“Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn” là chủ đề của Năm An toàn giao thông 2023, được Ủy ban An toàn giao thông chính thức phát động sáng 9/2 trên phạm vi toàn quốc.
An toàn giao thông (ATGT) là mong muốn không chỉ của mỗi người tham gia giao thông mà còn là nỗi trăn trở, nỗ lực lớn của các ban, ngành từ Trung ương đến địa phương. Điều chúng ta dễ nhận thấy, trong những năm qua hệ thống hạ tầng giao thông không ngừng được đầu tư nâng cấp, xây mới để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Các phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng nhanh, nhưng chất lượng phương tiện, nhất là các trang thiết bị, công nghệ mới để đảm bảo ATGT được chú trọng áp dụng.
Tuy nhiên, thực tế tai nạn giao thông vẫn xảy ra, thậm chí có những tai nạn thảm khốc gây thương vong lớn về người và thiệt hại nhiều tài sản. Lấy Thừa Thiên Huế là ví dụ. Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh tại cuộc họp tổng kết ATGT năm 2022 và triển khai nhiệm vụ 2023, thống kê 7 năm qua (2016-2022) bình quân hàng năm toàn tỉnh xảy ra 270 vụ, làm chết 160 người, bị thương 201 người. Riêng năm 2022, tai nạn giao thông tăng trở lại, ở mức cao so với giai đoạn 2016-2021, với 182 người chết, tập trung ở các quốc lộ, các địa phương có Quốc lộ 1 đi qua, đường nội thị.
Vậy nguyên nhân của tình trạng này do đâu? Nếu loại trừ yếu tố hạ tầng không đảm bảo an toàn, bất khả kháng do hư hỏng phương tiện thì căn nguyên chủ yếu là do ý thức chấp hành các quy định về an toàn giao thông của chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện.
Chúng ta có thể xem xét vấn đề này dưới nhiều góc độ. Trước hết, với các chủ phương tiện, việc không thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện trước khi tham gia giao thông sẽ dẫn đến việc không đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Thậm chí có chủ xe còn cố tình cơi nới, thay đổi kết cấu xe. Họ dùng các mánh khóe thuê, mượn các thiết bị, lốp, thùng xe… để vượt qua khâu kiểm định, sau đó lắp lại cái cũ. Điều này dẫn đến, khi kiểm định thì an toàn, còn khi lưu thông thì họ đánh cược số phận của mình lẫn người đi đường với trò gian dối đó. Chưa kể, một số trung tâm đăng kiểm bắt tay, nhận đút lót để làm ngơ cho các phương tiện không đảm bảo an toàn. Điều này có thể thấy rõ qua việc hàng loạt trung tâm đăng kiểm, kể cả Cục Đăng kiểm, với hàng trăm cá nhân bị khởi tố, bắt giam dịp cuối năm 2022.
Với người tham gia giao thông, bất kể phương tiện lớn hay nhỏ, chỉ cần không thực hiện đúng quy định thì tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào với bản thân và người khác. Vụ tai nạn giao thông thảm khốc vừa xảy ra tại Điện Biên khiến 4 nạn nhân đi xe máy đều ở độ tuổi 15-17 tử vong là điển hình.
Thực tế của bản thân, từ khi học lái xe máy rồi ô tô đều được học luật kỹ càng, các kỹ thuật cơ bản, cách xử lý tình huống. Khi đi xe máy tôi cũng ít khi để ý điều này, nhưng khi ngồi sau vô lăng nhiều lần giật mình thon thót do bị xe máy cắt đầu xe, chen lấn vượt lên. Nếu không bình tĩnh và đi chậm thì có thể TNGT đã xảy ra.
Năm An toàn giao thông 2023, Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia đặt ra 3 mục tiêu lớn, đó là: Nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông an toàn; giảm tai nạn giao thông; khắc phục tình trạng ùn tắc trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm, tại các đô thị lớn và không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài. Nhưng theo tôi, vấn đề ý thức chấp hành pháp luật giữ vai trò hàng đầu, là giải pháp mấu chốt của các giải pháp trong việc đảm bảo an toàn giao thông.
Để làm được điều này, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền năng cao nhận thức chấp hành pháp luật, kỹ năng điều khiển phương tiện thì việc siết chặt quản lý, tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý thật nghiêm các trường hợp vi phạm là điều tiên quyết. Ngẫm từ bản thân mà ra, với mức xử phạt cao nhất lên đến 40 triệu đồng và bị tước bằng lái đến 2 năm đối với vi phạm nồng độ cồn khi lái ô tô, khiến bản thân phải nghĩ lại và chẳng bao giờ muốn vi phạm.
Hoàng Minh