Nhà hát Sông Hương trong giai đoạn hoàn thiện
Hoàn thiện nhà hát đẳng cấp
Khởi công vào năm 2017, dự án xây dựng nhà hát Sông Hương thuộc Học viện Âm nhạc Huế do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng miền Trung và Tây Nguyên (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) làm chủ đầu tư, với số vốn gần 200 tỷ đồng. Hiện nay, công trình đã hoàn thành phần xây dựng; đang vào giai đoạn nước rút hoàn thiện các gói thầu trang thiết bị. Dự kiến, nhà hát sẽ hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng cuối tháng 3/2020.
Theo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng miền Trung và Tây Nguyên, với vị trí đẹp, nhà hát được thiết kế theo không gian mở, người dân có thể tiếp cận để vui chơi xung quanh. Kiến trúc nhà hát được thiết kế độc đáo, trở thành điểm nhấn của không gian đô thị Huế, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên. Nhà hát có quy mô 1.000 chỗ ngồi, tận dụng tối đa không gian phục vụ cho các chức năng khác nhau. Trong đó, khu vực khán giả và sân khấu là không gian chủ đạo khẳng định đặc trưng của nhà hát chuyên nghiệp. Ngoài các phòng chức năng, nhà hát Sông Hương còn có phòng tổ chức hội nghị, hội thảo.
Trong công tác xây dựng, từ vật liệu xây dựng, ngói lợp, nội thất, màu sắc trang trí… đều được đơn vị thi công chú trọng nghiên cứu kỹ càng. Bên ngoài nhà hát sẽ có sân khấu ngoài trời, sân vườn, cây cỏ, các bức tượng, phù điêu trang trí… tạo thành một thiết chế văn hóa phục vụ cho nhân dân trong tỉnh và cả khu vực lân cận. Với công năng là nhà hát đa chức năng, ở nhà hát có thể biểu diễn nhạc thính phòng, ca múa nhạc, xiếc và các loại hình nghệ thuật khác, đồng thời tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo chuyên ngành, thu âm…
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ (giữa) kiểm tra nội thất nhà hát Sông Hương đang trong giai đoạn hoàn thiện
Xung quanh nhà hát có thể tổ chức các dịch vụ để tạo nguồn thu cho học viện, như ca Huế trên sông, các dàn nhạc biểu diễn phục vụ khách tham quan du lịch, tổ chức các chương trình âm nhạc lớn. Với những hoạt động của một thiết chế văn hóa mới hiện đại, có thể kỳ vọng nhà hát sẽ tạo ra các hoạt động âm nhạc sôi động của đời sống âm nhạc ở Huế.
Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành đã đi thị sát các dự án đang triển khai tại Học viện Âm nhạc Huế: Dự án đầu tư xây dựng Hạ tầng Học viện Âm nhạc Huế, Dự án Nhà hát Sông Hương, Dự án đầu tư xây dựng Công trình Học viện Âm nhạc Huế giai đoạn 1, công trình đường đi bộ ven sông, công tác giải phóng mặt bằng trong phạm vi thực hiện các dự án.
Sau khi đi thị sát các công trình, nghe chủ đầu tư, các đơn vị thi công, Học viện Âm nhạc Huế báo cáo, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ ghi nhận, đánh giá cao tiến độ thực hiện, công tác triển khai các dự án, đặc biệt là phần Xây lắp Dự án Nhà hát Sông Hương. Đề nghị Chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, lựa chọn các phương án tối ưu; ưu tiên bố trí cây xanh, trồng hoa tạo cảnh quan xung quanh và tuyến đi bộ. Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, khi công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng cần thực hiện theo mô hình nhà hát đa năng hiện đại, đẳng cấp, không chỉ phục vụ các hoạt động của Học viện Âm nhạc Huế, mà còn là nơi tổ chức các hoạt động nghệ thuật quy mô lớn và các hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế.
Hình thành đường hoa mai trước Kinh thành
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ chỉ đạo nghiên cứu trồng đường mai vàng tại tuyến đường trước Đại nội
Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cùng các cơ quan, đơn vị liên quan đi kiểm tra công tác xây dựng nhà vệ sinh công cộng kết hợp với điểm bán hàng lưu niệm và điểm bố trí xe đạp thông minh. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, việc xây dựng các công trình này phải bảo đảm tính hài hòa với cảnh quan, môi trường, tạo điểm nhấn về điểm bán hàng lưu niệm của Huế để thu hút khách du lịch.
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh cũng khảo sát địa điểm trồng mai vàng xứ Huế và chỉ đạo lãnh đạo Công ty Công viên cây xanh, UBND TP. Huế và Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế nghiên cứu phương án trồng một đường cây mai vàng (Hoàng mai) ngay trước kinh thành Huế.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, cây mai vàng là loài hoa khá nổi tiếng của Huế và đã nhiều người biết đến nên việc xây dựng các tuyến đường hay định danh tuyến đường hoàng mai hoặc rừng hoàng mai không phải không có cơ sở, thậm chí rất hay. Việc nghiên cứu một số tuyến đường dọc các công viên trồng hoa mai rất đẹp và nếu thành công, những nơi có trồng mai sẽ định danh đó là những con đường hoàng mai. Để có giải pháp biến ý tưởng này thành hiện thực, đề nghị Công ty Công viên cây xanh Huế nghiên cứu, đề xuất cụ thể với Chủ tịch UBND tỉnh.
Tin, ảnh: Thái Bình