ClockThứ Sáu, 29/03/2024 21:58

Xây dựng kịch bản tăng trưởng phù hợp

TTH.VN - Chiều 29/3 đã diễn ra phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 3. Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chủ trì phiên họp.

Xây dựng kịch bản tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 đạt 10%Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tạo động lực phát triển bứt phá trong năm 2024Nhất quán mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ môGiải ngân vốn đầu tư công thuộc tốp 10 của cả nước9 tháng đầu năm, tăng trưởng đạt 6,84%

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương kết luận phiên họp 

Tốc độ tăng trưởng chưa như kỳ vọng

Mở đầu phiên họp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đại Vui thông tin, trong quý I, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 250,6 triệu USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 215 triệu USD, tăng 54,2% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 13.252 tỷ đồng, tăng 11%. Doanh thu vận tải, bốc xếp ước đạt 1.273 tỷ đồng, tăng 17%. Tổng dư nợ tín dụng đạt 77.400 tỷ đồng, giảm 0,46% so với cuối năm 2023; tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,71%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I tăng 3,9% so với cùng kỳ. 

Hoạt động du lịch tiếp tục khởi sắc, lượng khách ước đạt 892 nghìn lượt, tăng 41% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế ước đạt 447 nghìn lượt, tăng 74,6%. Tổng thu từ du lịch ước đạt 1.711 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I ước tăng 1,2% so với cùng kỳ.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 5.259 tỷ đồng, bằng 15,4% kế hoạch, tăng 7,6% so với cùng kỳ. Thu ngân sách ước đạt 2.751 tỷ đồng, bằng 23,3% dự toán và tăng 16,6% so với cùng kỳ.

Từ đầu năm đến nay, đã cấp mới cho 13 dự án với tổng vốn đăng ký đạt hơn 3.527 tỷ đồng. Tính đến 29/3/2024, có 202 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 1.164 tỷ đồng, tăng 3% về lượng và giảm 5% về vốn so với cùng kỳ; số doanh nghiệp hoạt động trở lại 127 doanh nghiệp. Giải ngân vốn đầu tư công đến thời điểm báo cáo đạt 12% kế hoạch. 

Thông tin tại phiên họp cũng cho thấy, đến nay, tỉnh đã hoàn thành việc tổ chức lấy ý kiến cử tri về dự thảo Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 2023, Thừa Thiên Huế xếp thứ 2/14 tỉnh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, thứ 14/63 tỉnh/thành cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều hạn chế, khó khăn cũng được rõ. Điển hình là  tốc độ tăng trưởng GRDP quý I chưa đạt như kỳ vọng, ước đạt 4,28%, thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ 6,91%, đứng thứ 9/12 tỉnh/thành vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Miền Trung. Tình tình tai nạn giao thông tiếp tục có chiều hướng diễn biến phức tạp, tăng cả số vụ, số người chết và bị thương…

Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải thiện tốc độ tăng trưởng trong thời gian tới

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Tại phiên họp, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương đã có thông tin, thảo luận cụ thể về tình hình mỗi ngành. Trong đó, đáng chú ý là việc cần đẩy nhanh tiến độ các quy hoạch phân khu; giải pháp để giảm thiểu tai nạn giao thông; phòng chống dịch bệnh; gỡ vướng giải phóng mặt bằng cho các dự án…

Liên quan đến tốc độ tăng trưởng, tỉnh đề ra chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2024 từ 8,5% - 9,5%, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng quý I thấp khiến mục tiêu tăng trưởng sẽ là thách thức rất lớn đối với tỉnh trong quý II và 6 tháng cuối năm. 

Do đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất UBND tỉnh kịch bản tăng trưởng như sau: Tốc độ tăng trưởng GRDP quý II ước đạt 8,64%; 6 tháng đầu năm ước đạt 6,63 - 7,50%, 6 tháng cuối năm ước đạt 10,12 - 11,21%. 

Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết 83/NQ-CP của Chính phủ. Trong đó, trước mắt chuẩn bị chu đáo các điều kiện để đảm bảo tổ chức thành công Lễ Công bố Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch chung đô thị và xúc tiến đầu tư năm 2024; đồng thời, khẩn trương xây dựng các kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện các Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Về phát triển kinh tế, ông Phương cơ bản thống nhất với kịch bản Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, đồng thời đề nghị các sở, ngành, địa phương tập trung theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ  triển khai các dự án trọng điểm sớm đi vào hoạt động tạo năng lực mới, đặc biệt là các dự án sản xuất công nghiệp như: Nhà máy Kanglongda Huế, Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế; Dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN Gilimex; đôn đốc, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ Dự án Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế để đưa vào hoạt động trong Quý III/2024.

Tập trung hỗ trợ để sớm triển khai các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư, đã lựa chọn được nhà đầu tư; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm sử dụng vốn ngân sách; cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh; hoàn chỉnh các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành nhằm đảm bảo tính đồng bộ, sẵn sàng trong kêu gọi và thu hút đầu tư.  

 “Tốc độ tăng trưởng quý I thấp sẽ gây áp lực lớn đến các chỉ tiêu phấn đấu trong các quý còn lại. Do vậy, cần có các giải pháp căn cơ để đạt được kịch bản tăng trưởng như đã đề ra. Ngoài các nhiệm vụ phát triển kinh tế, các cơ quan liên quan cần triển khai kế hoạch đảm bảo an ninh, an toàn các sự kiện chính trị, văn hoá lớn trong quý II, trọng tâm là đảm bảo an ninh, trật tự Festival Huế 2024. Tập trung đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội. Tăng cường các giải pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tai nạn giao thông, kiên quyết xử lý nghiêm hành vi vi phạm, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn, sử dụng ma túy, lạng lách, đánh võng,...”, ông Phương nhấn mạnh.

LÊ THỌ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Yêu thương & tâm huyết

Sự tôn vinh, kính trọng của xã hội và tình cảm thân thương thầy – trò là niềm hạnh phúc giúp cho các thầy, cô giáo vượt qua bao áp lực để làm tốt nhiệm vụ “gieo con chữ”.

Yêu thương  tâm huyết
Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024

Ghi nhận trong 10 tháng đầu năm 2024, thương mại của Trung Quốc đạt được với các nền kinh tế thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chạm mốc cao kỷ lục, vượt 21 nghìn tỷ NDT (2,91 nghìn tỷ USD). Kết quả này đã nhấn mạnh sự hội nhập kinh tế sâu rộng và kết nối thương mại mạnh mẽ giữa các bên.

Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024

TIN MỚI

Return to top