Bởi, đây là lần đầu tiên sản phẩm thịt gà Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản và đó là cả một quá trình chuẩn bị bài bản, mở ra cơ hội xuất khẩu gia cầm nói riêng, nông sản nói chung sang các thị trường giá trị cao nếu xây dựng được chuỗi liên kết giá trị…
Việt Nam là một nước nông nghiệp, có đến 70% dân số lao động trong lĩnh vực này, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Trong những năm qua, ngành nông nghiệp được ghi nhận có những bước tiến vượt bậc, trở thành nước xuất khẩu hàng đầu các mặt hàng nông sản, lương thực và nằm trong nhóm 5 nước xuất khẩu lớn nhất. Các mặt hàng thủy sản cũng đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới như châu Âu, Mỹ, Nhật…Riêng các sản phẩm gia súc, gia cầm thì hầu như chỉ quanh quẩn với thị trường nội địa, xuất khẩu cũng mới chỉ vươn ra nước láng giềng Trung Quốc- một thị trường không phải là khó tính. Chính thị trường hạn hẹp dẫn đến đầu ra sản phẩm bấp bênh, nóng lạnh bất thường, giá cả trồi trụt đến độ “thót tim”. Rõ nhất là chuyện con heo thời gian qua, giá cả lao dốc đến độ người nuôi phải bán dưới giá thành, chấp nhận lỗ để giảm lỗ. Khi thị trường Trung Quốc vừa có tín hiệu khởi sắc, người nuôi khấp khởi hy vọng, thì giá heo thịt lại tiếp tục giảm. Nhà nước hết lo giải cứu heo lại đến giải cứu con gà, giải cứu chuối, dưa… Câu chuyện được mùa mất giá, được giá mất mùa là nỗi ám ảnh kéo dài đối với nông dân nói riêng, ngành nông nghiệp nước ta nói riêng.
Trong xu thế hội nhập hiện nay, việc phát triển nông nghiệp bền vững là vấn đề được đặt ra. Chính phủ cũng đã có định hướng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng thương hiệu nông sản để nâng cao hiệu quả sản xuất và tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp. Để làm được điều này cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách về đất đai, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chuyển giao khoa học, công nghệ, xây dựng thương hiệu sản phẩm…
Trở lại câu chuyện xuất khẩu thịt gà của doanh nghiệp Hùng Nhơn, để có lô hàng đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp mất 20 năm xây dựng khâu nuôi, chế biến cho đến xuất khẩu theo chuỗi giá trị, truy xuất nguồn gốc và đảm bảo sản phẩm sạch. Theo lãnh đạo doanh nghiệp, chi phí đầu tư để xuất khẩu sang Nhật Bản cao cấp 3 lần bán trong nước, nhưng lợi nhuận cũng tăng thêm 20%, mở ra nhiều cơ hội phát triển.
Có nhiều điều đúc rút từ việc xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang Nhật của doanh nghiệp Hùng Nhơn, nhưng việc bắt tay hợp tác giữa doanh nghiệp với nhiều doanh nghiệp ở các nước phát triển như Bỉ, Hà Lan, Nhật Bản để hoàn thiện quy trình nuôi, chế biến thực phẩm sạch hình thành chuỗi giá trị là bài học bổ ích. Nhìn lại việc liên kết này, ngay trên địa bàn tỉnh có mô hình liên kết giữa Công ty cổ phần CP với người chăn nuôi heo ở Phong Điền. Khi giá heo cao nhiều người lại không mặn mà với sự liên kết này, nhưng khi giá heo xuống thấp, công ty vẫn bao tiêu cho nông dân giá ổn định, có lãi... đã cho thấy hiệu quả rõ rệt của sự liên kết.
Trong xu hướng phát triển hiện nay, mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân và giữa các doanh nghiệp với doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị từ nuôi trồng, chế biến đến xuất khẩu là hướng đi cùng có lợi, hướng đến sản xuất an toàn, bền vững.
Hoàng Minh