Ảnh minh họa. Nguồn: Dân trí
Người viết bài này thì có suy nghĩ khác một chút: ủng hộ là cơ bản và băn khoăn với một vài nội dung, nhưng có những người chưa am hiểu đã lên tiếng khiến dư luận hiểu một cách sai lệch. Theo thông tin thì không phải Việt Nam và nhiều nước đã xây dựng các Đặc khu kinh tế (có thể tên gọi có khác nhau) với trên 4.500 địa điểm của 140 quốc gia trên thế giới. Như vậy, Đặc khu kinh tế là vấn đề toàn cầu, là nhu cầu phát triển chung, không phải cứ muốn là có. Lại càng không phải ý chí riêng của tầng lớp lãnh đạo mà là sự phát triển của quốc gia. Với quy mô nhỏ thì Việt Nam cũng đã có 7 khu kinh tế ven biển và hàng trăm khu kinh tế tập trung, khu công nghiệp, khu chế xuất do địa phương quản lý. Như vậy, trước nhu cầu về phát triển, đòi hỏi phải xây dựng các Đặc khu kinh tế là đương nhiên.
Luật chưa được thảo luận trước Quốc hội, dĩ nhiên còn có thay đổi, bổ sung khi mà luật mới chỉ được Bộ Kế hoạch-Đầu tư dự thảo trình ra. Sẽ còn được bàn luận nhiều vì đây là lần đầu tiên làm luật chế định cho Đặc thù kinh tế với những đặc thù riêng. Nhiều luồng ý kiến phản đối nêu ra đều có lý khi mà chúng ta đang mò mẫm học hỏi mô hình tốt của các nước làm ăn có hiệu quả. Cái chính là phải biết lựa chọn mô hình có hiệu quả nhất và đồng vốn chi ra sớm được thu hồi. Ở đây xin có đôi điều cần trao đổi:
Một là, ba đặc khu nằm ở các vị trí chiến lược về quốc phòng của Việt Nam, lại có yếu tố biển đảo rất nhạy cảm. Như vậy, vấn đề quốc phòng phải được đặt lên hàng đầu, tính toán cho hết yếu tố phòng thủ, nhất là Vân Đồn (Quảng Ninh) và Vân Phong (Khánh Hoà). Cả hai nơi này sẽ là cửa ngõ từ Biển Đông vào đất liền nước ta nằm ở hai vùng chiến lược. Lịch sử đã ghi nhận không ít lần cha ông ta đã phải chặn giặc từ Vân Đồn (Quảng Ninh) và đã chiến thắng nhưng không tránh khỏi mất mát hy sinh. Vân Phong (Khánh Hoà) và Vũng Rô (Phú Yên) là yết hầu hiểm yếu ở miền Trung. Trong chiến tranh chống Mỹ, những đoàn tàu không số của Hải quân Việt Nam đã vận chuyển hàng nghìn tấn vũ khí vào miền Nam, góp phần làm nên chiến thắng. Phú Quốc là đảo lớn tiền tiêu trong vùng vịnh Thái Lan. Như vậy các đảo, vịnh đều là những tuyến phòng thủ có ý nghĩa chiến lược nếu chiến tranh diễn ra từ biển.
Hai là, vấn đề xã hội gắn với chủ quyền dân tộc khi các khu vực trên cho thuê với thời hạn lên đến 50 năm hay 99 năm. Chúng ta phải lường trước khi nhà đầu tư vào sẽ kéo theo nhân công là công dân của họ với số lượng lớn, sinh sống qua nhiều đời, con cháu họ kết hôn với người Việt trở thành cư dân như bản địa và không thể tránh khỏi định cư lâu dài. Đó là thực tế cần cân nhắc và trong luật phải quy định chặt chẽ, tránh hậu họa lâu dài cho an sinh xã hội, văn hóa của dân tộc, cho quốc phòng, an ninh. Đây thực chất là cuộc “chiến tranh mềm”, mọi sự cảnh giác của chúng ta sẽ không thừa.
Ba là, chúng ta đang rất thiếu vốn, nợ công đang ở mức cao, chi ra hơn 1,5 triệu tỷ đồng tiền đầu tư cho 3 Đặc khu kinh tế không phải là nhỏ trong điều kiện hiện nay. Ngân sách nhà nước chi đầu tư lớn trong khi thu hồi cho ngân sách từ thuê đất, chính sách giảm thuế và nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư trong nhiều năm sẽ là bài toán cần cân nhắc cho Chính phủ. Đã làm Đặc khu kinh tế thì phải tính (trên thực tế) về hiệu quả kinh tế, không phải làm ra cho có. Nhìn lại các khu kinh tế, khu công nghiệp ở các địa phương trong những năm qua để rút bài học cho 3 đặc khu này.
Bốn là, trong khi dự thảo luật chưa đưa ra thảo luận trước Quốc hội, chưa công bố trên phương tiện thông tin, nhưng những nội dung không chính thống đã lan truyền ra bên ngoài gây hiểu nhầm cho các tầng lớp nhân dân. Những người có ý đồ chống đối đã khuếch trương nội dung nhạy cảm, suy diễn, xuyên tạc theo ý kiến chủ quan về bản chất của dự luật, làm cho nó trở thành vấn đề chính trị không đáng có. Phức tạp hơn nữa khi một số “nhà dân chủ” kêu gọi ký tên kiến nghị, thậm chí còn “phát động biểu tình toàn quốc” chống lại dự luật làm cho vấn đề được “chính trị hóa” hết sức nghiêm trọng. Lẽ ra những dự thảo luật có tính nhạy cảm cần được thông tin, giải thích sớm cho toàn dân hiểu được. Ngay cả khi mạng xã hội lan truyền rầm rộ, nhưng cơ quan dự thảo không lên tiếng giải thích để rồi thông tin bất lợi đi quá xa…
Thông tin trên mạng xã hội không phải là chính thống, nhưng dù sao đó cũng là tiếng nói của không ít người dân. Dân biết, dân bàn là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, nên cần thiết phải chọn lọc những ý kiến xây dựng có lý, có tình để điều chỉnh luật cho chặt chẽ, hợp lý, mang tính hiệu quả lâu dài. Những kẻ lợi dụng coi đây như một cái cớ để phát động chống đối cực đoan cần phải nghiêm trị để giữ kỷ cương phép nước.
Nguyễn Phước Khánh