Chỉ đưa công trình vào sử dụng khi đã được nghiệm thu
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên Đoàn Thị Thanh Mai phát biểu. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Dẫn báo cáo của Đoàn giám sát từ tháng 7/2014 - 7/2018, cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy; địa bàn xảy ra cháy ở thành thị chiếm 60,11%, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) cho rằng, việc tổ chức hệ thống hạ tầng phục vụ phòng cháy, chữa cháy trong đô thị cần được quan tâm đúng mức.
Theo đại biểu, các quy định pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy trong lập quy hoạch đô thị, thiết kế công trình đã được ban hành khá đầy đủ. Tuy nhiên, thực tế hạ tầng kỹ thuật, giao thông phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy còn nhiều bất cập, các quy chuẩn chưa được tuân thủ nghiêm ngặt.
“Hiện nay, ở thành phố Hà Nội có nhiều tuyến phố nhỏ, ngõ sâu, xe cứu hỏa không vào được. Mật độ dân cư đông đúc, thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn. Không chỉ vậy, thành phố hiện còn thiếu 7.000 trụ nước, 300 bể nước, 400 bến nước lấy nước chữa cháy so với tiêu chuẩn, quy chuẩn”, đại biểu chỉ rõ và cho rằng việc rà soát, xây dựng hệ thống hạ tầng đáp ứng tốt yêu cầu phòng cháy, chữa cháy là vấn đề cấp bách hiện nay.
Từ thực tế này, đại biểu đề nghị, trong quy hoạch đô thị cần tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy; từ việc bố trí đường giao thông, các họng nước chữa cháy đến bảo đảm lưu lượng nước phục vụ cho công tác này. Thiết kế của các công trình cần tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy. Bất cứ công trình nào cũng chỉ được đưa vào sử dụng sau khi đã được các cơ quan chức năng nghiệm thu hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Hệ thống này cần được kiểm tra định kỳ, kết hợp với tổ chức các buổi phòng cháy, diễn tập chữa cháy để nâng cao khả năng ứng phó với hỏa hoạn của người dân. Đặc biệt, các công trình nhà chung cư cao tầng cần thực hiện nghiêm quy định về gian lánh nạn.
Chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng cháy, chữa cháy thời gian qua, đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) cho rằng, công tác quản lý nhà nước còn có sự buông lỏng. Qua giám sát thực tế cho thấy, ở nhiều địa phương, công tác quản lý đô thị xây dựng theo quy hoạch, thiết kế thiếu đồng bộ, thiếu kiểm tra, kiểm soát. Một số hộ chung cư cao tầng rào chắn ban công kiên cố, không có lối thoát hiểm, rất khó khăn cho việc cứu người. Khi có sự cố, lực lượng phòng cháy, chữa cháy rất khó khăn di chuyển phương tiện chữa cháy vào nơi có đám cháy, đặc biệt là khu chung cư cao tầng.
Theo đại biểu, phương tiện chữa cháy đến nay mới chỉ thiết kế đến tầng thứ 20; đường chữa cháy giữa các khu dân cư liền kề, các trung tâm thương mại, chợ lớn bị rào chắn do cơi nới các mái che. Tuy nhiên, chính quyền, ban quản lý chợ, ban quản lý chung cư làm ngơ, không xử lý. Các quán karaoke thường xây nhà ở, sau đó mới chuyển đổi, cải tạo công năng, ở xen kẽ dân cư. Các phòng hát không đảm bảo các chất chống cháy, phòng hát chỉ có một cửa độc đạo, trong khi đó chủ nhà hàng không được đào tạo về kiến thức phòng cháy, chữa cháy...
Từ những bất cập này, đại biểu kiến nghị, cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng, tập huấn diễn tập, chỉ dẫn kỹ năng cho người dân, đặc biệt là đội dân phòng, đội phòng cháy, chữa cháy tại các khu chung cư, khu công nghiệp, nhà hàng karaoke, các trung tâm chợ lớn, các điểm dịch vụ, xăng dầu, ga, khí đốt... Đồng thời, các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát tổ chức, cá nhân kinh doanh, đảm bảo cơ cấu lực lượng biên chế hợp lý, bố trí các cấp chính quyền địa bàn trọng điểm đảm bảo phòng cháy, chữa cháy tại chỗ; xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm; kiên quyết yêu cầu trang bị đủ điều kiện phòng cháy, chữa cháy mới cho phép hoạt động.
