Đưa hài cốt liệt sĩ từ Lào về Huế an táng tại NTLS
Ấm tình, vẹn nghĩa
Cách đây vài năm, lúc mẹ Việt Nam Anh hùng Hà Thị Lý còn sống, tôi có dịp cùng với Chi đoàn cơ quan Báo Thừa Thiên Huế phối hợp với Đoàn phường Kim Long đến thăm mẹ. Lúc đó, mẹ tuy tuổi cao nhưng minh mẫn lắm. Mẹ cười nói vui vẻ trong suốt buổi sáng chúng tôi đến thăm. Hôm đó, chi đoàn chúng tôi ngoài tặng quà còn giúp mẹ quét sân, lau dọn nhà cửa, nhổ cỏ, làm vườn.
Không đủ thời gian nấu cho mẹ bữa cơm trưa là điều đến giờ chúng tôi vẫn day dứt. Vui là trong một hoạt động chia sẻ trên facebook, một nhóm bạn trẻ là đoàn viên trên địa bàn phường Kim Long đã thực hiện điều này khi cùng đi chợ về nấu ăn trưa cùng mẹ. Chúng tôi thấy được niềm vui thể hiện trên gương mặt, nụ cười của mẹ khi được sự quan tâm của các bạn trẻ. Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Huế cho biết, mẹ Hà Thị Lý được rất nhiều đoàn thể, tổ chức thường xuyên đến thăm. Mẹ cũng được Trường đại học Y Dược Huế nhận phụng dưỡng suốt đời.
Cùng với mẹ Hà Thị Lý, hiện trên địa bàn TP. Huế có hơn 250 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đang được các tổ chức, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng và hỗ trợ suốt đời. Ngoài các chế độ theo quy định của Nhà nước, các mẹ còn được người dân, các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp thường xuyên đến thăm hỏi, động viên đã phần nào giúp các mẹ có thêm niềm vui sống lúc tuổi già.
Ngoài hoạt động này, TP. Huế còn triển khai khá nhiều hoạt động có ý nghĩa khác để tri ân những đóng góp cho độc lập, tự do của đất nước. Đó là xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, hỗ trợ về vật chất, tinh thần cho những người có công với cách mạng cũng như thực hiện chế độ đãi ngộ trong tuyển dụng đối với con em liệt sĩ, thương binh, gia đình có công.
Một hoạt động khá ý nghĩa khác được TP. Huế tổ chức thường xuyên là lễ dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP. Huế. Đúng vào các dịp lễ kỷ niệm lớn như thành lập Đảng, Quốc khánh… TP. Huế thường tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa trang nghiêm với sự tham dự đông đủ của lãnh đạo tỉnh, thành phố, các phòng ban, địa phương liên quan. Việc chăm sóc hương khói cho phần mộ các anh hùng liệt sĩ cũng diễn ra thường xuyên và chu đáo. TP. Huế đã trích kinh phí để xây mới gần 100 mộ liệt sĩ, đồng thời lát gạch, quét vôi tường rào, sửa chữa một số hạng mục nhà truyền thống…
Bằng cả tấm lòng
Lãnh đạo TP. Huế xác định việc thăm hỏi, động viên, hỗ trợ thân nhân các gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng không chỉ có ý nghĩa về mặt vật chất, tinh thần mà qua đó còn đánh giá được trách nhiệm, thái độ của cán bộ Nhà nước, những người được sống trong hòa bình, độc lập đối với những người đã hy sinh, cống hiến tuổi trẻ, xương máu cho Tổ quốc. Thế nên, các hoạt động thăm hỏi luôn được tổ chức ân cần, chu đáo chứ không nặng hình thức, "cho có lệ". Nhờ thế, hoạt động hỗ trợ những gia đình có công, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng luôn là công tác ưu tiên của các phường, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn.
Ngoài phường Kim Long, Đoàn phường Trường An và một số đoàn phường trực thuộc Thành đoàn Huế có khá nhiều cách làm năng động, hiệu quả để thay hình thức thăm hỏi thông thường, đó là đến thăm chơi thường xuyên để nắm tình hình, hoàn cảnh, nguyện vọng của các gia đình chính sách, người có công, nhất là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng để có những hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời. Những việc làm nhỏ như giúp các mẹ đi chợ, nấu ăn, giặt áo quần, quét nhà… đem lại những tiếng cười sảng khoái để các mẹ quên đi nỗi buồn tuổi già, nhất là xua đi cảm giác không bị lãng quên, bỏ rơi.
Theo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Huế, dù là địa bàn trung tâm, việc thăm hỏi hay đưa các chế độ chính sách đến với người có công có phần thuận lợi hơn so với một số địa bàn khác. Song nếu cách làm không hiệu quả, mang tính chiếu lệ, hời hợt, chắc chắn sẽ gây tổn thương, mất lòng tin của người có công đối với bộ máy công quyền. Do thế, lãnh đạo TP. Huế luôn cân nhắc phương án hỗ trợ làm sao hiệu quả nhất, không phô trương rườm rà nhưng cũng không để người được hỗ trợ cảm thấy tủi thân, bởi việc làm xuất phát từ trái tim sẽ đến trái tim.
TP. Huế hiện có hơn 2.500 liệt sĩ, 256 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 22 Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, 106 cán bộ lão thành cách mạng, 242 cán bộ tiền khởi nghĩa và hàng ngàn người có công cách mạng hiện đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Giai đoạn từ 2012-2016, quỹ đền ơn đáp nghĩa TP. Huế đã thu được hơn 3,5 tỷ đồng; trích hơn 3 tỷ đồng để hỗ trợ gần 250 hộ gia đình có công sửa chữa, xây dựng nhà ở; còn lại được sử dụng cho các hoạt động thăm hỏi, tu bổ nghĩa trang… Riêng 6 tháng đầu năm 2017, quỹ đền ơn đáp nghĩa TP. Huế phê duyệt kinh phí hơn 550 triệu đồng để hỗ trợ 33 hộ gia đình chính sách thực hiện xây dựng, sửa chữa nhà ở. |
Tâm Huệ