Những năm trở lại đây, hoạt động tín dụng đen đang nở rộ khắp các tỉnh, thành, từ thành thị đến nông thôn; với hình thức cho vay đơn giản, tiện lợi nhưng lãi suất cao ngất ngưỡng, vượt mức trần quy định của Nhà nước, lại còn lãi mẹ đẻ lãi con… đã đẩy bao gia đình vào cảnh điêu đứng. Nhiều người không trả nổi đã bị xã hội đen đe dọa, uy hiếp phải bỏ trốn, thậm chí là tìm đến cái chết.
Người có lương tâm hẳn không kìm được lòng mình khi chứng kiến hình ảnh những em bé ngây thơ sống trong cảnh gia đình bị băng nhóm đòi nợ thuê uy hiếp. Chị bán hàng rong bị côn đồ đánh đập dã man giữa chợ vì chậm trả tiền lãi một ngày… và còn rất nhiều những cảnh ngộ đáng thương khác từ việc dính vào tín dụng đen.
Có 2 nguyên nhân chính trở thành con nợ của tín dụng đen. Một là thua cờ bạc, tỷ số, buộc phải liều vay tín dụng đen để gỡ gạc; hai là người nghèo, buôn bán nhỏ cần tiền nhưng khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng hợp pháp.
Trong 2 nguyên nhân trên, nguyên nhân thua cờ bạc, cá độ tỷ số là khủng khiếp hơn cả. Vụ án đánh bạc 1.000 tỷ đang được TAND tỉnh Phú Thọ xét xử cho thấy, mỗi ngày có hàng trăm con bạc tham gia; trong đó, có người đặt cược từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng mỗi ngày. Với số tiền bỏ ra như thế, khi thua không còn gì để bán thì phải tìm đến tín dụng đen, để có tiền gỡ.
Điều đáng nói, đây không phải là đường dây đánh bạc duy nhất, mà hiện vẫn tồn tại nhiều các tổ chức đánh bạc khác. Và, cái vòng luẩn quẩn cứ diễn ra. Thua bạc thì đi vay nặng lãi để “chấy” hóa, đến khi lãi mẹ đẻ lãi con, không còn khả năng thanh toán thì sinh ra nghĩ quẩn, làm liều. Trong các vụ cướp ngân hàng xảy ra thời gian qua, phần lớn xuất phát từ nguyên nhân vay tiền của tín dụng đen để chơi tỷ số trên mạng, đến khi mất khả năng thanh toán thì con nợ đã liều mình đi cướp…
Việc đấu tranh, đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi, đòi nợ theo kiểu xã hội đen là cần thiết. Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc, cần thiết phải triệt phá tệ nạn bài bạc, cá độ đang lén lút hoạt động hiện nay; bởi thực tế cho thấy, tín dụng đen là "sân sau" của những con bạc “khát nước”. Điều quan trọng là tự mỗi người dân cần nêu cao ý thức của mình, sống lành mạnh, tránh xa bài bạc, để không bị rơi vào tình cảnh nợ nần chồng chất. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cần nghiên cứu, đưa ra nhiều hình thức, điều kiện hợp lý để người nghèo cần vốn làm ăn dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn hợp pháp, mà không phải dính vào tín dụng đen. Chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội quan tâm hơn nữa, tạo nguồn vốn, giải quyết việc làm; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, để người dân nói không với tín dụng đen. Được như vậy thì các hình thức cho vay nặng lãi, đòi nợ theo kiểu xã hội đen sẽ bị đẩy lùi, không còn đất sống.
Tiểu Ca