Thứ Tư, 05/10/2016 13:52
(GMT+7)
Vội vã sẽ bất cập
TTH - Vấn đề các chợ mới được xây dựng, thay thế cho các chợ cũ ở một số vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh nhưng không phát huy được công năng và tác dụng gần đây lại được đề cập đến. Có lẽ điều này xuất phát từ thực tiễn đang diễn ra, khi mà chợ cũ có thể đã xuống cấp, chợ tạm mọc lên ở một số điểm khu vực dân cư, thậm chí chợ tạm mọc sát cạnh trường học đã ảnh hưởng đến an ninh trật tự nói chung và môi trường giáo dục nói riêng. Các chợ Vinh Phú, Phú Diên (Phú Vang), Vinh Giang (Phú Lộc), Quảng Phước (Quảng Điền)... là những tên chợ được nhắc đến trong những thông tin về khía cạnh này.
Đây mới chỉ là những tác động trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt thường ngày của người dân. Rõ ràng là bên cạnh tính tiện dụng, người dân đã “thấm” hơn những phiền phức và hệ lụy từ các chợ tạm, chợ cóc. Mặt khác, điều này còn thể hiện sự nhếch nhác và thiếu tổ chức ở các vùng nông thôn, ngay cả ở những nơi đang trong tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Ở đây, có lẽ cũng cần nhìn nhận mức độ lãng phí khi công trình chợ xây xong nhưng người dân không vào họp chợ, kể cả ở góc độ người mua và người bán. Tuy nhiên, sẽ không thật sự khách quan nếu “đẩy” lý do chợ không phát huy được tác dụng đến từ phía người dân, cho dù yếu tố tâm lý, thói quen vẫn ít nhiều chi phối hoạt động mua bán hàng ngày. Đã từng xảy ra tình trạng chợ đã hoàn công nhưng công trình lại không đảm bảo về mặt kỹ thuật nên người dân không yên tâm; có chợ lại được xây dựng ở vị trí không phù hợp với điều kiện sống của vùng dân cư, mua bán không thuận tiện nên người dân không mặn mà... Cũng trong việc xây dựng các chợ ở vùng nông thôn, dường như có hiện tượng việc xây chợ để phục vụ cho các tiêu chí, hoặc để giải ngân nguồn vốn được cấp nên địa phương có phần nóng vội trong việc xây dựng các chợ mới mà chưa có sự tìm hiểu, đánh giá và giải quyết hài hòa giữa nhu cầu, tâm lý, thói quen, phong tục tập quán và các điểm mua bán hiện có để làm chợ mới; hay cũng có thể nói một cách khác là chưa dựa trên quy hoạch phát triển mạng lưới chợ ở từng vùng nói riêng. Hoặc có thể cũng dựa vào quy hoạch đã có, nhưng lại có phần nóng vội khi chưa tính toán hết các yếu tố tác động đối với các công trình xây mới chợ cũng như việc phát huy được năng lực của các chợ này.
Theo quy hoạch phát triển thương mại của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 thì đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 159 chợ và đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh có 173 chợ các loại, được phân bố ở các địa phương trên địa bàn tùy theo dân số, nhu cầu của các khu vực dân cư... Hiện các địa phương đang xây dựng và thực hiện theo lộ trình này. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là, ngoài các yếu tố về kỹ thuật, tính năng của công trình, cần phải tính toán đến việc giải quyết hài hòa giữa phong tục, tập quán, nhu cầu trong xây dựng chợ mới để phát huy được hiệu quả, tránh xây xong rồi không đưa vào sử dụng được hoặc lại phải xin chuyển đổi công năng của chợ rất bất cập như đã từng có.
Minh Hà