Hiện nay, hoạt động tín dụng đen ngang nhiên “cưỡng bức” tài sản, gây bức xúc lớn trong xã hội. Nhiều tổ chức đã núp bóng doanh nghiệp thực hiện các hành vi phạm tội với thủ đoạn phổ biến là cho vay tín chấp với số tiền lớn, người vay không có khả năng chi trả, bị ép làm hợp đồng mua bán tài sản để chiếm đoạt…
Nguyên nhân tín dụng đen đang diễn biến phức tạp là do tiền nhàn rỗi trong dân còn nhiều, nhu cầu tiền cho kinh doanh cũng lớn. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng chưa giải quyết được cả 2 nhu cầu này, đây chính là kẽ hở cho các tổ chức tín dụng đen hoạt động.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa phải sử dụng nguồn tín dụng đen và gặp nhiều rủi ro cao
Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, các doanh nghiệp phải dùng 30% chi phí không chính thức để sản xuất kinh doanh. Ông Nguyễn Kim Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần tái cấu trúc doanh nghiệp Việt cho biết, sự phát triển công nghệ thông tin vô hình chung đã tạo cơ hội thuận lợi cho việc tiếp cận trực tiếp giữa bên có nhu cầu vay và cho vay.
“Chỉ cần tìm kiếm cụm từ “cho vay vốn” trên Internet sẽ cho ra 20 triệu kết quả. Thị trường có nhiều loại hình cho vay nhưng chi phí sử dụng tương đối cao. Một số doanh nghiệp vừa và nhỏ có tới 60% tổng vốn sản xuất kinh doanh là vốn từ tín dụng đen”, ông Nguyễn Kim Hùng cho hay.
Đặc thù của doanh nghiệp vừa và nhỏ là thay đổi nhanh, phải thích ứng với thị trường, nhưng lại chưa có hành lang pháp lý để xác định giá trị thực của hàng hóa, buộc phải tính toán để có thể hợp lý hóa các khoản vốn.
Trong đó, phần lớn là những người cùng đam mê, mong muốn khởi nghiệp. Nhóm doanh nghiệp này thiếu kiến thức về vốn trong khi việc tiếp cận ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Vốn thực chỉ chiếm 20-30%, còn lại là liên kết tài chính giữa gia đình, bạn bè, anh chị em. Khi ngân hàng không cho vay, trái phiếu Chính phủ không thể tiếp cận, doanh nghiệp buộc phải sử dụng đến nguồn vốn không chính thức hay gọi là "tín dụng đen".
Ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc phát triển, Trường Đại học Fulbright Việt Nam cho biết, việc phát triển thị trường vốn hiện nay mới giải quyết được nguồn vốn cho doanh nghiệp lớn và có quy mô trung bình.
Còn ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia, phân tích, quỹ tín dụng đen tồn tại theo nhu cầu của người dân, vay theo hình thức này khá nhanh gọn, không vướng điều kiện chặt chẽ như của ngân hàng. Các cá nhân, doanh nghiệp sử dụng nguồn vay từ tín dụng đen để trả nợ ngân hàng.
“Đối với thế giới, tín dụng đen đã tồn tại từ rất lâu dưới dạng hoạt động như ngân hàng nhưng không được công nhận. Vì vậy, chúng ta đang đứng trước thực tiễn do cung cầu mà hình thức này tồn tại. Có hai cách tiếp cận với tình trạng tín dụng đen, đó là làm sao hợp thức hoá được, cơ quan thuế cần có bằng chứng ở mức độ hợp lý, như ở nhiều nước, họ phải tính toán một tỷ lệ nào đó phù hợp. Thứ hai là phải nghiên cứu sử dụng dịch vụ về thuế, đơn cử như thuế tư nhân... để giải trình hợp lý”, ông Hà Huy Tuấn nói..
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, bản chất tín dụng đen có đặc điểm không có đăng ký kinh doanh, khoản vay thường phục vụ vay vốn nhanh, điều kiện cho vay nhanh gọn, lãi suất cao theo thoả thuận mà không cần cam kết. Hoạt động này chủ yếu cho vay dân sự ngoài tổ chức cho vay theo quy định của luật. Do đó, để quản lý hoạt động của các tổ chức tín dụng không chính thức, ngoài trách nhiệm của hệ thống ngân hàng, còn có trách nhiệm của Bộ Công an, chính quyền địa phương các cấp.
Ngân hàng Nhà nước một mặt tạo điều kiện cho các ngân hàng, nhất là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và quỹ tín dụng nhân dân mở các chi nhánh, áp dụng công nghệ mới trong giải pháp tiếp cận vốn và thanh toán. Cùng với đó, tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính vĩ mô, quỹ tín dụng nhân dân, nâng cao chất lượng hoạt động; thực hiện tốt hơn nữa chương trình tín dụng ưu đãi thông qua ngân hàng chính sách xã hội để tạo cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ hơn.
Các chuyên gia cho rằng, các ngân hàng thương mại cần rà soát lại một số thủ tục đơn giản hoá cho vay và thanh toán. Đồng thời, đưa ra một số gói sản phẩm thuê mua tài sản, hoặc các công cụ khác như sử dụng công nghệ trong tài chính (Fintech).
Theo Ngân hàng Nhà nước, hoạt động tín dụng không chính thức đòi hỏi trách nhiệm quản lý của các cơ quan, tổ chức, địa phương. Trong phạm vi thẩm quyền của mình, ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng đảm bảo cung ứng vốn tốt hơn nữa cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, đối tượng người dân ở vùng sâu, vùng xa.
Theo VOV