Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ kiểm tra sổ kiểm dịch tại chốt kiểm dịch phía Bắc tỉnh
Có mặt tại Chốt Kiểm dịch động vật trên QL1A thuộc địa phận xã Phong Thu (Phong Điền) lúc 3h30 sáng, Chủ tịch UBND tỉnh đã thăm hỏi, động viên lực lượng làm nhiệm vụ đang túc trực 24/24h để kiểm soát dịch bệnh.
Theo cán bộ có mặt tại chốt, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về việc triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống dịch tả lợn châu Phi, Chi cục Chăn nuôi thú ý tỉnh phối hợp với cảnh sát môi trường, cảnh sát giao thông, quản lý thị trường gồm 5 người, thường xuyên túc trực tại chốt để kiểm tra, tiêu độc khử trùng tất cả các xe chở lợn qua địa bàn tỉnh.
Cán bộ thú y kiểm tra một xe vận chuyển lợn qua địa bàn
Trung bình, mỗi ngày có khoảng 15-20 chuyến xe ở phía Bắc vào Huế hoặc đi qua địa bàn đều được dừng xe kiểm tra các loại giấy tờ liên quan và phun thuốc tiêu độc khử trùng. Qua kiểm tra, chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm như chở lợn không có giấy kiểm dịch, chở lợn bệnh, lợn chết…
Tiếp đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã đến khu vực giết mổ gia súc tập trung tại chợ đầu mối Phú Hậu (TP. Huế). Tại đây, từ lúc 2h - 6h sáng hàng ngày, lò giết mổ này thực hiện giết mổ khoảng 800 con lợn để cung ứng lượng thịt cho người tiêu dùng. Cán bộ kiểm dịch làm công tác tiêu độc khử trùng - phun thuốc vào đàn lợn trước khi được đưa vào lò mổ; đồng thời, kiểm tra, đóng dấu kiểm dịch vào thịt lợn sau khi mổ.
Cán bộ thú y phun thuốc tiêu độc khử trùng đàn lợn trước khi đưa vào giết mổ
Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương các lực lượng đã không quản ngại khó khăn, túc trực trong đêm khuya để ngăn chặn không cho dịch bệnh thâm nhập vào địa bàn. Đồng thời, yêu cầu cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người chăn nuôi phải thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 20/2/2019 của Thủ tướng về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, tuy dịch bệnh chưa xuất hiện trên địa bàn Thừa Thiên Huế nhưng tại Việt Nam đã ghi nhận sự xuất hiện của dịch bệnh này tại một số tỉnh, do đó Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại địa phương mình quản lý.
Cảnh mua bán tại lò mổ lớn nhất TP. Huế lúc 4h sáng
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nêu rõ, không phải đơn thuần phòng chống dịch là việc của chi cục thú y, Sở NN-PTNT mà mỗi địa phương đều phải ra tay thì mới ngăn chặn hiệu quả. Do đó, các cấp, các ngành, theo chức năng được phân công, phải cùng vào cuộc, cử cán bộ, cung cấp phương tiện, vừa ra văn bản chỉ đạo vừa có những biện pháp, hướng dẫn hành động kịp thời.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan thông tin báo chí cần đẩy mạnh tuyên truyền về vấn đề này để không gây hoang mang và quay lưng với thịt lợn sạch.
Thịt lợn đã đóng dấu kiểm dịch được vận chuyển đi tiêu thụ
Hiện trên địa bàn chưa phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi, nhưng tình hình xuất, nhập động vật và sản phẩm động vật vào tỉnh để chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ rất lớn, mầm bệnh vẫn tồn tại trong môi trường và lưu hành trong đàn vật nuôi. Bên cạnh đó, chăn nuôi nhỏ lẻ chưa an toàn vẫn chiếm tỷ lệ khá cao; do vậy nguy cơ xảy ra các loại dịch bệnh nguy hiểm trên địa bàn tỉnh là rất lớn.
Để chủ động phòng lây lan dịch bệnh trên đàn gia súc nói chung và bệnh dịch tả lợn châu Phi nói riêng, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị liên quan tập trung triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhất là tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn tỉnh.
Tin, ảnh: Thái Bình