|
(Ảnh minh họa: ifeng)
|
Hoạt động thí điểm này sẽ rà soát, đánh giá điều kiện làm việc, đảm bảo quyền của người lao động trong các sơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” dễ phát sinh tệ nạn mại dâm.
Đây một trong những nội dung chính của Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 7/3.
Theo chương trình vừa được phê duyệt, ngoài mô hình thí điểm quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, chương trình cũng sẽ xây dựng thí điểm thêm hai mô hình về quản lý hoạt động mại dâm.
Tệ nạn mại dâm đã và đang gây nhiều hệ lụy cho xã hội, làm gia tăng các băng nhóm, tổ chức tội phạm mua bán ma túy, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, mua bán người, tổ chức hoạt động mại dâm ở một số địa phương. Tệ nạn này đang hình thành những đường dây mua bán người vì mục đích mại dâm... khiến cho tình trạng mua bán phụ nữ, trẻ em vì mục đích mại dâm có chiều hướng gia tăng không chỉ ở trong nước và ngoài nước.
Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đến nay, số người bán dâm có hồ sơ quản lý là 11.240 người, trong đó, tập trung nhiều ở một số khu vực như: Đồng bằng sông Hồng (3.673 người), Đông Bắc (913 người), Bắc Trung bộ (887 người), Đông Nam Bộ (3.200 người), Đồng bằng sông Cửu Long (1.374 người), các khu vực khác là 1.189 người. Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn cao hơn do đây là một hoạt động rất khó kiểm soát bởi tính phức tạp, tinh vi và trá hình của nó.
Hiện nay, xuất hiện những đối tượng và hình thức hoạt động mại dâm mới: Gái gọi, du lịch tình dục, người nước ngoài bán dâm, mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm, môi giới mại dâm thông qua mạng internet, facebook,… Tình trạng người mại dâm sử dụng ma túy có xu hướng gia tăng; đối tượng mua dâm thuộc nhiều lứa tuổi, thành phần khác nhau.
Theo Vietnam+