước hay sau để tránh tổn thất là hợp lý. Nếu kết luận Đại đội trưởng Bùi Hòa “bỏ vị trí chỉ huy” không đúng với tình hình của mặt trận. 
Chúng tôi chỉ mong cấp trên xem xét lại, minh oan cho Đại đội trưởng Bùi Hòa vì đây là vấn đề thuộc về danh dự của một con người, của một quân nhân xả thân vì nước!

Phạm Hữu Thu
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hỗ trợ hơn 1,5 tỷ đồng bò giống sinh sản ở Hương Thủy

Ngày 26/4, UBND TX. Hương Thủy tổ chức bàn giao bò sinh sản cho các hộ nghèo trên địa bàn. Đây là hoạt động nằm trong dự án “Hỗ trợ phát triển đàn bò lai sinh sản” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn thị xã giai đoạn 2021-2025.

Hỗ trợ hơn 1,5 tỷ đồng bò giống sinh sản ở Hương Thủy

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top