Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: Chinhphu.vn
Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo một số bộ, ngành và các tỉnh miền Trung. Đoàn Thừa Thiên Huế do ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tham dự.
Sạt lở bờ biển diễn biến phức tạp
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khu vực ven biển miền Trung từ Nghệ An đến Bình Thuận gồm 13 tỉnh, thành phố có chiều dài bờ biển 1.649 km cùng mạng lưới sông dày đặc với 48 cửa sông lớn, nhỏ đổ ra biển Đông.
Những năm gần đây, đặc biệt từ sau trận mưa lũ lịch sử năm 1999, diễn biến xói lở bờ biển và bồi lấp cửa sông trong khu vực diễn ra rất phức tạp và nghiêm trọng với quy mô, mức độ ngày càng gia tăng. Các địa phương bị xói lở mạnh nhất tập trung ở các tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận...
Sạt lở bờ biển đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của Nhân dân cũng như phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đặc biệt là ở những khu vực xảy ra sạt lở nguy hiểm. Bên cạnh hiện tượng sạt lở bờ biển, tình trạng bồi lắng các khu vực cửa sông cũng đang diễn ra rất phức tạp.
Việc bồi lấp cửa sông ngoài việc ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ, hoạt động giao thông thủy, các cơ sở hạ tầng công cộng, môi trường sinh thái, các hoạt động du lịch, còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân, đặc biệt việc ra vào tránh trú của tàu thuyền trong mùa mưa bão, trong một số trường hợp đã bị mắc cạn, chìm tàu, thậm chí gây thiệt hại về người.
Theo báo cáo của các địa phương, đến tháng 7/2018, dọc dải bờ biển miền Trung có 88 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 120 km. Các địa phương mong muốn hỗ trợ kinh phí xử lý sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông đối với 88 điểm này, trong đó, trước mắt tập trung vào 48 điểm cấp bách. Về bồi lấp cửa sông, có 40 điểm, trong đó các tỉnh đề nghị ưu tiên xử lý khẩn cấp 24 điểm.
Sạt lở bờ biển tại Phú Thuận. Ảnh: Thái Bình
Tại Thừa Thiên Huế, ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, đến nay trên địa bàn tỉnh có 2 công trình phòng chống sạt lở đề nghị ưu tiên gồm: Kè chống sạt lở bờ biển đoạn qua thôn An Dương, xã Phú Thuận (Phú Vang), bảo vệ 4,2ha với khoảng 150 hộ dân với tổng kinh phí khoảng 50 tỷ đồng; hiện mới chỉ triển khai thi công đóng cọc phần chân, chưa gia cố phần mái hoàn thiện.
Công trình thứ 2 là xử lý khẩn cấp khắc phục xói lở bờ biển Hải Dương (TX. Hương Trà) và chỉnh trị luồng chảy Thuận An (giai đoạn 1) với tổng kinh phí 100 tỷ đồng. Đây là khu vực ảnh hưởng bờ biển và các công trình hạ tầng công cộng, các khu du lịch, ảnh hưởng đến an toàn và ổn định cuộc sống nhiều hộ dân cư ở Hải Dương và Thuận An. Ngoài ra, ảnh hưởng trực tiếp đến giao thông thủy tàu đánh bắt xa bờ, ảnh hưởng đến thoát lũ và ảnh hưởng đến sự bền vững về môi trường đầm phá.
Hỗ trợ các địa phương theo thứ tự ưu tiên
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Chinhphu.vn
Đánh giá cao các ý kiến tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý, về lâu dài, Bộ NN&PTNT chủ trì đánh giá tổng thể căn bản tình trạng sạt lở bờ biển, sông, đưa ra các giải pháp chủ động gắn với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. “Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân và địa phương thích ứng, phòng chống và xử lý vấn đề môi trường bởi nhiều người dân vẫn chưa thấu hiểu và thực hành, áp dụng tốt mà còn bị động, lúng túng trong một số trường hợp", Thủ tướng nêu rõ. Dải đất miền Trung hẹp nên việc lấn biển, giữ gìn đất đai, phát triển non sông đất nước rất quan trọng chứ không phải tư duy "hết đất thì chạy lên núi".
Bên cạnh sự quan tâm của Nhà nước, vấn đề xã hội hóa nguồn lực cần đặt ra đối với công tác xử lý sạt lở bờ biển, bồi lấp sông. Cần áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, bao gồm vấn đề độ cao của kè, kè mềm, lấn biển, vấn đề bảo vệ môi trường sống, vấn đề đất đai, vấn đề nhấn chìm đất cát đào từ biển...
“Chúng ta quán triệt tinh thần bảo vệ tính mạng, tài sản người dân, các di sản văn hóa, giảm thiểu tối đa thiệt hại những khu vực bị ảnh hưởng. Cũng tinh thần 4 tại chỗ, các đồng chí phải chủ động hơn nữa trong quy hoạch, trong sử dụng, trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương mình”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp cùng các bộ liên quan bố trí, phân bổ hợp lý trong tổng nguồn vốn hỗ trợ mà Thủ tướng quyết định cho các địa phương, xếp theo thứ tự ưu tiên và mức độ cấp bách. Bên cạnh nguồn vốn Nhà nước, cần huy động xã hội hóa, các nguồn lực quốc tế, các nguồn vốn ODA.
Thủ tướng nêu rõ, các cửa sông phải được nạo vét để thông thủy, bảo đảm thuyền qua lại và cuộc sống của người dân, nhất là cửa sông có tàu thuyền đánh cá vào ra nhiều. Về vấn đề này, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tăng cường huy động xã hội hóa để hạn chế việc sử dụng ngân sách.
Ngoài việc UBND các tỉnh chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí đúng mục đích, đúng quy định, theo thứ tự ưu tiên, kết hợp dự án nạo vét với bù cát chống sạt lở, Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT hướng dẫn, có ý kiến về kỹ thuật để bảo đảm an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí; kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Thủ tướng.
Thái Bình - Hoàng Linh