Mỗi xã, phường, thị trấn là một “pháo đài”, mỗi người dân là một “chiến sĩ”, là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong việc chuyển hướng chống dịch COVID-19, trọng tâm là cấp xã, phường, thị trấn. Phương châm này cũng được UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tiếp tục quán triệt tại hội nghị trực tuyến toàn tỉnh của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh ngày 6/9 vừa qua. Đây là điều chúng ta đã, đang và cần phải tiếp tục thực hiện với tinh thần nghiêm túc, quyết liệt hơn nữa trước tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp, khó lường.
Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, cấp xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) là đơn vị hành chính cơ sở, chính quyền ở địa phương có HĐND và UBND. Chính quyền cấp xã được giao nhiệm vụ tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn xã; quyết định những vấn đề của xã trong phạm vi được phân quyền, phân cấp theo quy định của luật; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan hành chính nhà nước cấp trên ủy quyền; quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn xã.
Nhắc lại điều này để thấy, chính quyền cấp xã có đủ chức năng, quyền hạn trong việc tổ chức, điều hành hoạt động toàn bộ các mặt kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng ở địa phương, và cũng là cấp cơ sở gần dân nhất. Cán bộ chính quyền cấp xã do người dân bầu ra và họ cũng là người hiểu rõ đặc điểm, tình hình địa phương; hoàn cảnh, nguyện vọng của người dân nên việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương cũng sát thực tế, thuận lợi hơn.
Kinh nghiệm từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai trong đợt dịch COVID-19 thứ tư này cho thấy, khi số ca F0, F1 tăng vọt, các bệnh viện, khu cách ly đều quá tải; lực lượng y tế phải làm việc 10-12 giờ mỗi ngày thì các mô hình cách ly, điều trị F0, F1 tại nhà, triển khai các trạm y tế lưu động, thành lập các tổ phản ứng nhanh để đưa các trường hợp bệnh nặng đến cơ sở y tế; đi chợ hộ, siêu thị lưu động; thành lập các tổ COVID-19 cộng đồng… chính là cách phát huy hiệu quả các lực lượng, người dân ở cơ sở. Nhờ vậy, không chỉ giảm áp lực cho các lực lượng tuyến đầu, chính quyền tỉnh, thành phố trong cuộc chiến với đại dịch mà còn góp phần ổn định an ninh, chính trị tại cơ sở. Ở Thừa Thiên Huế cũng vậy, các mô hình tự giám sát y tế tập trung ở nhà, sau khi hoàn thành cách ly y tế tập trung của các địa phương Phú Vang, Nam Đông… cũng là kinh nghiệm cần nhân rộng, nhất là trong bối cảnh dự báo số người trở về địa phương tiếp tục tăng sau khi các tỉnh phía nam hết thời gian giãn cách xã hội.
Với việc chuyển hướng phòng, chống dịch, trọng tâm là cấp xã, phường, rõ ràng vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở và đội ngũ cán bộ càng nặng nề hơn. Theo đó, các địa phương phải chủ động xây dựng phương án, kịch bản phòng, chống dịch phù hợp với địa phương mình. Trong kịch bản cao nhất là bị phong tỏa triệt để, với vai trò là một “pháo đài” chính quyền cấp xã phường không chỉ chủ động huy động các lực lượng tại chỗ và phối phợp với các cơ quan chuyên môn thực hiện các biện pháp chống dịch, mà còn phải đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội tại cơ sở.
Nếu mỗi địa phương đều làm tốt nhiệm vụ, trở thành “pháo đài xanh” không để dịch xâm nhập từ ngoài vào địa bàn là góp phần thu hẹp “vùng đỏ”, mở rộng “vùng xanh”. Để làm tốt điều này, rất cần sự chủ động, quyết liệt của từng cấp ủy cơ sở, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị- xã hội ở địa phương và sự chung sức đồng lòng của người dân.
Hoàng Minh