Chính quyền các cấp làm tốt công tác quản lý đô thị trong xây dựng theo quy hoạch, khu dân cư có đường vào chữa cháy thông thoáng để đảm bảo an toàn khi chữa cháy đồng thời có quy định mục chi ngân sách riêng cho công tác phòng cháy, chữa cháy. Hàng năm bố trí nguồn lực đúng mức để tăng cường trang thiết bị hiện đại phục vụ cho phòng cháy, chữa cháy đồng thời có chính sách xã hội hóa, thu hút nguồn nhân lực cho công tác này.
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân
Liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) nêu rõ: Việt Nam có khoảng 6 triệu ha rừng dễ cháy, bao gồm các loại rừng thông, rừng tre nứa, rừng tràm, rừng bạch đằng, rừng phi lao… Cùng với đó, tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp cũng làm gia tăng nguy cơ cháy rừng.
Dẫn chứng hàng loạt vụ cháy rừng từ ngày 25/6 đến ngày 1/7/2019 ở các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế..., đại biểu cho rằng, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng còn nhiều hạn chế như thiếu đường băng xanh, đường băng trắng, việc chữa cháy vẫn dùng phương tiện thô sơ để dập lửa như cành cây, dao phát, can đựng nước... Do vậy, để bảo vệ những cánh rừng xanh tươi, trở thành tấm khiên vững chắc để bảo vệ con người, cần những giải pháp để phòng, cháy rừng hiệu quả.
Đại biểu đề nghị, chính quyền địa phương, kiểm lâm cùng với chủ rừng phối hợp chặt chẽ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao ý thức của người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Lực lượng kiểm lâm cùng với chủ rừng, địa phương hàng năm cần tổ chức diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng.
“Cần có phương án phòng cháy, chữa cháy rừng như tạo đường băng xanh, đường băng trắng xen kẽ. Đường băng cản lửa cũng đồng thời là đường dùng để di chuyển lực lượng, phương tiện dập lửa khi xảy ra cháy rừng, đường tuần tra bảo vệ rừng và phục vụ các hoạt động kinh doanh rừng. Khu nào có điều kiện thuận lợi có thể xây bể chứa nước, là nguồn chữa cháy sau này”, đại biểu nêu đề xuất.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Cao Thị Xuân phát biểu thảo luận. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Theo đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa), nếu những biểu hiện cực đoan của thời tiết là nguyên nhân khách quan thì thống kê trong số hàng chục vụ cháy rừng, trong đó có những vụ gây hậu quả nghiêm trọng thì dường như tất cả đều bắt nguồn từ sự bất cẩn của con người.
Ngày 27/6, nông dân Nguyễn Thị Hảo (36 tuổi) ở Hương Sơn, Hà Tĩnh đốt cỏ lan sang khu rừng dẫn đến cháy và gây thiệt hại 7 ha rừng. Sau đó, Nguyễn Thị Hảo bị Tòa án nhân dân huyện Hương Sơn tuyên phạt 2 năm tù. Ngày 28/6, một nông dân khác là Phan Đình Thành (46 tuổi) ở Nghi Sơn, Hà Tĩnh cũng đốt rác trong vườn, làm cháy lan rừng phòng hộ. Phan Đình Thành cũng bị khởi tố và bắt tạm giam. “Những vụ việc như vậy khiến chúng ta rất đau lòng.
Nhiều người nông dân với thói quen đốt rẫy, làm nương, không cố tình gây ra những đám cháy lớn, nhưng họ không đủ kiến thức về phòng cháy, chữa cháy nên đã vi phạm pháp luật. Hậu quả là chúng ta mất rừng, còn những người nông dân đáng thương gây ra vụ cháy thì phải vào tù”, đại biểu Cao Thị Xuân nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, đại biểu cho rằng, các cấp, các ngành cần chú trọng vào công tác thông tin, giáo dục, vận động để nâng cao ý thức người dân, nhất là tại các khu vực vùng sâu, vùng xa.
Theo TTXVN